Ngày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12: Việt Nam gia tăng đàn áp năm 2020

Ngày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12: Việt Nam gia tăng đàn áp năm 2020

\"NgàyHình minh hoạ. Phiên toà xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm với cáo buộc giết người và chống người thi hành công vụ ở Hà Nội hôm 14/9/2020 AFPNgày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12: Việt Nam gia tăng đàn áp năm 202000:00/12:01 

“Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, có số tù chính trị cao hơn bất cứ nước nào khác”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền Quốc tế – HRW đã phát biểu với RFA như vậy nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12 năm nay.

Họ (chính quyền) áp những án tù nặng nề từ 12 đến 14 năm đối với những ai muốn thực hiện quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do  biểu đạt, quyền lập hội và quyền tụ tập không cần được chính quyền cho phép”

“Đây là những quyền được ghi rõ trong Công Ước Quốc Tế Về Dân Sự Và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết nhưng lại Việt Nam cố tình không công nhận, không tôn trọng và không thực hiện bao lâu nay”. 

Chính vì lẽ đó, vẫn lời ông Phil Robertson, quyền con người ở Việt Nam chẳng những không được thăng tiến mà còn trở nên tồi tệ hơn nữa, đặc biết trong bối cảnh 2020 với kinh tế toàn cầu chao đảo và dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp nơi.

Năm 2020 là năm chứng kiến nhiều vụ bắt giữ và những án tù nặng nề dành cho những nhà hoạt động, những nhà báo độc lập, những blogger hay Facebooker dám đưa lên mạng những ý kiến trái chiều với chế độ. Theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân Quyền, tính đến ngày 30/9/2020, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác.

Họ (chính quyền) áp những án tù nặng nề từ 12 đến 14 năm đối với những ai muốn thực hiện quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do  biểu đạt, quyền lập hội và quyền tụ tập không cần được chính quyền cho phép.- Phil Robertson (HRW)

Họ trở thành những tù nhân lương tâm được bên ngoài biết đến, trong lúc cuộc sống của gia đình vợ con thì bất an, căng thẳng, âu lo khi người thân ngồi tù vì dám chống lại Nhà Nước. 

Năm 2020, chính quyền Việt Nam đàn áp mạnh mẽ Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Trường hợp đầu tiên là tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt ngày 21/11/2019 với cáo buộc \”Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam\” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015. Từ đó đến nay, ông bị giam giữ trong điều kiện không được gặp gia đình và luật sư. 

Ngày 23/5/2020, Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, blogger Nguyễn Tường Thụy, bị bắt tại tư gia ở Hà Nội. Một tháng sau đó, đến lượt biên tập viên thứ ba của Thời Báo Việt Nam, tiếng nói của Hội Nhà Báo Độc Lập, là nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cũng bị bắt trong cùng vụ án với nhà báo Phạm Chí Dũng.

Vợ ông, bà Phạm Thị Lân, cho biết ông Nguyễn Tường Thụy bị di lý về nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh :

Họ nói bắt về tội tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Như ở Việt Nam thường kết thúc điều tra là được gặp thân nhân. Nhưng họ đưa lý do COVID-19 nên không cho gia đình gặp, nhưng luật sư thì được gặp 2 lần rồi”.

“Từ khi bị bắt trong tháng Năm đến khoảng tháng Chín thì họ vẫn thường xuyên theo dõi tôi, thậm chí canh gác ở cầu thang nhà tôi như khi anh Thụy chưa bị bắt. Gần 2 tháng nay thì tôi không nhìn thấy họ nữa”

“Bây giờ việc đi thăm rất tốn kém và rất khó khăn. Một khi họ đã bắt thì kiểu gì họ cũng nại ra tội để bỏ tù. Đúng theo luật pháp sau khi kết thúc điều tra là gia đình phải được gặp chồng tôi trực tiếp. Nguyện vọng của tôi là được gặp chồng tôi theo như luật pháp đã qui định”. 

