Dù bị điếc, Beethoven vẫn sáng tác những bản nhạc kinh điển mọi thời đại
- William Marquez
- BBC News Mundo
16 tháng 12 2020, 19:23 +07Cập nhật 2 giờ trước
Vienna, ngày 7/5/1824. Hoàng gia, quý tộc và giới tinh hoa văn hóa của thành phố tập trung tại Nhà hát Hoàng cung Vienna cho một sự kiện phi thường: buổi biểu diễn ra mắt bản Symphony số 9 của Ludwig van Beethoven.
Mọi người kỳ vọng rất nhiều.
Nhà soạn nhạc và nhạc trưởng từ lâu chưa có một bản giao hưởng, không những thế – Beethoven đã 12 năm chưa xuất hiện trên sân khấu.
Và lần đầu tiên, hình thức buổi hòa nhạc đã thay đổi, gồm cả giọng hát trong bản giao hưởng. Đứng quay lưng với khán giả, Beethoven điều khiển các nhạc công với niềm say mê không kiềm chế, lắc lư người và vẫy tay theo nhịp nhạc.
Ông chìm vào âm nhạc đến mức đến cuối bản giao hưởng, ông vẫn tiếp tục chỉ huy, cho tới khi một trong những giọng hát solo – được cho là giọng nữ trầm Caroline Unger – tiến lại chỗ ông và quay ông hướng về phía khán giả, để ông có thể nhìn thấy những tràng vỗ tay như sấm.
Khi đó, Beethoven đã điếc nặng.
Một đêm để nhớ
Có một số lời kể khác nhau về chuyện gì xảy ra đêm đó, Laura Tunbridge, giáo sư âm nhạc tại Đại học Oxford và tác giả của cuốn sách \”Beethoven: cuộc đời qua chín tác phẩm\”, nói với BBC.
\”Ông đứng trên bục trong buổi biểu diễn ra mắt (bản giao hưởng), nhưng có một giám đốc âm nhạc đứng bên ông, người giúp kiểm soát mọi việc, vì ở thời điểm đó, mọi người đã biết là Beethoven từ lâu không còn là một nhạc trưởng đáng tin cậy,\” GS Tunbridge nói.
\”Hiển nhiên, tràng vỗ tay nổ lên trong một phần (movement), vì khán giả muốn nghe lại phần đó,\” bà nói thêm.
Có thể đêm đó đã diễn ra với chút hỗn loạn. Nhà soạn nhạc và nhạc trưởng bị điếc, bản giao hưởng dài và phức tạp hơn bình thường, và các nhạc công có rất ít buổi tập dượt, điều khá phổ biến ở thời đó.
\”Thật đáng kinh ngạc là buổi hòa nhạc đã diễn ra tốt đẹp, nếu ta xét đến sự thiếu chuẩn bị,\” GS Tunbridge nói.
Hãy quên giải trí đi: \’âm nhạc là một hình thức nghệ thuật\’
Khoảnh khắc đó ghi lại hào quang và bi kịch trong cuộc đời của Beethoven.
Ông ra đời cách đây 250 năm ở Bonn, Đức. Mặc dù chúng ta không biết chắc ngày sinh chính xác của ông (được cho là ngày 16/12), có giấy tờ ghi lại ông đã được rửa tội vào ngày 17/12/1770.
Ông trở thành một nhà soạn nhạc với trí tưởng tượng, đam mê và khả năng siêu việt – và đi cùng là một tính cách phức tạp và đầy mâu thuẫn.
Những năm tháng trưởng thành của ông trùng với các cuộc chiến của Napoleon, một giai đoạn đầy xáo trộn chính trị trên hầu hết châu Âu.
Mặc dù ông sinh ra ở Đức, ông được công nhận và coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Vienna – điều không đơn giản ở một thành phố coi Wolfgang Amadeus Mozart, Joseph Haydn, Franz Schubert và Antonio Vivaldi là những người con của mình.
\”Theo nhiều cách, ông cách mạng hóa phạm vi của âm nhạc xét về âm thanh và âm lượng,\” GS Tunbridge nói.
\”Với tham vọng của mình, và ý tưởng cho rằng âm nhạc có thể diễn tả ý tưởng và cảm xúc, ông chứng minh rằng âm nhạc vượt xa khỏi tính giải trí đơn thuần, nó có ý nghĩa sâu hơn rất nhiều,\” bà nói thêm.
\”Beethoven là chủ chốt trong việc nâng tầm âm nhạc thành một hình thức nghệ thuật,\” GS Tunbridge nhận xét.
Đồng thời, ông cũng có tiếng là một người hay cáu bẳn, ích kỷ, yêu bản thân thái quá, khó gần, rầu rĩ, thất vọng về đường tình duyên, luộm thuộm, kẹt xỉ, đạo đức giả … và nghiện rượu.
