Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần sớm hành động trước những thảm họa thiên tai

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần sớm hành động trước những thảm họa thiên tai

\"NgânNgân hàng Thế giới cảnh báo Việt Nam cần phải hành động ngay trước những thảm họa thiên tai như bão Damrey (cơn bão số 12) năm 2017 để bảo vệ các khu vực ven biển. Ảnh chụp ngày 11/5/2017 ở Bình Định. AFPNgân hàng Thế giới: Việt Nam cần sớm hành động trước những thảm họa thiên tai00:00/11:17 

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về rủi ro do thiên tai ở khu vực ven biển miền Trung cảnh báo rằng chính quyền Việt Nam phải hành động ngay “để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong tương lai trước các rủi ro thiên tai”. Cụ thể đâu là những rủi ro lớn nhất và nhà nước phải làm gì?

Giang Nguyễn tìm hiểu những vấn đề này và những biện pháp được Ngân hàng Thế giới đề nghị qua cuộc nói chuyện với ông Jun Rentschler, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới, và là tác giả chính trong 6 tác giả của bản báo cáo có tựa đề “Tăng cường Khả năng chống chịu khu vực ven biển” được phổ biến ngày 21 tháng 10 vừa qua.

Giang Nguyễn: Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới với tựa đề “Tăng cường Khả năng chống chịu khu vực ven biển” được phổ biến đúng vào thời điểm miền Trung Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ lụt, sạt lở, gây thiệt hại về kinh tế và làm thiệt mạng hơn 200 người. Đây có phải là loại thiên tai mà ông đã nghĩ đến khi viết bản báo cáo này mà ông hy vọng có thể tránh được trong tương lai không?

Jun Rentschler: Đúng vậy. Khi đưa ra báo cáo chúng tôi đã hy vọng rằng thiên tai loại như thế này không xảy ra sớm như vậy, nhưng đây thực sự là một nhắc nhở bi thảm rằng những sự kiện này không phải riêng lẻ mà chúng thực sự là một phần của một mô hình thảm họa thời tiết lớn hơn xảy ra thường xuyên hơn, bởi nhiều yếu tố khác nhau. Rõ ràng khí hậu đang biến đổi, nhưng thêm vào đó là con số người dân sống ở các khu vực duyên hải ngày càng nhiều hơn. Sự phát triển đang diễn ra trong các khu vực có rủi ro cao và nó diễn ra rất nhanh. Vì vậy, có rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau và cùng nhau tạo ra những loại thảm họa này.

Giang Nguyễn: Trong báo cáo này, quý vị đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng “Dù đã có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu”. Ông có thể trình bày chi tiết bối cảnh dẫn đến sự đánh giá này?

Jun Rentschler: Tôi nghĩ có hai phần cần xem xét. Một là rủi ro hiện tại. Các biện pháp hiện tại mà Chính phủ đang thực hiện khá ấn tượng và đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực về quản lý rủi ro thiên tai. Nhưng đồng thời, các biện pháp hiện tại chưa đầy đủ để ứng phó trước những rủi ro hiện tại. Ví dụ, chúng tôi đã khảo sát hệ thống đê biển Việt Nam, trải dài hơn 2000 km và chúng tôi thấy rằng khoảng 2/3 của toàn bộ hệ thống đê biển không đạt tiêu chuẩn an toàn mà chính phủ đề ra.

Đó là tình hình hiện tại. Chúng tôi cũng cần phải nhìn về phía trước. Thực tế của vấn đề là khí hậu đang thay đổi. Những thảm họa này, chẳng hạn như lũ lụt hiện nay, ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Đồng thời, ngày càng có nhiều người đến định cư ở các khu vực có rủi ro cao, có nhiều hoạt động kinh tế diễn ra ở các khu vực duyên hải hơn, ví dụ như du lịch ven biển. Vì vậy tỷ lệ của nền kinh tế phải chịu tác động từ rủi ro này sẽ cao hơn. Vì vậy cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ những phát triển đã có, và còn để bảo đảm sự phát triển trong tương lai trước những cú sốc thiên tai.

Giang Nguyễn: Ông đã đề cập rằng 2/3 của hệ thống đê biển không đủ khả năng chống chịu loại thời tiết này. Với tình hình hiện nay, nếu chúng ta không hành động, thì sẽ ảnh hưởng bao nhiêu người dân và tác động lên nền kinh tế như thế nào?

Jun Rentschler: Ước tính của chúng tôi là ngay bây giờ, ngay cả với tất cả các biện pháp mà chính phủ đã áp dụng để bảo vệ người dân, thì khoảng 12 triệu người đang phải đối diện trực tiếp với mối đe dọa từ lũ lụt dữ dội. Tương tự như đối với sạt lở bờ biển, chúng tôi ước tính rằng khoảng 35% các khu định cư ven biển chịu ảnh hưởng từ sạt lở. Hành động có nghĩa là bảo vệ con người và các thành phố, làng xã ven biển. Đó thực sự là động lực chính để đầu tư vào.