\"phamchidungnguyentuongthuy131.jpeg\"
Ba thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập VN bị bắt giữ trong năm 2020: (từ trái qua) Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Chí Dũng

Vào ngày 10/11/2020, Viện Kiểm Sát Nhân Dân TPHCM ra cáo trạng truy tố 3 lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Đây là quyết định theo Khoản II, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự, gọi là phạm tội trong trường hợp đắc  biệt nghiêm trọng với mức án từ 10 đến 20 năm tù giam.  

Năm 2020 cũng là năm mà vụ án Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong ngoài, sau khi khoảng 3,000 công an cảnh sát tấn công xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020, giết chết cụ Lê Đình Kình – thủ lĩnh tinh thần của người dân, đồng thời bắt giữ 29 người khác với cáo buộc giết người và chống người thi hành công vụ. Đây là vụ án mà Tòa Án Nhân Dân Hà Nội ngày 14/9/2020 phán quyết 2 án tử hình trong số 29 người bị bắt giữ, bên cạnh một số án lệnh tù giam nghiêm 10 đến 16 năm tù giam.https://www.youtube.com/embed/vf0BuKiSGc8

Vụ tấn công xảy ra khi những tranh chấp về đất đai giữa người dân và chính quyền Hà Nội chưa được giải quyết. Vụ án đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ và EU chỉ trích vì thiếu minh bạch. HRW gọi các án tuyên sau phiên toà xét xử những người dân Đồng Tâm là các “án bỏ túi”.

Ngày 24/6/2020, một số người thường đưa tin về vụ Đồng Tâm bất ngờ bị bắt giữ, trong đó có 3 dân oan Dương Nội là bà Cấn Thị Thêu cùng 2 con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư:

Chị Đỗ Thi Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, cho biết cuộc sống của gia đình bị xáo trộng khủng khiếp sau vụ bắt bớ này:

Em sinh được 4 ngày thì họ bắt chồng em. Em rất là buồn vì cả 3 người trong gia đình em bị bắt cùng một lúc.  Hiện chồng em đang bị giam ở số 1 Hỏa Lò, Hà Nội. Từ khi chồng em bị bắt thì em chỉ được gởi quần áo và gửi tiền thôi. Cuộc sống của em bị đảo lộn, con cái thiếu vắng tình cảm của bà nội, của cậu và của bố”

“Mẹ chồng em và cả Trịnh Bá Tư bị giam ở Hòa Bình, mà từ Hà Nội lên trại giam Hòa Bình mất 75 cây. Còn chỗ Hòa Bình, nơi bố chồng em ở, mà lên trại giam Hòa Bình phải mất 90 cây. Nghĩa là từ chỗ bố em đến trại giam Hòa Bình còn xa hơn là từ Hà Nội lên trai giam Hòa Bình”.

Chị Đỗ Thị Thu cũng xác nhận vào ngày 30/8/2020, công an địa phương đã gởi giấy triệu tập của An Ninh Hà Nội liên quan đến vụ án Trịnh Bá Phương “làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Về phần nhà hoạt động trẻ Trịnh Bá Tư, gia đình cho biết anh đã có lần tuyệt thực 20 ngày  trong trại  giam Hòa Bình.

Sự kiện tiếp nối, gây chấn động không ít năm 2020 này là vụ bắt giữ hôm 6/10 đối với nhà báo, nhà hoạt động  Phạm Đoan Trang, một nhà báo nổi tiếng với nhiều cuốn sách về chính trị Việt Nam bị chính quyền cấm cản. Cô bị cáo buộc tội \”tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam\” cũng như \”làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm\” chống nhà nước. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ chưa đầy một ngày ngày sau vòng Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ 2020 kết thúc.

Đây là lần thứ hai Phạm Đoan Trang bị bắt kể từ lần năm 2009. Cô cũng đã từng bị an ninh đánh đập, tra tấn đến mang thương tật ở tay và chân.  

