Biểu tượng 50 năm trước: Willy Brandt quỳ gối ở Warsaw
6 giờ trước
Các báo châu Âu hôm nay nhắc lại biểu tượng lớn năm thập niên trước, ngày 7/12/1970 Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt đã quỳ gối trước tượng Khởi nghĩa Ghetto Do Thái ở Warsaw.
Đài Deutche Welle gọi động tác quỳ gốc, hối lỗi vì các tội ác của quân Đức “là hành động biểu tượng lớn nhất” của ông Brandt.
Sự kiện trên cũng là dịp nhắc lại các hành động hối lỗi, lời xin lỗi có ý nghĩa lớn, so với \’trào lưu xin lỗi\’ trở nên nhàm chán sau này.
Tượng đài nơi ông Willy Brandt quỳ xuống đánh dấu cuộc thảm sát của phát-xít Đức với người Do Thái Ba Lan năm 1943.
Chừng 70 nghìn người Do Thái bị Đức giết tại chỗ và 50 nghìn nữa, gồm cả phụ nữ, trẻ em bị đưa vào trại diệt chủng và lò thiêu.
Trong lúc quỳ xuống, ông Willy Brandt chỉ thì thầm cầu nguyện và không ai rõ ông nghĩ gì.
Sau này, ông ghi lại trong hồi ký câu như sau:
“Đối mặt với vực thẳm của lịch sử Đức và gánh nặng linh hồn của hàng triệu người bị sát hại, tôi làm (động tác mà) không lời nói nào của con người chúng ta có thể bật ra được.”
Tầm nhìn xa vào tương lai
Các sử gia nay đồng ý rằng động tác hối lỗi, quỳ xuống thèm đá granit lạnh lẽo trong biệt khu Do Thái của Warsaw là chủ ý của riêng ông Brandt, không có bàn thảo, đồng ý gì với chính phủ CHLB Đức và Ba Lan.
Thậm chí, động tác của thủ tướng nước cựu thù còn khiến lãnh đạo CHND Ba Lan khi đó ngạc nhiên, và có những giới còn hơi khó chịu, theo sử gia Krzysztof Ruchniewicz từ ĐH Tổng hợp Warsaw.
“Họ ngạc nhiên và hiểu là động tác của ông Brandt thể hiện sự hối lỗi, hướng tới hòa giải.”
“Nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Ba Lan đã phản ứng với mọi động tác có thể thay đổi hình ảnh “nước Tây Đức xấu xa.”
Dù vậy, cùng với động tác đó là quyết định của chính phủ CHLB Đức ký với Ba Lan \’Hiệp định Warsaw\’, xác nhận đường biên giới hậu Thế Chiến II của Ba Lan trên sông Oder.
CHLB Đức đồng ý với quyết định của Đồng minh cắt cho Ba Lan hàng nghìn km2 lãnh thổ thuộc Đông Phổ và Tây Phổ cũ, gồm nhiều thành phố công nghiệp lớn cho Ba Lan sau 1945.
Lãnh đạo Ba Lan cũng hiểu rằng ký kết hiệp định hòa bình với Tây Đức, thành viên Nato, sẽ làm giảm sức ép chiến tranh tiềm tàng của hai phe trên đất nước họ.
Thậm chí, ngày nay có quan điểm cho rằng lãnh đạo Ba Lan năm 1970 đã ký với Đức để hóa giải nhu cầu Liên Xô tiếp tục đóng quân trên đất Ba Lan, vùng sát biên giới với Đông Đức.
Một khi các vùng đất mới của Ba Lan được đảm bảo hòa bình thì nhu cầu để nhiều sư đoàn Liên Xô “bảo vệ biên giới cho Ba Lan” không còn nữa.
Trên thực tế, Willy Brandt đã nhìn xa hơn vấn đề biên giới.
Năm sau, ông họp với TBT Đảng CSLX Leonid Brezhnev, thúc đẩy cho chính sách phía Đông, Ostpolitik của Đức, dẫn tới tan băng trong quan hệ hai phe đối đầu nhau ở châu Âu.
Chính sách hòa giải và chịu mất lãnh thổ phía Đông của ông Willy Brandt (Đảng Xã hội Dân chủ Đức -SPD) đã bị cánh hữu Đức phản đối.
Phe cựu hữu tại Tây Đức coi ông là \’kẻ phản bội\’.
Thế nhưng nay nhìn lại, các đánh giá chung cho là động tác quỳ gối 50 năm trước (Warsaw Genuflection) và việc ký kết với Ba Lan đã mở đường cho nước Đức thống nhất trong hòa bình năm 1990.
Các động tác xin lỗi khác
Theo nhà phân tích chính trị Rhoda Howard-Hassmann, ĐH Wilfrid Laurier thì động tác của ông Willy Brandt năm 1970 \’mang tính biểu tượng cao\’.
Nó mở đầu cho nhiều động tác xin lỗi, hối lỗi sau đo, gồm lời xin lỗi năm 1988 của TT Ronald Reagan gửi tới người Mỹ gốc Nhật bị tạm giam hồi Thế Chiến II.
Năm 2009, chính phủ Anh xin lỗi nhà toán học đã quá cố Alan Turing, người bị trừng phạt vì là người đồng tính.
Năm 2011, Nữ hoàng Elizabeth II xin lỗi các nạn nhân của đế quốc Anh tại đảo Ireland.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis xin lỗi người bản địa châu Mỹ vì các tội lỗi nghiêm trọng gây ra “nhân danh Chúa” và Giáo hội.
Tuy thế, bà Howard-Hassmann cũng nói trong 15 năm qua, xin lỗi trở thành mốt, khiến một số người coi đó là hành động buồn cười.
Xin lỗi, theo bà, cần phải có đủ tính nghi lễ, vốn từ đúng đắn, lòng chân thành…