\”Đó là một phần trong huyền thoại lãng mạn về Beethoven,\” GS Tunbridge nói, vì \”chúng ta thích hình ảnh của một nghệ sỹ vật lộn với những tật xấu bên trong và bệnh tật về sức khỏe.\”
Vẽ lên hình ảnh của ông như một bậc thầy về âm nhạc, người cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, với khả năng tạo ra những tác phẩm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, khiến ông giống như một người siêu phàm.
Một đời vật lộn với bệnh tật
Beethoven có tiếng là một nhân vật khó tính – nhưng công bằng mà nói ông gặp nhiều bệnh tật, và phải trải qua những lần điều trị khủng khiếp, thậm chí phản tác dụng.
Hàng loạt chuyên gia y khoa hiện đại đã tiến hành điều tra pháp y lịch sử để xác định ông đã bị những bệnh gì, và chúng có liên quan thế nào tới bệnh điếc của ông, và ảnh hưởng tới tính cách và sáng tạo âm nhạc của ông ra sao.
Bác sỹ giải phẫu thần kinh người Anh Henry Marsh tổng hợp một danh sách chi tiết các bệnh của ông, như cách họ chuẩn đoán ngày nay, trong phim tài liệu của BBC World Service \”Giải phẫu Beethoven\”.
Theo bác sỹ, nhà soạn nhạc bị \”bệnh viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, đi ngoài, bệnh Whipple [một bệnh rối loạn tiêu hóa], trầm cảm mãn tính, nhiễm độc thủy ngân và bệnh tưởng\”.
Ngày sau khi Beethoven qua đời (27/3/1827), bác sỹ nổi tiếng thời đó Johannes Wagner tiến hành khám nghiệm tử thi và phát hiện bụng ông bị chướng, gan ông bị hư hoại nặng và teo lại chỉ còn một phần tư gan người bình thường – tất cả đều là chỉ dấu của bệnh xơ gan do dùng rượu.
Gia đình ông có tiền sử nghiện rượu: bà ông nghiện rượu và cha ông luôn say xỉn.
Beethoven uống rượu đều đặn và uống nhiều trong các dịp tiệc tùng, điều phổ biến ở thời đó, vì nước thường không đủ sách để uống, GS Tunbridge nói.
William Meredith, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Beethoven tại Đại học San José, California, tìm thấy có liên hệ giữa việc uống rượu và nhiễm độc chì, dựa trên phân tích mẫu tóc của Beethoven.
Thời đó, những người buôn rượu thường theo một tập quán phổ biến – cho nước nho lên men trong các thùng gỗ được quét một lớp chì, để rượu có vị ngọt hơn – và vô tình đầu độc các khách hàng.
Nhiễm độc chì có thể làm hủy hoại thần kinh, mặc dù không có cách nào để chứng minh Beethoven đã bị ảnh hưởng về thần kinh.
Ông đã mất thính giác ra sao?
Điều đã được chứng tỏ là thính giác của Beethoven bị ảnh hưởng rất nặng, như BS Wagner đã quan sát và ghi lại sau khám nghiệm tử thi.
Ông Meredith nhận định với BBC rằng bệnh điếc có thể có liên quan tới các bệnh về tiêu hóa, vì thời điểm ông phát các bệnh này trùng nhau.
\”Hơn nữa, Beethoven liên tục kêu ca ông bị sốt và đau đầu, chứng bệnh ông phải chịu suốt phần còn lại của cuộc đời.\”
Một giả thuyết khác, do BS Philip Mackowiak, từ Đại học Y khoa Maryland, đề xuất là ông đã mất thính giác vì tác dụng phụ của bệnh giang mai.
Bệnh giang mai – \”nhập khẩu\” từ châu Mỹ – tràn lan khắp châu Âu mà không kiểm soát được, gây khó khăn lớn cho người dân.
Trong trường hợp của Beethoven, bệnh này gây nhiều vấn đề về đường ruột và làm mất thính giác, BS Mackowiak cho biết.
BS giải phẫu thần kinh Henry Marsh cho rằng không có bằng chứng nào để kết luận đây là sự thật, mà chỉ là suy đoán.
Chấn thương tâm lý của bệnh điếc
Điều chúng ta biết chắc là Beethoven gặp vấn đề về thính giác giữa năm 1797 và 1798.
Theo lời khuyên của bác sỹ, năm 1802, Beethoven rời Vienna và tìm sự bình yên ở thành phố Heiligenstadt gần đó để tìm cách đối phó với căn bệnh mới nhất – bệnh điếc.
Từ đây, ông viết thư cho các em trai và kể ông có ý nghĩ muốn tự tử và cần tránh gặp người khác.
\”…gần sáu năm trước anh bị một căn bệnh ác tính mà các bác sỹ bất tài làm cho tồi tệ hơn,\” ông trải lòng với các em trai. Ông giải thích bệnh điếc đã làm khổ ông ra sao – và bệnh này khiến ông có những hành vi khác thường.
\”Anh phải sống như một người ngoài vòng pháp luật. Nếu anh đến gần mọi người, một nỗi lo sợ khủng khiếp thâu tóm anh: nỗi sợ mọi người sẽ để chú ý đến bệnh của anh,\” Beethoven viết.
