RCEP trong chiến lược lớn của Trung Quốc
Lãnh đạo một số quốc gia tham dự thảo luận về RCEP tháng 11 năm 2019 tại Thái Lan ReutersRCEP trong chiến lược lớn của Trung Quốc00:00/07:51
RCEP là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới và được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng lại không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Việc này có ý nghĩa gì đối với siêu cường Châu Á đang trỗi dậy và các nước có lợi ích trong khu vực? Giang Nguyễn trò chuyện với nhà khoa học chính trị cao cấp của Viện Nghiên cứu Rand Corporation của Hoa Kỳ, ông Andrew Scobell. Ông là tác giả chính trong bản báo cáo “Chiến lược Vĩ đại của Trung Quốc” viết cho Quân đội Hoa Kỳ để giúp hiểu rõ hơn chiến lược của Trung Quốc với tầm nhìn đến năm 2050.
Giang Nguyễn: RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện) vừa được ký kết vào ngày 15/11. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Ai thắng ai thua trong việc ký kết này?
Andrew Scobell: Thành thật mà nói, kẻ thua cuộc lớn nhất có lẽ là Hoa Kỳ. Hiển nhiên Trung Quốc là một thành viên quan trọng và đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối. Nhưng khái niệm RCEP này ban đầu được đưa ra bởi các nước ASEAN. Những người chiến thắng là các nước tham gia RCEP, các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước khác. Hoa Kỳ vắng bóng một cách đáng chú ý, và do đó là kẻ thua cuộc vì không có phần trong khối thương mại rộng lớn này.
Giang Nguyễn: Hoa Kỳ bị cho là thua thiệt khi RCEP được ký kết, vậy lâu nay họ làm gì để rơi vào tình huống này?
Andrew Scobell: Nó rất quan trọng, nhưng nó chỉ là một quá trình, một khối giao dịch. Tôi không nghĩ chúng ta nên suy diễn quá nhiều về việc này. Vâng, nó là một bước ngoặt đáng kể cho thấy Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hơn, quan tâm hơn đến khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Theo tôi trong những thập niên gần đây, Hoa Kỳ có xu hướng quân sự hóa quá mức chính sách đối ngoại của mình. Nói cách khác là họ dựa nhiều hơn vào khía cạnh quân sự. Số lượng thách thức mà chúng ta, thế giới và Hoa Kỳ phải đối mặt chắc hẳn đã đòi hỏi Hoa Kỳ phải đáp ứng bằng quân sự. Nhưng còn rất nhiều thách thức khác và giải pháp quân sự không phù hợp trong mọi tình huống. Vì vậy đây, là một cú cảnh tỉnh đối với Hoa Kỳ để, thứ nhất, là quan tâm hơn đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và, thứ nhì, là để tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế.
Giang Nguyễn:Điều đáng chú ý nữa là RCEP là hiệp định tự do thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn được ký trong khi các quốc gia này đang có những khác biệt về địa dư chính trị. Ông hiểu sao về điều này?
Andrew Scobell: Tôi nghĩ điều này cho thấy rõ trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán về mặt quân sự và mạnh tay trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ cũng như các vấn đề khác. Nhưng nếu chỉ nhìn Trung Quốc qua lăng kính đó thì tôi cho là quá đơn giản hóa sự việc. Trung Quốc sử dụng phương pháp “cây gậy và củ cà rốt.” Gần đây, chúng ta thấy họ dùng “cây gậy” nhiều hơn, nhưng RCEP là một ví dụ điển hình của “củ cà rốt” mà Trung Quốc dành cho các nước láng giềng. Điều này cho thấy Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các quốc gia khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngay cả với những căng thẳng trong thời gian gần đây với Trung Quốc, tất cả các bên đều miễn cưỡng để cho nó leo thang. Hầu như tất cả các nước đều cố gắng quản lý những căng thẳng đó, và họ yên tâm hơn khi thấy Trung Quốc có thể hợp tác với các nước khác vì lợi ích chung. Nó cũng khiến họ miễn cưỡng hoặc do dự hơn trong việc phản đối quá mạnh đối với Trung Quốc khi nước này có những hành vi ép buộc trong các lĩnh vực khác. Mọi việc trong khu vực trở nên phức tạp hơn, nhưng tôi nghĩ theo đường hướng tốt vì nó cũng giúp giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác.
