Báo động các công ty Trung Quốc tràn vào cho vay ngang hàng tại Việt Nam
Ảnh minh họa. Các công ty P2P cho vay qua nền tảng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam.AFP
Bộ Kế hoạch-Đầu tư cảnh báo về tình trạng các công ty cho vay ngang hàng (P2P) nước ngoài đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Trong đó chủ yếu là các công ty đến từ Trung Quốc, Nga, Indonesia và Singapore.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 8/12 loan tin vừa nêu, dựa theo nội dung trong Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” vừa được Bộ Kế hoạch-Đầu tư công bố để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, các công ty công nghệ tài chính và công ty cho vay ngang hàng (P2P) hiện đăng ký ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính, các công ty này đồng thời tự nhận là công ty cho vay ngang hàng cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Hình thức cho vay của các công ty này được ghi nhận là đa dạng, bao gồm cho vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời hạn vay ngắn hạn tính theo ngày, tuần, tháng và thường dưới 1 năm; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Số tiền cho vay ít, vào khoảng từ 1 đến 30 triệu đồng. Và, khách hàng đi vay tập trung vào giới lao động trẻ, người thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức, sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhìn nhận một số các công ty cho vay ngang hàng (P2P) có thể lợi dụng mô hình kinh doanh để thực hiện các hành vi tội phạm như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
Hiện tại các công ty cho vay ngang hàng (P2P) được cho là chưa có cơ chế quản lý hoặc còn rất sơ khai tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ xây dựng nghị định quy định cơ chế thử nghiệm để kiểm soát hoạt động của các công cho vay ngang hàng (P2P).
Bộ Kế hoạch-Đầu tư cảnh báo các công ty này có thể chi phối hoàn toàn thị phần cho vay tại Việt Nam và nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 100 công ty P2P và 200 công ty công nghệ tài chính có nguồn gốc nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Một số công ty điển hình như Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan…