Tại Paris, ngoại trưởng Mỹ bảo vệ chính sách chống Trung Quốc của Donald Trump
Nhân chuyến ghé thăm Paris, chặng đầu tiên trong vòng công du đã đưa ông qua một số nước châu Âu và Cận Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dành cho nhật báo Pháp Le Figaro một bài phỏng vấn độc quyền, đăng trên số ra ngày 17/11/2020. Trả lời nhật báo thiên hữu lớn nhất tại Pháp, ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ thêm về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là chủ trương chống Trung Quốc của tổng thống Donald Trump.
Theo nhận xét của Le Figaro, nhìn chung, ngoại trưởng Mỹ đã tìm cách phản bác các lập luận thường được đưa ra là trong thời gian bốn năm qua, Hoa Kỳ đã co cụm lại. Câu nói của ông Pompeo “Mỹ bị cáo buộc là đã bỏ rơi thế giới, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại” đã đươc Le Figaro nêu bật thành tựa toàn văn bài phỏng vấn.
Ngoại giao thời Trump: Không vồn vã bề ngoài, chỉ chú ý kết quả
Bài phỏng vấn trên Le Figaro là cơ hội để ngoại trưởng Mỹ bảo vệ đường lối đối ngoại của chính quyền Donald Trump thường được xem là đi ngược lại với chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ, điều được tờ báo Pháp tóm gọn trong thành ngữ “xét lại phần lớn các định đề truyền thống của nền ngoại giao Mỹ”. Trên vấn đề này, ông Pompeo đã giải thích rõ ràng về hướng tiếp cận có thể gọi là “phá lệ” của tổng thống Mỹ:
Mike Pompeo: “Có ba điều (cần lưu ý). Điều đầu tiên là cách tiếp cận của tổng thống Trump là quan sát và chú ý đến những sự việc thực tế. Chúng tôi đã lược bỏ một số yếu tố “nhã nhặn” bề ngoài thường thấy vì một chính sách nhắm vào kết quả. Chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để xác định lại xem cái gì là quan trọng nhất để bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ.
Chúng tôi cũng đã bác bỏ ý tưởng theo đó phương Tây đang co cụm vì chúng tôi không tin vào định đề này. Chúng tôi nghĩ là phương Tây cuối cùng sẽ thắng, và hệ thống giá trị của chúng ta phải được bảo vệ. Chính vì thế mà chúng tôi đã nỗ lực chống lại các hành động của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên thế giới, kể cả ở Pháp. Chúng tôi cũng đã chống lại mối đe dọa khủng bố của các thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Tất cả những đe dọa đó không chỉ đặt ra vấn đề an ninh mà còn nhằm làm suy yếu các giá trị của phương Tây vốn đã đóng góp rất nhiều cho hòa bình và thịnh vượng chung. Khi nước Mỹ mạnh – điều mà tổng thống gọi là “Nước Mỹ trước tiên”, thì an ninh toàn thế giới cũng được tăng cường.
Người ta đã cáo buộc chúng tôi là đã bỏ rơi thế giới. Tôi nghĩ rằng thực tế hoàn toàn ngược lại. Bằng cách áp dụng quan điểm bảo thủ và thực tế, phù hợp với các nguyên tắc của những người đã sáng lập nước Mỹ, những nguyên tắc nổi tiếng được Tocqueville ca ngợi, tôi cho rằng chúng tôi đã phục vụ lợi ích rộng lớn hơn của thế giới.
Ông Trump đã nhận thức nguy cơ Trung Quốc ngay từ năm 2016
Về vấn đề Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ đã phản bác lập luận theo đó nhờ đã khống chế được dịch Covid-19, Bắc Kinh đã lấy lại được sức mạnh kinh tế để quay trở lại châu Âu vẫn đang bị dịch bệnh, qua đó làm suy yếu nỗ lực của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Mike Pompeo: Trước tiên hãy nói về các vấn đề chiến thuật, và sự xuất hiện của con virus đến từ Vũ Hán. Đó là một triệu chứng cho thấy bản chất chế độ độc tài Trung Quốc, và việc cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ điều này là một suy nghĩ không công bằng. Không ai bị lừa (về việc này) khi thấy cuộc sống của mọi người đều bị con virus tác hại, thể hiện qua con số tử vong hay tình trạng bị phong tỏa mà chúng ta đều phải trải qua. […]
Tôi tin rằng cả về vac-xin và liệu pháp điều trị virus, và cả về mặt kinh tế, phương Tây sẽ phục hồi. Sẽ mất một chút thời gian, nhưng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu.
