Nga bị Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án, yêu cầu lập tức rút quân khỏi bán đảo Crimea
Hải Võ | 08/12/2020
(Ảnh minh họa: Anadolu)
Nghị quyết về quân sự hóa trên bán đảo Crimea, cảng Sevastopol cùng một phần biển Đen và biển Azov được 63 nước ủng hộ thông qua và 17 nước bỏ phiếu chống.
Nghị quyết ngày 7/12 của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị. Nghị quyết được 40 nước thúc đẩy, gồm Anh, Pháp, Đức và các nước vùng Baltic, bên cạnh Mỹ, Australia, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị quyết \”thúc giục Liên bang Nga – trong vai trò thế lực chiếm đóng – rút lực lượng quân sự ngay lập lực, toàn bộ và vô điều kiện khỏi bán đảo Crimea và chấm dứt sự chiếm đóng tạm thời trên lãnh thổ của Ukraine mà không trì hoãn.\”
Nghị quyết cũng chỉ trích tình trạng bất ổn tiếp diễn tại Crimea \”do Liên bang Nga chuyển các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm các máy bay và tên lửa hạt nhân, vũ khí, đạn dược và binh lính đến lãnh thổ Ukraine\”, đồng thời kêu gọi Moskva ngưng các hoạt động huy động lực lượng như thế.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ca ngợi nghị quyết về Cimea là \”nhân tố mới trong sức ép pháp lý gia tăng nhằm vào Nga\”.
\”Ukraine giờ đây đã có trong kho vũ khí pháp lý của mình thêm luận cứ mới mạnh mẽ để xúc tiến việc phi chiếm đóng bán đảo Crimea,\” ông Kuleba viết trong một thông cáo ngày 8/12.
\”Việc [Đại hội đồng] thông qua nghị quyết cho thấy việc quân sự hóa Crimea bởi Liên bang Nga, trong vai trò thế lực chiếm đóng, vẫn chiếm sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.\”
Trong khi đó, hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay, phía Nga cáo buộc văn kiện nghị quyết về Crimea là sự \”chính trị hóa\”, nhấn mạnh người dân bán đảo này đã tự quyết định số phận của mình qua cuộc trưng cầu năm 2014.
Sau cuộc đảo chính nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2014, giới chức Crimea và Sevastopol đã tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả là 96.7% cư dân Crimea và 95.6% cử tri Sevastopol lựa chọn ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga. 80% dân số cử tri tham gia vào trưng cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận tái thống nhất vào ngày 18/3/2014, được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga phê chuẩn ngày 21/3/2014.
Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Ukraine bà Emine Dzheppar cũng nêu vấn đề Crimea tại phiên họp trực tuyến của Đại hội đồng LHQ và đưa ra cáo buộc nhằm vào Moskva.
Trong thời gian qua Ukraine đang đẩy mạnh việc xây dựng \”Nền tảng Crimea\” – sáng kiến nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề đưa Crimea trở về với Ukraine. Hội nghị cấp cao Nền tảng Crimea dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2021, với sự tham gia của đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Anh và Mỹ.
Vào giữa tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – chỉ trích việc LHQ tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết liên quan đến Crimea do Kiev khởi xướng là hành động thiên vị chính trị.