Thượng đỉnh Liên Âu : Trọng tâm là thông qua kế hoạch chấn hưng
Hôm nay, 10/12/2020, Liên Âu khai mạc thượng đỉnh, với hàng loạt vấn đề nóng bỏng, từ thỏa thuận hậu Brexit với Anh Quốc đến quan hệ xung khắc với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như vấn đề khí hậu. Nhưng trước mắt, châu Âu cần đạt được đồng thuận về ngân sách 7 năm của khối và kế hoạch chấn hưng, với tổng trị giá hơn 1.800 tỉ euro.
Trước thềm thượng đỉnh, nguy cơ dự án ngân sách bị Ba Lan và Hungary phủ quyết đã được đẩy lùi, sau khi Đức – chủ tịch luân phiên Liên Âu – cùng Varsava và Budapest đạt được thỏa hiệp.
Từ ba tuần nay, dự án ngân sách của Liên Âu rơi vào bế tắc với việc Ba Lan và Hungary đe dọa phủ quyết, nếu Liên Âu gắn việc giải ngân với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền (tư pháp độc lập, chống tham nhũng…). Hôm qua, 09/12, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết đã đạt được một « thỏa thuận sơ bộ » với Đức, chủ tịch luân phiên Liên Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng cho biết có nhiều khả năng sẽ tìm được đồng thuận. Thỏa hiệp nói trên dự kiến được 27 thành viên thông qua ngày hôm nay.
Đề xuất thỏa hiệp của Đức bao gồm hai biện pháp chính. Thứ nhất, Liên Âu dự kiến cho phép một quốc gia bị đe dọa trừng phạt, do không tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, có quyền đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội Đồng Châu Âu. Biện pháp thứ hai liên quan đến lịch trình. Việc bỏ phiếu theo đa số để trừng phạt một thành viên, vẫn được duy trì, nhưng sẽ không trực tiếp có hiệu lực. Để các biện pháp trừng phạt được thực thi, phải có khuyến nghị từ phía Tòa án Công lý Liên Âu. Mà thời hạn gần nhất để Tòa án châu Âu có thể đưa ra khuyến nghị về vấn đề này là năm 2022. Đây là thời hạn rất có lợi cho thủ tướng Hungary, vì đây là năm bầu cử tại quốc gia này.
Varxava và Budapest thường xuyên bị Bruxelles cáo buộc làm xói mòn các giá trị dân chủ. Ba Lan và Hungary muốn Liên Âu xóa bỏ cơ chế ràng buộc cấp ngân sách với việc tôn trọng pháp quyền. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, hai quốc gia này đã buộc phải chấp nhận nhân nhượng chủ yếu là do 25 quốc gia Liên Âu còn lại có thể dùng đến cơ chế hợp tác liên chính phủ, để thông qua một ngân sách chung, mà không cần đến sự đồng thuận của Ba Lan và Hungary.
Dân Hung và Ba Lan muốn Liên Âu không nhân nhượng
Tại Hungary và Ba Lan, đông đảo dân chúng mong đợi Liên Âu duy trì thái độ cứng rắn để buộc chính quyền Orban tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Thông tín viên Florence Labruyère tường trình từ Budapest :
« Không có Nhà nước pháp quyền, thì không có tiền ! Đây là đòi hỏi trong một bức thư của 300.000 công dân Hungary và Ba Lan gửi đến các lãnh đạo châu Âu. Ông Mate Varga, phát ngôn viên của hiệp hội Hungary La Voix nói : ‘‘Không được thỏa hiệp ! Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu buộc (các quốc gia thành viên) phải tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Đa số người Hung chống lại việc biển thủ tiền của ngân sách châu Âu và sự hủy hoại nền dân chủ’’.
Theo thăm dò dư luận Eurostat, 74% người Hung ủng hộ việc đình chỉ các khoản tài trợ của Liên Âu cho các nước không tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Ông Gergly Hajdu, một người phụ trách của hiệp hội La Voix, nhận xét : ‘‘Orban nói ông ta đại diện cho người Hungary. Điều đó không đúng, chỉ cần xem các số liệu là đủ. Cần lắng nghe người dân Hung, chứ đừng nghe ông Orban’’.
Theo một đề xuất của Đức, Hungary và Ba Lan sẵn sàng bỏ phiếu thông qua ngân sách Liên Âu. Đổi lại việc thực thi cơ chế Nhà nước pháp quyền sẽ bị đẩy lùi. Đây là một tin xấu đối với bà Zsuzsa, 69 tuổi, một kỹ sư tin học về hưu sống tại Budapest. Bà nói : ‘‘Thế là hỏng ! Viktor Orban sẽ có thể tiếp tục ăn cắp ! Để làm giàu cho bạn bè của ông ta, chứ không phải để giải quyết các vấn đề của đất nước’’. Nhiều hiệp hội lo ngại là việc các lãnh đạo châu Âu thiếu cứng rắn sẽ cổ vũ Budapest và Varsava tiếp tục phá hoại nền dân chủ hơn nữa ».
Theo RFI