Giang Nguyễn:Trong bản báo cáo “Chiến lược Vĩ đại của Trung Quốc” ông và các tác giả khác đã phân tích về chiến lược của Trung Quốc tầm nhìn 2050. Ông có thể cho biết thêm về viễn cảnh này?
Andrew Scobell: Đại chiến lược của Trung Quốc là một tầm nhìn dài hạn, bao trùm cho sự phát triển của Trung Quốc. Tất nhiên nó có khía cạnh quốc tế. Nhưng phần lớn cốt lõi của các kế hoạch quốc gia và chiến lược dài hạn mà Trung Quốc đang theo đuổi trong lãnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ vv, đều tập trung vào sự phát triển quốc nội. Trong lúc tập trung phát triển trong nước, họ hiểu rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh rộng hơn, nghĩa là Trung Quốc phải có những tương tác trên toàn cầu. Vì vậy, RCEP là một tin mừng trong bối cảnh Chiến lược Vĩ đại này, và theo tôi, cũng là tốt cho khu vực vì nó cho thấy Trung Quốc quan tâm và sẵn sàng hợp tác, mặc dù chắc chắn sẽ có những căng thẳng và xung đột.Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ ba giữa các nước đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sáng 22/5 tại Hà Nội. Courtesy of BocongthuongGiang Nguyễn: Trong báo cáo, quý vị viết rằng “Đến năm 2030 Trung Quốc có vượt qua được các tranh chấp, xung đột trên một phạm vi rộng lớn của khu vực. Quân đội Hoa Kỳ như một phần của lực lượng chung, cần có khả năng ứng phó ngay với các cuộc khủng hoảng\”. Quý vị đã viết báo cáo này để giúp Quân đội Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về Trung Quốc. Ông có thể giải thích thêm về việc này không?
Andrew Scobell:Đối với sự phát triển quân sự của Trung Quốc, như tôi đã đề cập, họ có các mục tiêu trung hạn và dài hạn để Quân đội Giải phóng Nhân dân có khả năng thể hiện sức mạnh vượt ngoài ranh giới của Trung Quốc, và ngoài cả cái gọi là quần đảo đầu tiên. Đây là học thuyết của Quân đội Trung Quốc trong lúc này, bao gồm cái mà họ gọi là chiến tranh thông tin hóa và hợp tác chiến dịch. Nhưng đó là một học thuyết mong muốn. Các nhà lãnh đạo quân sự Trung Hoa thừa nhận hiện giờ họ chưa làm được. Nhưng họ đang đầu tư vào việc tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội của mình với mục tiêu có thể làm được điều đó trong 10, 15, 20 năm nữa. Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực cần phải chuẩn bị cách đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn không những chỉ về kinh tế, mà còn về quân sự.
Giang Nguyễn: Vậy thì đối với những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam thì nên làm gì?
Andrew Scobell: Tôi nghĩ họ nên tiếp tục làm những gì họ đang làm, đó là cố gắng có quan hệ tốt với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thật khó khi phải sống trong cái bóng của Trung Quốc và có những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Và hầu như giống mọi quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là mối đe dọa và đây là thách thức mà Hà Nội phải đối mặt, làm thế nào để đẩy lui Trung Quốc khi có xung đột lợi ích và làm thế nào để hợp tác với Trung Quốc khi có lợi ích hỗ tương, và duy trì được sự độc lập của mình, cũng như hợp tác với các nước khác mà không khiêu khích Trung Quốc một cách không cần thiết. Do đó khối ASEAN thực sự quan trọng đối với Việt Nam, một khối với sức mạnh tổng hợp có khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và có thể đàm phán từ một vị thế mạnh hơn. Vì vậy RCEP cũng là một tin vui cho Việt Nam.
Bạn biết đấy, ASEAN thường bị chê là một thực thể thiếu chặt chẽ không có tầm ảnh hưởng. Nhưng khối này có nhiều ảnh hưởng và tác động hơn nhiều người nghĩ.
Giang Nguyễn: …Và việc ký kết RCEP chắc chắn đã cũng nâng tầm quan trọng của ASEAN.
Andrew Scobell: Đúng vậy.
Giang Nguyễn: Rất cảm ơn thời gian của ông.