3 “ông lớn” ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động

3 “ông lớn” ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động

December 4, 2020

\"\"

Cụ thể, Vietcombank giảm 0,2% lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng được ngân hàng này giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 5,9%/năm xuống 5,7%/năm. Lãi suất một số kỳ hạn ngắn giảm 0,1%, đưa kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 4,1%/năm xuống 4%/năm.

Tương tự tại BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng – 36 tháng cũng được ngân hàng này đồng loạt giảm 0,2% xuống mức 5,6%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm từ 4,2%/năm xuống 4%/năm; 3-5 tháng giảm từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; 1-2 tháng giảm từ 3,3%/năm xuống 3,1%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện chỉ còn 5,6%/năm, giảm 0,2%/năm so với hồi tháng 11. Kỳ hạn 6 tháng – dưới 12 tháng cũng được ngân hàng này giảm 0,2% xuống mức 4%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng – dưới 6 tháng giảm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng còn 3,1%/năm.

Tại khối ngân hàng thương mại tư nhân cũng ghi nhận động thái giảm lãi suất huy động VND. Ví dụ như tại MBBank, ngân hàng đã bỏ lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 24 tháng đặc biệt áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 200 – 300 tỷ trên bảng niêm yết. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng hiện nay là 6,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng – 60 tháng; lãi suất kỳ hạn 7 tháng – 9 tháng giảm 0,2% xuống 4,9%/năm.

Khảo sát thị trường cho thấy, lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm tại Eximbank với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng. Những khoản tiền gửi giá trị dưới 500 tỷ đồng sẽ có lãi suất chỉ 6,3%.

Sau Eximbank, Ngân hàng Phương Đông (OCB) có lãi suất cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 13 tháng với giá trị trên 500 tỷ đồng là 8,2%/năm. MSB cũng thông báo lãi suất với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cho khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng là 8%, trong khi dưới 200 tỷ là 6,4%/năm.

Một số ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao như LienVietPostBank (7,9%/năm), Ngân hàng Bản Việt (7,5%/năm), ACB (7,4%/năm), Ngân hàng Quốc dân NCB (7,3%/năm), SCB (7,3%/năm)…

Những tháng gần đây, trước tình trạng lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang các kênh khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: “Do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, người gửi tiền đã rút tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết và việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư”.

Ông Tú cho biết hiện nay việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

“Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình” – ông Tú nói.

Theo Dân trí

Bài Liên Quan

Leave a Comment