Mẹ nhà  báo tự do Phạm Đoan Trang, bà Bùi Thị Thiện Căn, cho biết:

Chỉ có tiến bộ hơn 2009 là họ cho biết địa điểm giam con mình, chứ năm 2009 người ta mang em đi nhốt ở đâu mình không biết. Lần này họ cho biết em bị giam ở trại tạm giam số 1, Hỏa Lò, Hà Nội. Từ hôm đó thì 2 mẹ con có được gặp nhau đâu, mình tiếp tế gì đó cho em thì em nhận và ký vào tờ giấy thì mình thấy chữ ký thôi chứ đâu có được gặp mặt”

“Gia đình thấy với những qui kết thì án của em có thể tới 20 năm. Mình năm nay 80 rồi, bảo khi con ra tù thì mình đã ở thế giới bên kia rồi. Cứ nghĩ thế mà mòn mỏi, tàn tạ, không biết có sức chờ em về không”

“Nhưng nghĩ đi nghĩ lại con mình đi theo lý tưởng dân chủ là quá tốt đẹp, cho nên gặp được con là tốt, không gặp là cái số. Quan điểm dứt khoát của 2 mẹ con là như thế”.

Hôm 26/11/2020, Anh và Canada lên tiếng với phía Việt Nam về trường hợp bắt giữ các nhà báo độc lập, trong đó có Phạm Đoan Trang, nhằm hạn chế tự do ngôn luận trong nước.

Trước vụ bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo, nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành, tên thật là Phạm Chí Thành, bị bắt vào ngày 21/5/2020. Đây là tác giả một số đầu sách chỉ trích trực tiếp ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tội danh mà ông Phạm Thành bị cáo buộc cũng là’ làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.

Đến ngày 24/11/2020, ông Phạm Thành bị chuyển từ Hỏa Lò về Viện Pháp Y Tâm Thần ở Thường Tín. Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ nhà báo Phạm Thành, lên tiếng cầu cứu cho chồng bà trên mạng:

Khi họ chuyển chồng tôi về Viện Pháp Y Tâm Thần thì tôi ngỡ ngàng. Chồng tôi không phải là tâm thần, cũng không có biểu hiện gì về tâm thần. Cái bệnh viện ấy nó có bao nhiêu cái dạng thần kinh, nhưng mà chồng tôi không phải là tâm thần. Tôi muốn làm sao mà không tổn hại đền sức khỏe cũng như tinh thần của ông thôi”.

Không có chuyện tôn trọng nhân quyền đối với tù lương tâm, nhất là với tù dân tộc, là lời anh Mrúi, con mục sư Y Dich ở Đak Đoa, Gia Lai, đang thụ án 12 năm tù ở trại giam An Phước, Bình Dương:

Bố của cháu bị bắt năm 2013, tội chống phá nhà nước, họ bắt bố cháu ký bỏ đạo. Cán bộ trên xã, huyện liên tục đi tới nhà theo dõi, họ mời cháu 5, 6 lần, dọa đánh đập và dọa giết, họ bắt cháu phải bỏ đạo”

“Ở đây mà tới thăm bố cháu thì rất nhiều khó khăn, thuê xe một lần 7, 8 triệu, mấy năm nay rất khổ. Bố cháu nói cán bộ trong đó đánh đập bố cháu rụng hết răng, sức khỏe yếu. Gia đình rất khó khăn, chính quyền nhà nước Việt Nam đàn áp, không tôn trọng nhân quyền của người dân tộc mình”.

Dù như đã ký kết những Công Ước Quốc Tế Về Dân Sự Và Chính Trị, Việt Nam vẫn áp dụng luật lệ mơ hồ, đụng đâu cũng thấy tội, để xử lý những tiếng nói và những con người không đi theo sự áp đặt của họ, là kết luận của phó giám đốc phân bang Châu Á Phil Robertson thuộc HRW nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12 năm nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment