Mỹ hỗ trợ Việt Nam thêm $20 triệu xử lý dioxin sân bay Biên Hòa
24/11/2020
Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam thêm 20 triệu đôla để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nâng tổng giá trị tài trợ cho dự án này lên hơn 110 triệu đôla.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20-22/11, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã công bố việc Cơ quan Viện trợ Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đóng góp thêm 20 triệu đôla vào dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, là nơi lưu giữ và xử lý chất da cam chính trong thời kỳ chiến tranh và là điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.
Tuyên bố này đưa tổng giá trị tài trợ cho dự án Biên Hòa của USAID cho đến nay lên hơn 110 triệu đôla, thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết hôm 22/11.
Phát biểu trước sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội, phụ tá an ninh của Tổng thống Donald Trump nói: “Sự hợp tác của hai quốc gia để giải quyết hậu quả chiến tranh là một phần quan trọng trong Quan hệ Đối tác Toàn diện mạnh mẽ của chúng ta. Tôi tự hào thông báo USAID sẽ đóng góp thêm 20 triệu đôla cho nỗ lực xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hoà.”
Trước đó, ông O’Brien đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội. Thủ tướng Phúc nói rằng ông “đặc biệt đánh giá cao việc Quốc hội Mỹ vừa thông qua ngân sách 20 triệu đôla dành cho dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa trong năm tài khóa sắp tới,” theo trang Báo Pháp Luật.
VN giao mặt bằng để Mỹ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa
Tháng 9/2019, USAID cùng các cơ quan đối tác thuộc chính phủ Việt Nam khởi động quá trình lập kế hoạch tổng thể cho dự án. Phần đóng góp của USAID cho dự án sẽ tập trung vào các hoạt động nằm trong kế hoạch cho giai đoạn I kéo dài 5 năm với thỏa thuận tài trợ cho giai đoạn này là 183 triệu đôla.
“Với khoản ngân sách bổ sung 20 triệu đôla được phân bổ vào tháng 11/2020, nguồn ngân sách của USAID tính tới thời điểm hiện tại sẽ là 113.650.000 đôla trong tổng mức đóng góp ước tính của USAID là 183 triệu đôla,” USAID cho biết trong một thông cáo.
Trong năm 2020, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hợp tác thu thập và phân tích dữ liệu thực địa bổ sung về địa hình, dữ liệu nền về điều kiện môi trường và mức độ ô nhiễm của đất để thiết kế chi tiết hoạt động đào xúc và xử lý. Nhờ phân tích này, USAID đã lên kế hoạch bắt đầu thực hiện hoạt động đào xúc ban đầu vào tháng 12/2020 và tiếp tục trong 6 tháng mùa khô tiếp sau đó.
Theo ước tính trong bản kế hoạch cuối cùng hiện đang được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam xem xét, các hoạt động đào xúc và xử lý sẽ cần được thực hiện trong khoảng 10 năm với kinh phí lên tới 450 triệu đôla.