Philippines dự định mua tên lửa hành trình hiện đại BrahMos
Ngày đăng 27-11-2020T.H
Philippines có thể trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên mua tên lửa hành trình siêu âm nhanh nhất thế giới do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất mang tên BrahMos.
Nikkei ngày 23/11 đưa tin, Nga và Ấn Độ đang hướng tới việc xuất khẩu tên lửa BrahMos cho Philippines. Nếu thương vụ được chốt, quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành nước đầu tiên mua dòng tên lửa này.
BrahMos là cái tên ghép giữa sông Brahmaputra của Ấn Độ và sông Moskva của Nga và hiện là tên lửa hành trình siêu âm nhanh nhất thế giới, theo RT. Ngoài phiên bản phóng từ mặt đất, BrahMos còn có biến thể phóng từ máy bay, tàu chiến hoặc tàu ngầm. Phiên bản nâng cấp của tên lửa này có thể có tầm bay lên tới 500 km.
Nhà ngoại giao Nga ở Ấn Độ Roman Babushkin tiết lộ tất cả các vụ thử biến thể của BrahMos đều thành công và hai nước đang lên kế hoạch tăng tầm tấn công của tên lửa, cũng như xuất khẩu tới một nước thứ 3, “bắt đầu với Philippines”.
Khi được hỏi Manila đã đặt hàng BrahMos chưa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói với Nikkei rằng quốc gia Đông Nam Á đã tìm hiểu về tên lửa, nhưng việc mua sắm vẫn đang trong quá trình cân nhắc. Ông Andolong nhấn mạnh rằng đây là “một phần trong chương trình hiện đại hóa để nâng cao năng lực quốc phòng của chúng tôi”.
Tháng 12 năm ngoái, Philippines từng đề cập tới thương vụ mua BrahMos để nâng cao năng lực phòng vệ bờ biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết hợp đồng sẽ được ký vào quý 2 năm 2020, gồm 2 khẩu đội. Mỗi khẩu đội BrahMos gồm 3 bệ phóng tự động và nó sẽ trở thành hệ thống vũ khí đầu tiên của Philippines có năng lực răn đe, ông Lorenzana phát biểu thời điểm đó.
Tuy nhiên, Covid-19 dường như đã làm ảnh hưởng tới quá trình mua sắm và một số nguồn tin nói rằng thương vụ này có thể sẽ được ký kết vào năm tới.
Theo Nikkei, việc Philippines mua BrahMos có thể sẽ khiến Trung Quốc quan ngại trong bối cảnh họ đang trong căng thẳng với Ấn Độ ở biên giới, đồng thời bị lên án bởi những yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.