Nhưng khi chúng ta nhìn về phía trước, chúng ta nghĩ về biến đổi khí hậu và biết rằng rất nhiều thành tựu trong thời gian qua có thể bị xoá đi. Ví dụ, 1,2 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo trong 10 năm tới do tác động của biến đổi khí hậu. Tôi đã đề cập rằng 12 triệu người hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt. Chúng tôi ước tính con số đó có thể tăng thêm 4-5 triệu người do biến đổi khí hậu.

Giang Nguyễn: Báo cáo có đề cập đến ba lý do dẫn đến những rủi ro này. Một là tốc độ đô thị hóa nhanh, hai là kinh tế phát triển và thứ ba là biến đổi khí hậu. Đối với tôi, có lẽ biến đổi khí hậu là vấn đề khó giải quyết hơn. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu tác hại của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Chính phủ đã làm gì và có thể làm gì nhiều hơn nữa để bớt rủi ro từ hai lãnh vực này?

Jun Rentschler: Vâng, tôi đã đề cập ở phần đầu khi nói về lũ lụt hiện nay rằng có nhiều yếu tố cùng tạo nên những loại thảm họa này và như thế đồng nghĩa có nhiều dạng thức cơ hội khác nhau để giải quyết. Dĩ nhiên biến đối khí hậu là một dạng. Tuy vậy cũng phải nghĩ cách thông minh hơn, đơn cử như tại các khu vực ven biển nơi nào cần phát triển, nơi nào cần đầu tư, nơi nào cần xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi nào cần xây dựng các thành phố và mở rộng chúng như thế nào để đảm bảo loại hình phát triển này trong tương lai ít phải chịu rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Một phát hiện quan trọng mà chúng tôi trình bày trong báo cáo là rất nhiều khu vực ven biển an toàn đã được phát triển, buộc các hoạt động phát triển mới phải tiến hành ở các khu vực có mức độ rủi ro cao. Chúng tôi thấy rằng các phát triển trong 5 năm trở lại có xu hướng chịu rủi ro lũ lụt cao gấp đôi so với tất cả các phát triển trước đây. Thực sự điều đó có nghĩa là sự phát triển trong tương lai sẽ phải chịu rủi ro khí hậu nhiều hơn trước.

Để đảm bảo Việt Nam có thể tiếp tục phát triển thành công như trong quá khứ chúng ta cần suy nghĩ về khả năng phục hồi một cách có hệ thống hơn, trên tất cả các lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, thành phố, các dịch vụ công, trường học và bệnh viện, v.v.

Giang Nguyễn: Vậy thì kế hoạch hành động của quý vị đề nghị phải làm như thế nào để giảm thiểu đe dọa của thiên tai trong khi vẫn phát triển kinh tế?

Jun Rentschler: Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu phát triển rất cao. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chính quyền có thể đảm bảo sự phát triển đó mà không bị đe dọa bởi các cú sốc thiên nhiên.

Để làm được điều đó, chúng tôi khuyến nghị chính phủ thực hiện kế hoạch hành động trong năm lĩnh vực sau:

Trước hết là tăng cường dữ liệu và các công cụ ra quyết định mà chính phủ đã có để đưa ra các quyết định thông minh hơn, với sự cân nhắc rủi ro thiên tai và ưu tiên các nỗ lực của mình trong những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất, có rủi ro lớn nhất.

Thứ hai là tập trung thực thi triệt để quy hoạch không gian có cân nhắc về rủi ro để những phát triển trong tương lai không thực hiện ở các khu vực có rủi ro cao, ví dụ đảm bảo rằng các đầu tư không nằm trong các khu vực có nguy cơ lũ lụt.

Lĩnh vực thứ ba là khả năng chống chịu của hệ thống hạ tầng cơ sở và các dịch vụ công, vì hệ thống đường xá, điện, nước, bệnh viện, giáo dục v.v.  là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chống chịu của các cộng đồng ở Việt Nam. Vì vậy, điều quan trọng là các hệ thống này hoạt động tốt, ngay cả khi bị cú sốc thiên nhiên.

Lĩnh vực thứ tư là giải pháp dựa trên thiên nhiên. Lý do là các hệ sinh thái như rừng ngập mặn và cồn cát ven biển đã bị suy giảm khá nhiều vì phát triển thành công của Việt Nam. Trong quá trình phát triển kinh tế ven biển, các hệ sinh thái này đã phải nhường không gian cho việc đầu tư hạ tầng cơ sở. Nếu khôi phục và bảo tồn được những loại hệ sinh thái này, chúng có thể giúp bổ sung hệ thống đê biển chẳng hạn, để giảm thiểu rủi ro do bão lụt.

