Mổ xẻ mạng lưới radar phi pháp của Bắc Kinh tại Trường Sa

Mổ xẻ mạng lưới radar phi pháp của Bắc Kinh tại Trường Sa

December 7, 2020

Các chuyên gia phân tích ý đồ của Trung Quốc khi bố trí mạng lưới thông tin liên lạc và radar cảnh giới ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 6-12 dẫn lời các chuyên gia phân tích các ý đồ của Trung Quốc trong việc thiết lập trái phép mạng lưới thông tin liên lạc và radar cảnh giới ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc muốn đối phó Mỹ

Theo SCMP, ấn phẩm tháng 12 của Naval and Merchant Ships – một tạp chí do tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) xuất bản hàng tháng có trụ sở tại Bắc Kinh – đã thừa nhận rằng mạng lưới radar Trung Quốc bố trí phi pháp tại Trường Sa là nhằm đối phó “chiến lược vùng xám” của Mỹ.

“Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp nhằm đối phó chiến lược vùng xám của Mỹ, khiến Washington nhận ra rằng Bắc Kinh không thụ động trước chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà là một thành viên chủ chốt tại khu vực” – SCMP trích tạp chí cho biết.

\"Mo
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Tạp chí cho rằng Mỹ đang tạo ra “vùng xám” bằng cách thành lập một liên minh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với sự góp mặt của Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc nhằm đối phó Trung Quốc.

Tạp chí thừa nhận rằng ưu thế trong mặt trận thông tin liên lạc có thể là cách hiệu quả nhất để đối phó Mỹ khi nổ ra xung đột tại Biển Đông. Các thực thể Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể bảo đảm mạng lưới liên lạc không gián đoạn giữa đầu não chỉ huy quân sự ở Bắc Kinh với tiền tuyến.

Ông Chu Thần Minh (Zhou Chen Ming) – chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh – cho biết những hệ thống này có thể theo dõi hoạt động của căn cứ không quân Mỹ tại đảo Palawan, Philippines, cách đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khoảng 350 km.

Tuy nhiên, tạp chí trên cũng thừa nhận rằng các đảo nhân tạo tại Trường Sa “rất dễ bị tấn công” và “không đóng góp nhiều” nếu có xung đột, do vị trí quá xa đất liền và không có khả năng phòng thủ thực sự.

Theo đó, tạp chí cảnh báo rằng Bắc Kinh cần “duy trì trạng thái cảnh giác cao độ”, đặc biệt sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Chu tuyên bố Trung Quốc đã biến các đảo nhân tạo tại Trường Sa thành những cơ sở tình báo, do thám và trinh sát hiện đại nhất của nước này và quân đội Mỹ “sẽ trả giá rất đắt” nếu tấn công chúng.

“Mỹ có thể triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược hay thậm chí là tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk để phá hủy toàn bộ chuỗi đảo nhân tạo, nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Để đáp trả, Trung Quốc có thể sẽ tấn công các căn cứ Mỹ ở Đông Á và Tây Á” – SCMP trích tạp chí đưa tin.

Chuyên gia chỉ ra ý đồ thực sự của Bắc Kinh

Các chuyên gia phương Tây cho rằng bài viết của tạp chí Naval and Merchant Ships đã phần nào hé lộ ý đồ của Trung Quốc khi bố trí mạng lưới thông tin liên lạc và radar cảnh giới quy mô lớn trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.

Cụ thể, chúng dường như là công cụ đóng vai trò quyết định trong kế hoạch kiểm soát khủng hoảng của Bắc Kinh khi căng thẳng với Washington leo thang tại Biển Đông.

Trong khảo sát về công nghệ và năng lực của các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông xuất bản hồi tháng 8, ông Michael Dahm – nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – đánh giá mục đích chủ yếu của Bắc Kinh khi bồi đắp các đảo nhân tạo là “chiếm thế thượng phong về mặt thông tin” nhằm đối phó lợi thế quân sự của Mỹ trong khu vực.

Ông cho biết các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đều được trang bị năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, do thám và trinh sát (C4ISR).

Ngoài ra, ông Dahm cũng cho rằng máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc và một số phương tiện bay không người lái trên các đảo nhân tạo có thể biến thành trạm chuyển tiếp liên lạc trên không giữa các đảo nhân tạo, đảo Hải Nam và đại lục trong trường hợp mạng lưới thông tin truyền thống bị hư hại hoặc gián đoạn khi có xung đột.

“Trong thời đại thông tin, quân đội Trung Quốc tin rằng thành công trong chiến đấu sẽ được hiện thực hóa bằng ưu thế thông tin liên lạc trong không gian tác chiến” – ông Dahm nhận định.

SCMP cũng dẫn lời ông Collin Koh – chuyên gia thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) – cho rằng các tiền đồn Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa có thể là yếu tố củng cố sức mạnh cho quân đội Trung Quốc cả trong thời bình và khi xảy ra xung đột.

“Khi xung đột nổ ra, các tiền đồn này có thể là các điểm cung cấp dữ liệu tình báo, do thám và trinh sát (ISR), cho phép quân đội Trung Quốc mở rộng khả năng tiến công ra phạm vi ngoài Biển Đông, nhất là với những khu vực rộng như tây Thái Bình Dương” – ông Koh nhận định.

Theo ông Koh, các tiền đồn này cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc chống lại sự can thiệp của Mỹ khi bùng phát xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan.

“Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các tiền đồn tại Biển Đông nhằm ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ, hoặc tạo điều kiện cho các chiến dịch tiến công vào Đài Loan từ phía nam, trong đó eo biển Ba Sĩ là vị trí rất quan trọng” – chuyên gia Koh nói thêm.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong ở Macau cho rằng bài viết trên tạp chí của Trung Quốc có lẽ đã đề cập những căn cứ của Mỹ tại quần đảo Diego Garcia tại Ấn Độ Dương và đảo Guam ở Thái Bình Dương, SCMP đưa tin.

“Căn cứ Diego Garcia và Guam có thể coi là hai tàu sân bay không chìm của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa có thể được coi là bản sao chép của chúng” – ông Tong cho biết.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc đã cải tạo các bãi đá ngầm và đảo san hô mà họ chiếm giữ trái phép tại quần đảo Trường Sa từ năm 2013 và biến chúng thành các đảo nhân tạo.

Bắc Kinh đã xây dựng trái phép 27 cấu trúc dạng mái vòm lớn trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa để cung cấp khả năng cảnh giới mặt biển và bầu trời, trong đó bảy hệ thống nằm tại đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Hệ thống cáp quang ngầm dưới biển và vệ tinh quỹ đạo thấp cũng tạo thành mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt giữa các đảo nhân tạo và đại lục.

Theo Kiến thức

Bài Liên Quan

Leave a Comment