Những lần Israel bị nghi ám sát chuyên gia hạt nhân Iran
Thứ Tư, 02 Tháng Mười Hai 2020
Ít nhất 5 chuyên gia liên quan chương trình hạt nhân Iran bị ám sát trong 10 năm qua, tất cả đều được cho là do đặc vụ Israel thực hiện.
Mohsen Fakhrizadeh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran, trúng đạn tử vong sau khi xe chở ông bị phục kích ở ngoại ô thủ đô Tehran hôm 27/11. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cùng hai quan chức tình báo khác cho biết Israel đứng sau vụ tấn công, song không nêu chi tiết. Giới chức Iran cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công.
Fakhrizadeh là chuyên gia hạt nhân cấp cao nhất của Iran từng bị ám sát, nhưng ông không phải nạn nhân đầu tiên. Đã có ít nhất 4 chuyên gia Iran khác bị hạ sát trong 10 năm qua, trong một nỗ lực mà Tehran cho là âm mưu phá hoại chương trình hạt nhân của nước này do \”kẻ thù truyền kiếp\” Israel thực hiện với sự hỗ trợ từ Mỹ.
Tel Aviv duy trì chính sách không bình luận về những cáo buộc này, trong khi Washington thường xuyên phủ nhận mọi sự liên quan. Tuy nhiên, Israel từng nhiều lần nhấn mạnh có quyền tự vệ bằng cách ngăn Iran trở thành cường quốc hạt nhân, trong khi cơ quan tình báo Mossad từng nổi tiếng với hàng loạt chiến dịch bắt cóc và ám sát, khiến nhiều nước Arab lo sợ trong gần 70 năm qua.Các vụ ám sát nhà khoa học Iran thường có chung phương thức, diễn ra trên đường họ đi làm hoặc từ chỗ làm về nhà.
Năm 2010, chuyên gia vật lý hạt Masoud Ali Mohammadi thiệt mạng trong một vụ nổ sau khi ông rời khỏi nhà. Quả bom điều khiển từ xa đoạt mạng Mohammadi được gắn vào một xe máy gần đó.
Cuối năm đó, nhà khoa học hạt nhân Majid Shahriar thiệt mạng khi những kẻ lạ mặt áp sát và gắn một quả bom vào xe của ông. Fereidoon Abbasi Davani, người đứng đầu cơ quan hạt nhân Iran khi đó, thoát chết trong âm mưu ám sát diễn ra cùng ngày. Cả hai người dường như đều làm việc cùng Fakhrizadeh.
Năm 2011, Darioush Rezaeinejad, học giả có liên quan tới hoạt động hạt nhân của Iran, bị một nhóm sát thủ đi xe máy bắn chết. Chỉ một năm sau, Mostafa Ahmadi Roshan, phó giám đốc nhà máy làm giàu uranium tại Natanz, thiệt mạng trên đường đi làm khi quả bom gắn vào ô tô riêng của ông phát nổ.
Lý do vụ ám sát Fakhrizadeh diễn ra vào thời điểm này vẫn chưa thực sự rõ ràng, khi nó được thực hiện gần 10 năm sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran gần đây nhất. Tuy nhiên, điều chắc chắn là toàn bộ khu vực Trung Đông đang trong tình trạng rất căng thẳng khi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn vài tuần.
Ông chủ Nhà Trắng luôn hành động cứng rắn với Tehran, đỉnh điểm là vụ sát hại tướng Qassem Soleimani tại Iraq hồi đầu năm nay. Trump được coi là người ủng hộ các tham vọng chính trị và quân sự của Israel hơn ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Israel cũng từng thừa nhận theo đuổi các chiến dịch bí mật để thu thập tin tức tình báo về chương trình hạt nhân Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi năm 2018 cho biết Tel Aviv đã thu thập được hàng chục nghìn tài liệu từ cái được ông gọi là \”Kho lưu trữ Hạt nhân\” của Iran.Vũ Anh (Theo Guardian