Châu Âu – Mỹ : Đối tác mới chống « đối thủ toàn diện Trung Quốc » ?
Trong bối cảnh sắp thay đổi lãnh đạo tại Washington, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng có nhiều sôi động. Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên Hiệp Châu Âu đều muốn thắt chặt quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ, nhưng trên một cơ sở đối tác mới để đối phó với sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc. Mỹ cũng muốn kéo đồng minh Châu Âu vào mặt trận Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Đối diện với những chế độ độc tài ngày càng hung hăng trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc của Tập Cận Bình, Liên Hiệp Châu Âu và NATO không bỏ lỡ cơ hội thay đổi chính quyền ở Hoa Kỳ để xây dựng lại một cách cơ bản quan hệ đồng minh. Mục đích là lật qua trang sử Donald Trump nhiều sóng gió, để từ nay hai bờ Đại Tây Dương đoàn kết như một khối có cùng phương châm hành động, cùng mục tiêu đi tới.
Đối tượng Trung Quốc
Hy vọng này của Châu Âu sẽ thực hiện được đến đâu với Joe Biden, điều này sẽ được thời gian trả lời. Nhưng trước mắt, có một điều chắc chắn là tổng thống tân cử sẽ được các nhà lãnh đạo Châu Âu và NATO đón tiếp nồng nhiệt tại Bruxelles vào mùa xuân tới. Trong Hội Đồng Châu Âu, nơi quy tụ các thành viên, ở Ủy Ban Châu Âu, cũng như tại trụ sở NATO, tràn ngập những lời kêu gọi « xây dựng một đối tác mới » (Le Monde).
Ủy Ban Châu Âu đã chuẩn bị xong một hồ sơ chi tiết về những dự án cùng tiến hành với Washington. Để đối phó với « những thách thức chiến lược » của Trung Quốc, Bruxelles kêu goi khẩn cấp « tái xây dựng » đối tác xuyên Đại Tây Dương trên ít nhất 5 lãnh vực mà hai bên có cùng mẫu số chung: Chống đại dịch Covid-19, xu hướng đa phương, biến đổi khí hậu, hòa bình, an ninh và các giá trị chung, cũng như cùng nhau chấn hưng kinh tế.
Financial Times cho biết chi tiết cụ thể : Quản lý các công ty kỹ thuật số, theo dõi nguồn vốn nước ngoài, cải tổ Tổ Chức Thương mại Thế Giới và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, phân phối vắc-xin.
Bên cạnh đó, Bruxelles đề nghị với Mỹ một chính sách chung đối phó với Trung Quốc. Tuy không chủ trương « thập tự chinh » chống Bắc Kinh và vẫn muốn duy trì kênh đối thoại, Châu Âu hy vọng được chính quyền Joe Biden hỗ trợ để đương đầu với Trung Quốc của Tập Cận Bình, từ « đối tác toàn diện » trở thành « đối thủ toàn diện ».
Theo chuyên gia Pháp Gabriel Gresillon (Les Echos), cho dù Mỹ và Châu Âu có một số bất đồng trên hồ sơ thương mại hay Iran, nhưng phía Châu Âu tin rằng Joe Biden sẽ không làm cao bồi xé lẻ như Donald Trump.
NATO cũng mong sớm tái lập quan hệ nồng ấm với Hoa Kỳ, không còn bị phê phán là một cơ cấu quân sự tốn kém và lỗi thời. Tuy nhiên, tương lai NATO và Châu Âu không chỉ tùy thuộc ở Mỹ. Đứng trước hai đại cường Nga, Trung, chia rẽ trong nội bộ liên minh mới là mối lo. Tranh cãi về Hoa Vi hay thái độ đối với Nga là một bằng chứng.
Về hợp tác quân sự, không nên quên một câu hỏi then chốt : Liệu Châu Âu có chấp thuận liên kết với Mỹ ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và Châu Phi hay không ?.
Bản báo cáo mới nhất của Tiểu ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ cổ vũ cho hợp tác chung, mời gọi Châu Âu cùng với Mỹ xây dựng một chiến lược chung, quyết định mục tiêu và phương tiện hành động, không cho Trung Quốc khống chế hai địa bàn chiến lược này.
Theo RFI