Cố vấn Mỹ: ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất, Úc cần cắt đứt sự phụ thuộc vào thế lực này
Tâm Thanh | DKN
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Úc vào tối 22/11, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster chỉ ra rằng: Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu hiện nay và Úc cần cắt đứt sự phụ thuộc kinh tế một cách kịp thời mới có thể thoát khỏi sự uy hiếp từ ĐCSTQ, theo Soundofhope.
Chương trình “60 phút” tối 22/11 của Nine Network đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với cựu cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc H.R. McMaster. Trả lời phỏng vấn, ông McMaster ca ngợi chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, cho rằng vị tổng thống thứ 45 đã hành động đúng khi từ chối chấp nhận giả định: “quốc hội Trung Quốc đang hành động đúng đắn”, đồng thời chấm dứt chính sách hợp tác và trao đổi với ĐCSTQ, đổi sang chính sách “cạnh tranh chiến lược” để đối phó với Bắc Kinh.
Ông McMaster khá tán đồng quan điểm và cách tiếp cận của chính phủ Úc đối với Trung Quốc trong giai đoạn này. Ông cho biết, Úc đã gánh vác trách nhiệm lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.
Ông McMaster cũng nói rõ, ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Ông cho rằng, chính sách đối ngoại của ĐCSTQ là thiết lập một trật tự quốc tế mới để tất cả các nước phục vụ lợi ích của nó.
“Nếu ĐCSTQ thành công trong việc hiện thực hóa những tham vọng này, thì thế giới sẽ mất tự do, thịnh vượng và an ninh”, ông cho hay.
Ông McMaster cho rằng, không chỉ Hoa Kỳ, mà tất cả các nước trên thế giới đều phải áp dụng “cách tiếp cận cạnh tranh” để đối phó với Bắc Kinh.
Kể từ tháng 4 năm nay, Úc đã khiến Bắc Kinh tức giận vì một đề xuất mang tính quốc tế nhằm điều tra nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. Sau khi bày tỏ lập trường của mình, nhiều sản phẩm của Úc đã bị chính quyền ĐCSTQ cấm nhập khẩu vào Trung Quốc. Mối quan hệ song phương Trung-Úc trở nên căng thẳng hơn.
Ông McMaster cũng nhấn mạnh: “Đây không chỉ là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà là vấn đề của toàn bộ thế giới tự do với ĐCSTQ”.
Về việc Bắc Kinh gần đây thắt chặt hạn chế nhập khẩu nông sản Úc vào đại lục, ông McMaster cho rằng, ĐCSTQ muốn Úc “khom lưng khụy gối” và lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời mong muốn “các chính trị gia và người dân Úc không dám chỉ trích Trung Quốc, nếu không họ sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Ông McMaster tuyên bố rằng, Bắc Kinh đã áp dụng các phương pháp tương tự ở nhiều quốc đảo Thái Bình Dương và các quốc gia khác. Trước tiên là sử dụng lợi ích kinh tế để dụ các quốc gia hợp tác với Bắc Kinh về mặt chính trị. Nếu bất kỳ quốc gia nào có bất đồng chính trị với mình, Bắc Kinh sẽ sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế để buộc họ phải hợp tác.
Khi phóng viên hỏi liệu ĐCSTQ có hành động giống như “chủ nghĩa đế quốc thời hiện đại” hay không, McMaster khẳng định chắc chắn rằng, đó là “một hình thức mới của chủ nghĩa thực dân”.
Ông McMaster cũng đề cập đến việc, vì ĐCSTQ lo sợ mất quyền lực nên họ đã ra sức hoàn thiện công nghệ “Orwellian” của mình để thực hiện giám sát tất cả người dân.
Ông McMaster cho hay, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ được biết là đang bị giam giữ trong các trại tập trung và Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình thậm chí đã đe dọa sẽ mở thêm nhiều trại như vậy để thực hiện kiểm soát chặt chẽ hơn đối với người dân.
Ông McMaster cảnh báo Úc rằng, Úc cần phải chịu đựng nỗi đau và cắt đứt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc một cách kịp thời, đồng thời giúp người dân Úc để họ hiểu được vì lợi ích lâu dài của con cháu họ, họ phải thoát khỏi sự uy hiếp kinh tế của ĐCSTQ càng sớm càng tốt.
Ông McMaster phục vụ trong chính quyền Trump từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2018. Trong “Đối thoại an ninh châu Á-Thái Bình Dương 2020” vào tháng 9 năm nay, ông đã đề xuất “tăng cường ba điểm” đối với Đài Loan, khuyến nghị “khuếch đại tiếng nói của Đài Loan” trong các trường học và viện nghiên cứu để chống lại các hoạt động gián điệp, hối lộ, giám sát và đe dọa của ĐCSTQ.
Ông McMaster nhấn mạnh rằng, tiếng nói của Đài Loan là điều cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác của các đối tác có cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các quan hệ đối tác như vậy sẽ thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định, đồng thời phản đối sự chèn ép để thông qua đó xây dựng các xã hội tự do và cởi mở.