Lĩnh vực thứ năm là hành động về năng lực phòng ngừa và ứng phó. Bởi vì ngay cả khi việc giảm thiểu rủi ro thiên tai cực kỳ thành công, sẽ luôn có một số rủi ro không thể tránh khỏi. Thiên tai xảy ra là chuyện đương nhiên, vì vậy chính phủ cần tăng cường năng lực ứng phó tốt để đảm bảo rằng cộng đồng, doanh nghiệp và cả nước có thể phục hồi nhanh chóng sau những loại thiên tai này. Để có được điều này thì phải có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, năng lực ứng phó khẩn cấp của địa phương, cơ chế an sinh xã hội, cũng như chiến lược tài chính quản lý rủi ro thiên tai toàn diện.

Giang Nguyễn: Tất nhiên tất cả những hành động này rất tốn kém. Khoản tiền sẽ đến từ đâu? Ông có nhận định rằng chính quyền Việt Nam có thực hiện thành công kế hoạch hành động mà Ngân hàng Thế giới đề xuất?

Jun Rentschler: Chắc chắn là vậy. Đó là điều mà chúng tôi khẳng định trong phân tích của chúng tôi, rằng đây là một cơ hội thực sự để thực hiện những hành động có ý nghĩa và có thể gia tăng khả năng phục hồi một cách thực tế.

Tôi đã đề cập đến hệ thống đê biển chưa đạt tiêu chuẩn ở Việt Nam. Chúng tôi ước tính rằng cần khoảng 2,2 tỷ đô la để nâng cấp hệ thống hiện tại lên các tiêu chuẩn an toàn hiện nay. Tất nhiên điều đó tốn rất nhiều tiền và không nhất thiết thực tế khi ngay cả ngân sách bảo trì cho hệ thống đê biển còn không đủ.

Nhưng có nhiều cách để giảm loại chi phí này và chúng ta đã phân tích các phương pháp đó trong báo cáo. Điều quan trọng là phải xem xét việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái vì chúng có thể bổ sung cho việc đầu tư hạ tầng cơ sở, và nó rẻ hơn nhiều. Như một lợi ích phụ, nó cũng tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, ví dụ như qua du lịch sinh thái đến rừng ngập mặn, v.v. Cơ hội khác để giảm chi phí là đầu tư vào dữ liệu và các công cụ ra quyết định, bởi vì khi bạn biết chính xác nơi nào có rủi ro cao nhất, bạn có thể nhắm mục tiêu đầu tư và hành động của mình vào những lĩnh vực đó thay vì phải nâng cấp toàn bộ hệ thống đê biển.

\”Để đảm bảo Việt Nam có thể tiếp tục phát triển thành công như trong quá khứ chúng ta cần suy nghĩ về khả năng phục hồi một cách có hệ thống hơn, trên tất cả các lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, thành phố, các dịch vụ công, trường học và bệnh viện, v.v.\”. – Ông Jun Rentschler

Trong báo cáo này, chúng tôi đề xuất kế hoạch hành động trong 5 năm tới mà chính phủ có thể thực hiện cho một chiến lược tăng cường khả năng chống chịu. Chúng tôi ước tính chi phí đó có thể là 500 triệu đô la với một loạt các dự án thí điểm ở các tỉnh khác nhau.

Giang Nguyễn: Chúng ta đang nói về rủi ro, nhưng đây cũng là cơ hội. Khu vực miền Trung là khu vực kinh tế quan trọng. Nếu chính quyền có thể thực hiện đúng đắn kế hoạch hành động này thì cơ hội kinh tế là gì?

Jun Rentschler: Đúng vậy, những khu vực duyên hải của Việt Nam thực sự đáng chú ý vì chúng đang phát triển rất nhanh và năng động và là động lực của sự thịnh vượng và phát triển ở Việt Nam trong vài năm nay.

Ví dụ, chúng tôi ước tính rằng nếu bạn hành động ngay bây giờ để tăng cường khả năng chống chịu các cú sốc thiên nhiên, thì sẽ không bị mất khoảng 4,3 tỷ đô la trong tăng trưởng kinh tế của 10 năm tới. Nên đây là một cơ hội. Bạn đã hỏi tôi tổn phí của hành động là gì? Tất nhiên cũng có một tổn phí lớn nếu không thực hiện những hành động này.

Giang Nguyễn: Chắc chắn là vậy. Cảm ơn ông Jun Rentschler rất nhiều.

Bài Liên Quan

Leave a Comment