Tín đồ PGHH Bùi Văn Thâm được Dân biểu Quốc hội Đức bảo trợ
Tín đồ PGHH Bùi Văn Thâm Gia đình cung cấp00:00/06:22
Văn phòng của Dân biểu Quốc Hội Đức Martin Patzelt hôm 26/11 cho biết, ông đã nhận bảo trợ cho Tù nhân lương tâm Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm.
Ông Bùi Văn Thâm bị bắt ngày 26/6/2017, sau khi gia đình tổ chức lễ giỗ mà công an ngăn cản không cho người đến dự. Đầu năm 2018 ông bị tuyên án 6 năm tù với tội “gây rối trật tự công cộng” và tội “chống người thi hành công vụ”. Ông là một trong 6 người thuộc Đạo tràng Út Trung của Phật Giáo Hòa Hảo độc lập bị tuyên án, trong đó có ông Bùi Văn Trung, cha của ông Thâm.
Phóng viên Giang Nguyễn có cuộc nói chuyện với dân biểu Martin Patzelt về việc bảo trợ cho tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Giang Nguyễn: Cảm ơn Dân biểu Patzelt cho tôi cuộc nói chuyện hôm nay. Trước tiên tôi xin hỏi về sự bảo trợ của ông đối với tín đồ Hòa Hảo Bùi Văn Thâm. Ông được biết về trường hợp của ông ấy như thế nào và vì sao ông quan tâm và đã nhận báo trợ cho ông Thâm?
Martin Patzelt: Lần cuối tôi đến thăm Việt Nam (năm 2017) tôi đã có dịp gặp các cộng đồng Phật giáo (Hòa Hảo). Họ đã kể cho tôi nghe về những đàn áp mà tín đồ Phật giáo phải gánh chịu trong những năm qua, càng ngày càng nhiều. Họ bị bạo hành, không được nhóm họp tập trung, nhiều khi bị đánh đập hay bị mất việc làm. Tôi nghe và rất cảm động. Và khi tôi được tin những người tôi đã gặp gỡ và quen biết, nghe nói gia định họ bị bắt, thì tôi đặt câu hỏi là tôi có thể làm gì cho họ. Tôi có thể làm rất ít. Nhưng ít nhất, tôi có thể lên tiếng, và sẽ để ý kỹ số phận họ sẽ đi đến đâu, bị đối xử như thế nào. Đó là sự bảo trợ của tôi.
Giang Nguyễn: Ông có thể cho biết thêm về chương trình ‘Nghị sĩ bảo vệ Nghị sĩ’ của Quốc Hội Liên Bang Đức không? Nó có thể giúp ông Bùi Văn Thâm cũng như các Tù nhân Lương tâm khác như thế nào?
Martin Patzelt: Cái đó không thể nói chính xác được. Nhưng tôi nghĩ rằng khi chính quyền Việt Nam biết ở hải ngoại có những nghị viên để ý hơn và được thông tin từ các tổ chức phi chính phủ và các gia đình về tình trạng của các tù nhân, thì có thể họ sẽ giảm áp lực, sẽ hạn chế đối xử tùy tiện. Tôi đã chứng kiến điều này qua một người tôi đã từng bảo trợ. Người ấy (ông Nguyễn Hữu Vinh) bị giam 5 năm. Lúc đó, tôi giữ liên lạc với gia đinh của ông cho đến khi ông được trả tự do và tôi được biết sự bảo trợ đã giúp họ về mặt tinh thần khi họ được gia đình cho biết là có những nghị viện ở Đức hoặc ở Châu Âu quan tâm đến số phận của họ. Cho nên đây là một tín hiệu gửi đến chính quyền rằng chúng tôi đang theo dõi rất kỹ việc quý vị đang làm. Qúi vị không thể để mất tăm những con người mà chúng tôi nghĩ đang bị quí vị ngược đãi. Hơn nữa đây là tín hiệu gửi đến tù nhân và gia đình của họ rằng chúng tôi đang cố gắng đoàn kết, đồng cảm với các bạn và khi các bạn cần thì chúng tôi sẽ giúp đỡ.
Giang Nguyễn: Ông hoặc Đại sứ quán của Đức ở Việt Nam có thông tin được với ông Bùi Văn Thâm về sự báo trợ này, hoặc ông có được thông tin gì từ ông Bùi Văn Thâm?
