Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á bắt đầu Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội hôm 12/11/2020. AFP
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm 12/11, đã bắt đầu một hội nghị thượng đỉnh đa phương với chương trình nghị sự nhằm giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 ở một khu vực mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.
Reuters loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15-11-2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội cho biết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa bị “sa vào vòng xoáy” của những đối thủ và những thách thức đối với hệ thống đa phương quốc tế.
“Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, hòa bình và an ninh thế giới vẫn chưa thực sự bền vững”.- Ông Phúc nói tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bao gồm các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Hoa Kỳ.
Theo ông Phúc, năm nay, các nước đang bị đe dọa đặc biệt lớn hơn do rủi ro kép phát sinh từ hành vi không thể đoán trước của các quốc gia, các đối thủ có mâu thuẫn quyền lực lớn.
Tin cho biết, cao điểm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sẽ là căng thẳng ở Biển Đông, nơi các tàu Trung Quốc thường xuyên gây hấn với các tàu của Việt Nam, Malaysia và Indonesia khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình trên vùng biển đang tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 80% vùng biển bao gồm các vùng biển rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó cũng chồng lấn lên các Vùng đặc quyền kinh tế của các thành viên ASEAN như Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Kể từ giữa tháng 8, Hoa Kỳ đã nhiều lần khiến Trung Quốc giận dữ bằng cách điều tàu chiến đến Biển Đông và đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Bắc Kinh sẽ “tiếp tục làm việc với các nước ASEAN trên con đường phát triển hòa bình để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mô tả xác định đại dịch coronavirus là “thách thức của thế hệ chúng ta”, ông cũng kêu gọi các nước “hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia – dù giàu hay nghèo – đều được tiếp cận với vắc xin an toàn.”
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến sẽ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn vào Chủ nhật ngày 15/11, một hiệp định có thể trở thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm căng thẳng về kết quả bầu cử Mỹ đặt ra câu hỏi về sự can dự của Washington trong khu vực, có thể sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc vững chắc hơn như một đối tác kinh tế với Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, và đưa nước này vào vị thế tốt hơn để định hình các quy tắc thương mại của khu vực.