Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy mọi cáo buộc đối với nhà thơ Trần Đức Thạch
Hình minh hoạ. Nhà thơ Trần Đức Thạch FB Trần Đức Thạch
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) vào ngày 25 tháng 11 lên tiếng kêu gọi Chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch.
Thông cáo báo chí của HRW dẫn phát biểu của ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW, rằng Chính phủ Hà Nội muốn trừng phạt ông Trần Đức Thạch chỉ vì ông này hoạt động cổ xúy cho nhân quyền, công bằng. Việt Nam cho việc hành xử một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận là một tội; do vậy các chính phủ khác cần phải bày tỏ quan ngại trước khi diễn ra phiên xử ông Trần Đức Thạch, cũng như kêu gọi trả tự do cho ông này.
Theo HRW, Công an Việt Nam bắt ông Trần Đức Thạch vào ngày 23 tháng 4 vừa qua, vì ông có liên quan đến một nhóm ủng hộ dân chủ tại Việt Nam. Ông bị cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và theo kế hoạch sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 30 tháng 11 tới đây.
Từ khi bị bắt đến ngày 5 tháng 11 vừa qua, ông mới được phép gặp luật sư tại nhà giam dưới sự giám sát của công an. Luật sư bào chữa cho ông không được phép sao chụp hồ sơ để tìm hiểu vụ việc.
Nhà thơ Trần Đức Thạch, năm nay 69 tuổi, là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt nam. Ông từng là hội viên Câu lạc Bộ Nhà Văn tỉnh Nghệ An.
Hồi ký ngắn ‘Hố chôn người ám ảnh’ của ông kể lại vụ thảm sát những người dân bởi bộ đội miền Bắc ở xã Tân Lập, nay là xã Xuân Lập, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hồi tháng Tư năm 1975. Ông là nhân chứng vụ việc.
Ông cũng là tác giả của hằng trăm bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, nhiều bài viết lên án tham nhũng, bất công, vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên sách nhiễu ông. Vào năm 1978, để phản đối tình trạng này, ông tự thiêu khiến bị bỏng nặng.
Vào năm 2008, ông tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Ông bị bắt vào tháng 9 năm 2008 với cáo buộc của cơ quan chức năng Việt Nam là ‘viết bài bóp méo sự thật, nói xấu, phỉ bang đảng và nhà nước. Vào tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 3 năm tù.
Sau khi mãn án vào năm 2011, ông tiếp tục lên tiếng phản biện. Ông tham gia Hội Anh em Dân Chủ vào tháng 4 năm 2013, và là thành viên thứ 10 của hội này bị bắt kể từ năm 2015 trở lại đây.