Về liên minh mà chúng tôi đang hình thành, tổng thống Trump đã xác định mối nguy hiểm của Trung Quốc ngay từ chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2015-2016. Chúng tôi đã phải mất một chút thời gian để đưa ra một cách tiếp cận mang tính cấu trúc toàn diện, trước tiên là vì cần thuyết phục dư luận bên trong nước Mỹ, nơi mà nhiều nhóm kinh tế được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc.
Sau đó, chúng tôi đã mở rộng cách tiếp cận đó ra bên ngoài, vừa bên trong nhóm Bộ Tứ Quad, liên minh bốn quốc gia (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), mà chúng tôi đã thiết lập để chống lại Trung Quốc, vừa bên trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trường hợp Việt Nam là ví dụ cụ thể về mối nguy Trung Quốc
Theo ngoại trưởng Mỹ, chế độ của đảng Cộng Sản Trung Quốc rất nguy hiểm và ông đã nêu hành động bức hiếp Việt Nam của Bắc Kinh làm ví dụ:
Mike Pompeo: Chúng tôi đang đi đúng hướng của lịch sử trong vấn đề này, và chính vì thế mà chúng tôi phải cố gắng thuyết phục công luận tại Mỹ và tại các nước đồng minh, ngay cả khi có thể phải trả giá trong ngắn hạn và ngay cả khi một số vẫn cảm thấy rằng đặt cược vào Trung Quốc là một lựa chọn tốt. Lý do là vì nếu chúng ta bỏ cuộc, chúng ta sẽ lâm vào tình thế của những thuộc địa chứ không phải là của các đối tác trước chế độ độc tài Trung Quốc.
Phải công nhận rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giúp chúng tôi bảo vệ lập trường này. Không đơn thuần là qua con virus. Hãy xem ví dụ về Việt Nam, nước đang tìm cách khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hoàn toàn không có bất kỳ tranh cãi nào về định nghĩa thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thế nhưng Trung Quốc lại tranh giành vùng đó.
Hãy xem trường hợp của Úc, nước đã có lập trường rõ ràng (để bảo vệ nền độc lập của mình). Trung Quốc hiện đang muốn bắt Úc phải trả giá về kinh tế vì lập trường đó.
Vì thế chúng ta phải đoàn kết để duy trì luật pháp, và ở Pháp cũng vậy. Trung Quốc đang hoạt động bên trong biên giới của chúng ta để tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt là thông qua các Viện Khổng Tử. Chúng tôi cũng đã phải đóng cửa một lãnh sự quán Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động gián điệp.
Tôi tin rằng tất cả những ai thiết tha với trật tự quốc tế và chủ quyền quốc gia đều sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo trật tự và chủ quyền này.
Mỹ “lo ngại” về các hành động “rất hung hăng” của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài vấn đề Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ còn đề cập đến tình hình một số nơi ở châu Âu và vùng Trung Cận Đông, đặc biệt là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Mike Pompeo, Mỹ và châu Âu cần hợp tác để tìm cách đối phó với các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng qua mà ông cũng cho là “rất hung hăng”, từ việc hỗ trợ cho Azerbaijan chống Armenia trong cuộc xung đột ở vùng Thượng Karabakh, cho đến các động thái quân sự ở Libya và Địa Trung Hải.
Đối với ngoại trưởng Mỹ, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sử dụng năng lực quân sự đang khiến Hoa Kỳ lo ngại, và Washington đã bày tỏ thái độ “quan ngại” cả một cách công khai lẫn trong các cuộc tiếp xúc riêng.
Theo RFI