Martin Patzelt: Chúng tôi chưa nhận được. Tôi đã phải cố gắng khá lâu và ông Bùi Văn Thâm mới được nhận vào chương trình (Nghị sĩ bảo vệ Nghị sĩ). Bây giờ tôi dự tính sẽ viết thư cho gia đình. Tôi đã viết thư thông báo cho tổ chức NGO kết nối để cho họ biết sự bảo trợ của tôi được chấp nhận, và bây giờ tôi sẽ viết thư để kết nối với gia đình.
Giang Nguyễn: Ông có thông tin gì về cha của ông Bùi Văn Thâm, là ông Bùi Văn Trung, cùng gia đình cũng đang bị cầm tù không?
Martin Patzelt: Rất tiếc tôi chưa có thông tin gì hết.
Giang Nguyễn: Ông đã quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông có nhận thấy một sự cải thiện nào đó trong thời gian qua hay Việt Nam chỉ quan tâm vấn đề nhân quyền khi có thể dùng nó như một công cụ đàm phán các hiệp định thương mại, như EVFTA? Và các nghị sĩ như ông có thể làm gì hơn để đẩy vấn đề nhân quyền ở Việt Nam?
Martin Patzelt: Tôi nghĩ phải luôn luôn cảnh cáo, viết thư, nói lên rằng chúng tôi đang theo dõi và biết quý vị đang làm gì. Liệu tình trạng nhân quyền có thay đổi hay không thì tôi không biết. Nhưng xét trên kinh nghiệm cá nhân với trường hợp ông Nguyễn Hữu Vinh, tôi đã được đến thăm trại giam và được quan sát và thấy ông Vinh sau đó dần dần được tạo điều kiện hơn. Tôi đã không gặp được ông Vinh, mặc dù ông đang ở đâu đó trong trại giam. Điều thật phi lý, tôi chỉ được nói chuyện và gặp những người cai ngục. Nhưng sau đó ông được tạo điều kiện như được tập thể dục, được đọc sách nhiều hơn. Tôi không biết hai việc đó có liên quan không, nhưng tôi tin rằng cần phải làm. Và bây giờ chính quyền Việt Nam bắt những người này không phải vì lý do chính trị mà là lý do tín ngưỡng.
Việc cốt lõi là cần phải nói với chính quyền là họ đang đi ngược lại lợi ích của chính họ vì khi người dân bị đàn áp thì sẽ không bao giờ hạnh phúc được. Một dân tộc bị đàn áp cũng sẽ không bao giờ đạt được khả năng của một quốc gia tự do. Họ tự hại họ. Đơn cử là Bắc Hàn, một nền độc tài càng bạo hành thì nền kinh tế sẽ suy sụp, những sáng kiến sẽ bị tiêu hủy, rồi chỉ còn nô lệ và người nô lệ không thể có sáng kiến và sức mạnh sáng tạo. Đây là lý luận tôi thường đưa ra với họ, hãy xem và so sánh với các nền tự do dân chủ, thì sẽ thấy ngay rằng các nhà cầm quyền chỉ muốn nắm quyền, mặc kệ người dân có ấm no hay không. Việc này chúng ta phải luôn luôn nêu rõ trước các ủy ban, các hội đồng quốc tế, Liên Hiệp Quốc v.v., mỗi khi có đại diện từ quốc gia đó có mặt.
Giang Nguyễn: Cảm ơn Dân biểu Martin Patzelt. Còn điều gì ông muốn nói về trường hợp ông Bùi Văn Thâm hoặc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam?
Martin Patzelt: Vâng, đây là cơ hội cho chúng tôi nói với tất cả mọi người: Nếu bạn cần sự giúp đỡ từ hải ngoại, từ quốc tế đặc biệt là từ các quốc gia dân chủ, hãy cho các nghị sĩ chúng tôi biết về những gì các bạn phải chịu đựng. Chúng tôi không thể giúp gì nhiều nhưng chúng tôi ít nhất muốn bạn biết chúng tôi đồng cảm với các bạn.
Giang Nguyễn: Cảm ơn thời gian ông đã dành cho chúng tôi.