Mỹ xây radar khổng lồ ở Đài Loan đề phòng đòn đánh từ Trung Quốc

Mỹ xây radar khổng lồ ở Đài Loan đề phòng đòn đánh từ Trung Quốc

December 7, 2020

Hệ thống radar khổng lồ này đóng vai trò then chốt trong kịch bản xung đột nổ ra tại eo biển Đài Loan, hoặc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phóng tên lửa đến các căn cứ Mỹ.

Hệ thống radar tầm xa của Đài Loan hỗ trợ cảnh báo sớm những đòn đánh bằng tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu. Cơ sở này ngày một quan trọng với hòn đảo lẫn đồng minh Mỹ trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, theo SCMP.

Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự trong và xung quanh eo biển Đài Loan năm nay, giữa lúc căng thẳng gia tăng với Washington và Đài Bắc.

Hệ thống radar tầm xa PAVE PAWS trị giá 1,4 tỷ USD, được công ty Raytheon của Mỹ lắp đặt và chính thức vận hành từ năm 2013. Radar được xây ở độ cao 2.600 m so với mặt nước biển, trên ngọn Lạc Sơn thuộc huyện Tân Trúc, phía bắc đảo Đài Loan.

Theo giới quan sát, hệ thống radar uy lực này có vai trò then chốt trong trường hợp quân đội Trung Quốc mở chiến dịch tấn công bất ngờ, gồm cả kịch bản tàu ngầm từ Biển Đông đe dọa các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và Guam.

\"\"
\"My
 Hệ thống radar tầm xa PAVE PAWS của Đài Loan do công ty Mỹ lắp đặt có thể phát hiện tên lửa khai hỏa ở phạm vi 5.000 km. Ảnh: SCMP.

Lưới phòng không bảo vệ

PAVE PAWS có khả năng phát hiện tên lửa khai hỏa ở khoảng cách 5.000 km và truy dấu di chuyển đến từng chi tiết trong phạm vi 2.000 km. Tầm giám sát này bao phủ cả Trung Quốc và Biển Đông.

Một số chuyên gia lo ngại radar trở thành ưu tiên tấn công của quân đội Trung Quốc, trong trường hợp xung đột nổ ra giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Giới lãnh đạo Bắc Kinh luôn xem hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất bằng mọi giá, không loại trừ cả biện pháp quân sự.

“Trong trường hợp Trung Quốc tấn công, PLA đầu tiên sẽ vô hiệu hóa hệ thống radar để cắt đứt hệ thống liên kết dữ liệu tác chiến của Đài Loan”, Sun Hai-tao, tướng về hưu của hải quân Đài Loan, nhận định.

Theo giới phân tích, cả trong trường hợp đại lục nhắm đến PAVE PAWS đầu tiên, hệ thống này vẫn kịp cung cấp cho lực lượng vũ trang của hòn đảo thông tin cảnh báo sớm.

Wang Kung-yi, lãnh đạo Hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, cho biết hòn đảo đã đầu tư rất mạnh tay cho cơ sở này. Khu vực đã được lắp đặt lá chắn tên lửa Patriot III, Tien Kung 2 để phòng thủ tên lửa tầm trung và Tien Kung 3 để phòng thủ tầm xa. Đài Loan còn đầu tư thêm hệ thống chặn định vị toàn cầu (GPS) để ngăn PLA xác định chính xác vị trí của radar.

“Ngoài ra, nó còn có hệ thống cảnh báo sớm đối phó máy bay và mạng lưới pháo phòng không”, ông nói.

Trong khi đó, một nhà quan sát chỉ trích Đài Loan xây dựng radar làm lợi nhiều hơn cho Mỹ. Chi phí của PAVE PAWS cũng khiến người người quan ngại. Ngoài 1,4 tỷ xây dựng, Đài Loan mỗi năm phải chi thêm 24,6 triệu USD để bảo trì hệ thống. Mỹ không chia sẻ công nghệ lõi cho Đài Loan, do vậy việc bảo trì được giao cho kỹ thuật viên Mỹ.

Căng thẳng giữa hai bờ eo biển đã gia tăng từ năm 2016 khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo. Đảng Dân Tiến của bà thúc đẩy việc không thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” mà Bắc Kinh xem là nền tảng trong vấn đề địa vị của Đài Loan.

Trong khi đó, dưới chính quyền Donald Trump, Mỹ đã đưa Đài Loan vào cuộc cạnh tranh ngoại giao và kinh tế rộng lớn và khốc liệt hơn với Trung Quốc, cử nhiều phái đoàn cấp cao đến Đài Bắc và thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí với hòn đảo.

Đối phó mối đe dọa tàu ngầm

Theo Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu chiến lược tại Đài Bắc, PLA nhiều thập niên qua đã mở rộng hiện diện quân sự tại biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đủ khả năng phóng tên lửa nhắm đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và Guam.

Điều này khiến hệ thống radar tầm xa ở Đài Loan thêm giá trị đối với Mỹ. Hòn đảo đã xác nhận chia sẻ thông tin tình báo từ radar với Washington.

“PAVE PAWS mạnh vô cùng. Nó có thể phát hiện được cả tàu ngầm”, ông cho biết.

“Chia sẻ tình báo thời gian thực với Mỹ giúp truy vết và ứng phó mọi đòn đánh bất ngờ bằng tên lửa phóng từ dưới biển”, ông lưu ý mối đe dọa từ đội tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trong khu vực, gồm cả Biển Đông.

Ou Si-fu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phòng thủ và An ninh ở Đài Bắc, đánh giá đội tàu ngầm Trung Quốc đóng tại đảo Hải Nam thường khó bị phát hiện nếu lặn xuống độ sâu 2.000-4.000 m tại Biển Đông.

“Tàu ngầm hạt nhân PLA trang bị tên lửa đạn đạo có thể sống sót qua đợt tấn công đầu tiên bằng cách trốn dưới lòng biển. Họ trở thành lực lượng răn đe hạt nhân đáng gờm để phản kích”, ông viết trên tạp chí Defence Security Brief của viện.

Theo Ou Si-fu, tàu ngầm thế hệ mới của Trung Quốc còn được trang bị tên lửa JL-300 với tầm bắn lên đến 14.000 km. Vì vậy, tàu ngầm quân sự Trung Quốc đang đủ khả năng đe dọa lãnh thổ đất liền của Mỹ.

Trước mối đe dọa ngày một lớn của lực lượng tàu ngầm và công nghệ tên lửa Trung Quốc, việc Mỹ vận hành hệ thống radar tầm xa đầy uy lực trên đảo Đài Loan nắm giữ ý nghĩa chiến lược rất lớn trong đối đầu với Trung Quốc.

Theo Kiến thức

Bài Liên Quan

Leave a Comment