Sáng kiến nhận giải thưởng an ninh lương thực triệu đô
Lưới đánh cá phát sáng, mì sợi tảo và cây trồng nước mặn nằm trong số các dự án chia sẻ giải thưởng an ninh lương thực của UAE.
Là một quốc gia giàu dầu mỏ nhưng khan hiếm nước và đất canh tác, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hàng năm nhập khẩu tới 90% lương thực. Khi Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, việc sản xuất tự túc và giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài đã trở thành vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Công ty Red Sea Farms phát triển nông trại trên sa mạc ở UAE. (Ảnh: KAUST).
“UAE rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Rất khó để trồng cây lương thực ở đây và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn thúc đẩy sản xuất địa phương, xem xét những gì có thể phát triển ở UAE bằng công nghệ”, Bộ trưởng Bộ An ninh Lương thực và Nước Mariam Almheiri nhấn mạnh.
Trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng này, UAE đã tổ chức một cuộc thi mang tên FoodTech Challenge nhằm tìm kiếm các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực đến từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi lựa chọn 437 hồ sơ từ 68 quốc gia, ban tổ chức hôm 18/11 đã quyết định chia sẻ giải thưởng triệu đô cho bốn công ty, bao gồm SafetyNet Technologies có trụ sở tại Anh, Red Sea Farms từ Arab Saudi, Has Algae và QS Monitor của UAE. Mỗi đơn vị sẽ nhận 100.000 USD tiền thưởng và được tài trợ thêm 150.000 USD để triển khai và mở rộng các giải pháp của họ ở UAE.
Sáng kiến lưới đánh cá phát sáng của SafetyNet Technologies. (Ảnh: SafetyNet).
SafetyNet Technologies được trao giải vì đã phát triển một hệ thống lưới đánh cá trang bị đèn LED, giúp ngư dân đánh bắt các loài cụ thể và giảm lượng cá bỏ đi.
Red Sea Farms được đánh giá cao với công nghệ cho phép sử dụng nước mặn trong sản xuất cây trồng, giúp xây dựng các nông trại trên sa mạc.
Trong khi đó, Has Algae sử dụng sinh vật để tạo ra thực phẩm hàng ngày như mì sợi tảo, sữa chua và bánh mì. QS Monitor đồng chiến thắng giải thưởng vì đã tạo ra một nền tảng giám sát để đảm bảo thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
UAE hiện là nơi sinh sống của khoảng 10 triệu người, phần lớn là cư dân nước ngoài. Quốc gia vùng Vịnh này giàu tài nguyên năng lượng nhưng đất đai chủ yếu là sa mạc thường xuyên phải chịu đựng những đợt nắng nóng kéo dài.
Hơn một thập kỷ trước, UAE bắt đầu mua và thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài, chủ yếu ở Đông Phi, để sản xuất lương thực, tạo nguồn cung trong thời kỳ khủng hoảng. Sau đó, họ hướng tới Australia và Đông Âu, nhưng nhu cầu lương thực ngày càng tăng đã tạo cảm hứng cho các chiến lược khác, bao gồm dự trữ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngay tại UAE.
Các dự án tiên phong được triển khai trong những năm gần đây đã chứng kiến những thành công đột phá như việc nuôi cá trong các bể nước trên sa mạc, trồng cây trong trang trại thẳng đứng nhiều tầng, hay các dự án thí điểm sản xuất lúa với lượng nước tưới tối thiểu.
Theo Khoa học