Nhưng mặc dù ông đau khổ vì mất thính giác, ông chấp nhận tiếp tục sống vì và nhờ nghệ thuật.
Bức thư ông viết cho các em trai không được gửi, và được phát hiện trong giấy tờ ông để lại sau khi qua đời.
Lúc đầu, Beethoven nói ông mất khả năng nghe những tần số nhất định, nhưng dần dần, ông mất hầu như toàn bộ thính giác.
\”Có những nguồn mô tả ông là bị điếc và nói rất to,\” GS Tunbridge viết, \”nhưng chúng ta không biết chính xác bối cảnh ra sao.\”
Điều chúng ta biết là tới năm 1818, ông thấy rất khó hiểu được người khác đang nói gì, vì thế ông yêu cầu họ viết xuống các câu hỏi và bình luận, nữ GS cho biết thêm.
Có những lời kể ghi lại vào giai đoạn cuối đời của ông, cho thấy ông vẫn có thể nghe được một số âm thanh, dù mờ nhạt, chẳng hạn như khi ông ngạc nhiên vì nghe được thấy tiếng hét chói tai.
Âm nhạc như một chuỗi biểu cảm
Thất vọng vì không thể lấy vợ, giờ đây Beethoven phải chịu thêm nỗi thất vọng vì không nghe được.
Nhưng ông không những tiếp tục sáng tác, ông tạo ra những tác phẩm biểu cảm, xúc động và có tính thử nghiệm nhất.
\”Beethoven quyết định rằng cuộc đời của ông tiếp tục có giá trị, và rằng ông sẽ tiếp tục soạn nhạc, và chính âm nhạc sẽ cứu rỗi ông,\” GS Tunbridge nói.
Vì piano đối với ông là nhạc cụ tuyệt hảo nhất, ông tiếp tục sáng tác trên piano, và dùng thêm một số nhạc cụ khác để thêm âm thanh.
Tuy nhiên, nhạc cụ có sức mạnh nhất của Beethoven vẫn là bộ não của ông.
\”Bạn phải nhớ rằng các nhạc sỹ dựa vào trí tưởng tượng của họ rất nhiều, và họ có thể nghe thấy âm thanh trong đầu, và rằng Beethoven bắt đầu sáng tác nhạc từ khi ông còn nhỏ,\” GS Tunbridge giải thích.
\”Có thể ông không nghe được thế giới bên ngoài, nhưng không có lý do gì để nghĩ rằng khả năng nghe nhạc trong đầu của ông bị suy giảm, hay sức sáng tạo âm nhạc của ông yếu dần đi,\” bà nói thêm.
Sức sáng tạo dồi dào và mạnh mẽ
Đầy thất vọng vì sáng tác các bản nhạc mà tai ông không thể nghe thấy, Beethoven đương đầu với thách thức mới: đưa vào các tác phẩm của mình sức mạnh và sự biểu cảm thể lực chưa từng có.
Một số các nhà phân tích hiện đại cho rằng chính bệnh điếc thúc đẩy tài năng âm nhạc của ông theo nhiều cách. nhà soạn nhạc người Anh Richard Ayres nói với BBC.
Ông Ayres, một nhạc sỹ cũng bị điếc, đã viết một tác phẩm lấy cảm hứng từ Beethoven. Ông nói bậc thầy âm nhạc đã sáng tác âm nhạc dâng trào hơn, những dòng nhạc nổi bật hơn, rõ ràng hơn.
Đó là điều Beethoven đòi hỏi từ các nhạc công của mình – ông có thể thấy cơ thể họ chuyển động và năng lượng họ đưa vào các buổi biểu diễn, ông Ayres nói.
Tính nhân văn và hy vọng
Có nhiều bằng chứng để khẳng định ông \”khó gần và đau ốm,\” GS Tunbridge nói, \”nhưng Beethoven có nhiều mặt khác.\”
\”Có một mặt khác trong ông, thân thiện hơn và hài hước hơn. Có những ví dụ về những đức tính nhân văn của ông.\”
Việc Beethoven sáng tác bản \”Ode to Joy\” trong một thời điểm hết sức khó khăn với bản thân ông chứng tỏ ông thấy có hy vọng vào tương lai – cảm giác tràn ngậm trong các tác phẩm sau này của ông, theo GS Tundbridge.
Từ khi còn nhỏ, Beethoven đã mong ước được đưa bài thơ của Friedrich Schiller vào bản nhạc – và cuối cùng ông đã tìm cách đưa nó vào bản Giao hưởng số Chín.
\”Tôi nghĩ rằng những tư tưởng được thể hiện trong câu chữ của bài thơ, tính bác ái và niềm vui, là những gì mà Beethoven hy vọng về chính trị và trong xã hội nói chung,\” GS Tunbridge nói.
\”Ông giữ niềm hy vọng đó cho đến tận cuối đời, và đó là điều chúng ta không thể bỏ qua.\”