“Nước cờ” Texas có thể giúp ông Trump lật ngược kết quả?
Bầu cử tổng thống Mỹ tiếp tục có những yếu tố bất ngờ ngay cả khi các bang đã hoàn tất xác nhận kết quả. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton ngày 8/12 đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao đề nghị hủy kết quả bầu cử ở 4 bang chủ chốt gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Đây là 4 bang ông Trump từng chiến thắng năm 2016, nhưng lại thất bại trong cuộc bầu cử năm nay.
Rebecca Green, giáo sư tại trường luật William & Mary ở Virginia, nhận định Texas không có cơ sở pháp lý để thách thức quy trình bầu cử ở bang khác. “Điều đó trái với quy định của hiến pháp về bầu cử. Ý tưởng một bang này có thể khiếu nại về quy trình bầu cử ở một bang khác thật vô lý”.
Thông thường khi các bang kiện lên Tòa án Tối cao, người đâm đơn là người đứng đầu hội đồng cố vấn pháp lý của bang hay luật sư trưởng. Tuy nhiên, trong vụ kiện này, người đâm đơn là tổng chưởng lý Texas Ken Paxton mà không phải luật sư trưởng Kyle Hawkins, ông Hawkins cũng không ký vào đơn kiện. Hiện không rõ lý do ông Hawkins không ký vào đơn kiện nhưng có thể là do ông ấy không muốn đưa tên mình vào một đơn kiện “không hơn một thông cáo báo chí là bao”.
Jonathan Adler, giáo sư tại Đại học Case Western Reserve, cho rằng một số thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao có thể bỏ phiếu để xem xét các lập luận của vụ kiện, song vụ kiện của ông Paxton cũng vẫn khó đi được xa. Chuyên gia Adler cho rằng, rất có thể ông Paxton đâm đơn kiện chỉ với hy vọng sẽ được Tổng thống ân xá. Ông Paxton hiện đối mặt với các cáo buộc gồm nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân.
Trong khi đó, ông Josh Blackman, giáo sư tại Đại học luật Texas, nhận xét kể cả khi ông Paxton đưa ra những lập luận vững chắc, thì những yêu cầu mà ông đưa ra cho các thẩm phán cũng không thực tế. “Yêu cầu tòa án hủy bỏ một lượng phiếu lớn như vậy là điều không tưởng”, chuyên gia này nói. Thậm chí, giáo sư luật bầu cử tại Đại học Kentucky Joshua Douglas cho rằng yêu cầu đó là “nực cười”, vụ kiện của Texas là “vô lý”.
Chung quan điểm này, ông Anthony Robert Pahnke, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học San Francisco (Mỹ), nhận định: “Vụ kiện của Texas sẽ khó đi được xa và đảo ngược kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump. Đúng là các quy tắc có sự thay đổi trong năm nay, nhưng chưa ai chứng minh được thay đổi đó dẫn đến sự phân biệt đối xử với một số nhóm cử tri. Sự can thiệp của ông Trump có thể sẽ không vượt quá dòng tweet khen ngợi này”. Dòng tweet mà ông Pahnke đề cập đến là bình luận của Tổng thống Trump ngày 9/12, trong đó coi vụ kiện ở Texas là một bước ngoặt lớn.
Tuy nhiên, Daniel McAdams, giám đốc điều hành của Viện hòa bình và thịnh vượng Ron Paul, lại có quan điểm khác. Ông đánh giá vụ kiện của Texas thực sự có ý nghĩa. Theo ông McAdams, hiến pháp Mỹ nêu rõ các nguyên tắc bầu cử phải do cơ quan lập pháp mỗi bang đặt ra. Nếu một bang tự ý thay đổi nguyên tắc đó mà không qua cơ quan lập pháp thì hành động đó có thể bị coi là sai phạm.
Chưa rõ vụ kiện của Texas có thể đi tới đâu, song đến nay ít nhất 17 bang đã lên tiếng ủng hộ. Đội ngũ của ông Trump cũng đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao đề nghị can thiệp vào vụ kiện.
Theo Dân trí