Liên Âu quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do có các hành động « bất hợp pháp » ở Địa Trung Hải
Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh qua cầu truyền hình, ngày 10 và 11/12/2020, Liên Hiệp Châu Âu đồng thanh lên án Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hành động « bất hợp pháp và hung hãn » trong khu vực đông Địa Trung Hải, nhắm vào Hy Lạp và Chypre.
Thượng đỉnh Liên Âu đồng thuận quyết trừng phạt một số cá nhân trong chính quyền Ankara, có liên quan đến các chương trình thăm dò tài nguyên tại vùng đông Địa Trung Hải. Bruxelles sẽ gia tăng các trừng phạt này nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các hành động « phi pháp ».
Danh sách cụ thể sẽ được công bố trong những ngày tới. Căng thẳng giữa Ankara và Athens đặc biệt đã bùng lên từ tháng 8/2020, sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò Oruc Reis đến vùng biển có tranh chấp chủ quyền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chypre cùng với Hy Lạp.
Đáp lại quyết định của Bruxelles, bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm nay thông báo « bác bỏ » thái độ « không trung thực và bất hợp pháp » của Liên Hiệp Châu Âu.
Khí hậu và kế hoạch tái thiết kinh tế 750 tỷ euro
Ngoài hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo 27 nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu trong kỳ họp lần này còn đưa ra nhiều biện pháp mạnh trong các lĩnh vực kinh tế và khí hậu : đúng ngày kỷ niệm 5 năm hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, Bruxelles cam kết giảm tối thiểu 55 % lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là quay trở lại với lượng thải khí của Liên Âu như hồi 1990. Theo giới quan sát đây là một mục tiêu đầy tham vọng.
Nhưng quan trọng hơn cả là Liên Âu đã đạt được đồng thuận về kế hoạch tái thiết kinh tế 750 tỷ euro khắc phục hậu quả Covid-19 và về ngân sách chung cho toàn khối trong giai đoạn 2021-2027.
Do bất đồng với Liên Âu trên các vấn đề như về Nhà nước pháp quyền, trong các cuộc họp hồi tháng 7 và tháng 10/2020, Ba Lan và Hungary liên tục dùng quyền phủ quyết gây trở ngại cho hai hồ sơ nói trên. Lần này, bế tắc đã được tháo gỡ sau khi Varsava và Budapest nhận được một số bảo đảm từ phía châu Âu.
Theo RFI