Chuyên gia Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ tuỳ tiện các nhà báo ở Việt Nam
Hình minh hoạ. Ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị bắt giữ trong năm nay (từ trái qua): Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Chí DũngPhoto: RFA
Các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (UN) về nhân quyền, văn hoá và Nhóm làm việc chống bắt người tuỳ tiện của UN hôm 17/9/2020 đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam, bày tỏ quan ngại về tình trạng bắt giữ người tuỳ tiện và đàn áp đối với các nhà báo độc lập ở Việt Nam.
Cụ thể, những người được nêu tên trong bức thư bao gồm nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà báo thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng nêu tên của Nhà Xuất Bản Tự Do bị chính quyền Việt Nam đàn áp và độc giả các ấn phẩm của nhà xuất bản này là ông Hồ Sỹ Quyết.
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng bị bắt giữ vào ngày 21/11/2019, 11 ngày sau khi ông gửi một bức thư đến Chủ tịch và các thành viên của Quốc hội Châu Âu, kêu gọi Châu Âu không phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam vì tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Các chuyên gia của UN lo ngại việc nhà báo Phạm Chí Dũng bị từ chối quyền có đại diện luật sư và được gặp gia đình kể từ khi bị bắt cho tới nay.
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, blogger của RFA, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ bị bắt giữ vào ngày 23/5/2020 ở nhà riêng tại Hà Nội. Ông cũng bị từ chối quyền gặp luật sư và gia đình kể từ khi bị bắt đến nay.
Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị bắt giữ hôm 12/6/2020.
Cả 3 thành viên của hội đều bị cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự – “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Lê Anh Hùng, một thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị bắt giữ hôm 5/7/2018 với cáo buộc vi phạm điều 331 Bộ luật Hình sự – Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…
Theo điều tra của UN, ông Lê Anh Hùng kể từ khi bị bắt giữ đến nay liên tục bị ép uống thuốc, nhập viện tâm thần, thậm chí bị ép ăn qua đường miệng và mũi đến chảy máu vì ông tuyệt thực. Hiện ông vẫn bị ép ở trong bệnh viện tâm thần.
Các chuyên gia của UN cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp Nhà Xuất bản Tự do, những người giao sách và độc giả của nhà xuất bản này, đặc biệt là nhà báo Phạm Đoan Trang, người đã có nhiều cuốn sách được xuất bản tại nhà xuất bản này và bị cấm tại Việt Nam.
Theo bức thư, kể từ khi Nhà Xuất bản Tự do nhận được giải thưởng Prix Voltaire 2020 của Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế vào ngày 3/6/2020, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các thành viên của nhà xuất bản.
Trường hợp đặc biệt là nhà báo Phạm Đoan Trang, người đã bị an ninh đánh đập, truy đuổi kể từ năm 2017 khiến cô phải đi trốn. Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giữ hôm 6/10/2020 với cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự.
Độc giả của Nhà xuất bản Tự do là ông Hồ Sỹ Quyết và gia đình ông cũng bị công an truy bức vào tháng 1 năm 2020.
Các chuyên gia của UN yêu cầu chính quyền Việt Nam phải có phản hồi cho bức thư này với những yêu cầu cụ thể bao gồm:
- Cung cấp thông tin bổ sung và tài liệu về các cáo buộc đối với những người được nêu tên trong thư
- Cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở pháp lý và thực tế trong việc giam giữ những người này
- Xác nhận thông tin chính xác nơi giam giữ các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn
- Giải thích về những biện pháp nào mà Việt Nam đã làm để thay đổi điều 117 Bộ luật Hình sự
- Trình bày những biện pháp đảm bảo nhân quyền cho các nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo ở Việt Nam.
Theo bức thư, nếu sau 60 ngày mà Chính phủ Việt Nam không có phản hồi, bức thư sẽ được công bố công khai trên trang mạng của UN.