2020 : Năm Covid-19, châu Á trỗi dậy, Âu-Mỹ suy tàn ?
Chỉ còn có hai tuần nữa là kết thúc năm 2020, nhưng dịch bệnh Covid-19 hoành hành thế giới từ một năm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng dịch tễ đang làm nổi rõ hai xu hướng : Tăng tốc chuyển dịch « trọng tâm » kinh tế sang châu Á và đọ sức giành thế bá quyền Mỹ-Trung ngự trị chính trường quốc tế.
Time : Năm 2020, năm tồi tệ nhất ?
Phải chăng năm 2020 này thật sự là « năm tệ hại nhất » trong lịch sử nhân loại như trang bìa tạp chí Time số ra ngày 14/12/2020 ? Đúng sai thế nào hạ hồi phân giải, nhưng một điều chắc chắn đây là một năm đầy tang tóc. Dịch bệnh virus corona chủng mới, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019, đã thật sự để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức nhân loại. Bằng chứng rõ nhất là theo một thông cáo do mạng xã hội Twitter công bố ngày 07/12, từ khóa #Covid-19 và những thuật ngữ có liên quan được sử dụng đến gần 400 triệu lần. Bởi vì, chỉ trong vòng vỏn vẹn có một năm mà thế giới đã có hơn 72 triệu người nhiễm bệnh, hơn 1,6 triệu người chết vì virus corona.
Một năm sắp trôi qua, âu cũng là dịp để nhìn lại những bài học đau đớn và dự đoán những thách thức trong tương lai. Câu hỏi đầu tiên thoáng nghe : Liệu rằng có một thế giới Trước và Sau đại dịch ? Chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) trên kênh truyền hình quốc tế France 24 có vài nhận xét :
« Covid-19 sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử ngành địa chính trị. Thế giới quen thuộc đột nhiên biến mất, một thế giới hoàn toàn mới bỗng xuất hiện. Đường phố hoang vắng không một bóng người. Cả thế giới như bị tê liệt, hơn một nửa cư dân địa cầu bị “giam lỏng ở nhà”. Hầu như toàn bộ biên giới bị đóng cửa. Nhưng cùng lúc, người ta cũng nhận thấy là không có một xu hướng cơ cấu hoàn toàn mới được hình thành, mà đúng hơn là một sự thúc đẩy, một sự gia tăng nhanh hơn những xu hướng cơ cấu đã hiện hữu trên phương diện địa chính trị. »
Phương Tây và cú sốc kép
Khủng hoảng Covid-19 là một cú sốc kép : Dịch tễ và Kinh tế. Các hoạt động kinh tế, giao dịch thương mại đột nhiên ngưng trệ, thất nghiệp tăng cao do việc áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến nhiều cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp bị phá sản. Phương Tây còn ngỡ ngàng nhận ra rằng đã quá lệ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc từ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cho đến cả các mặt hàng từng bị cho là thứ yếu giờ là mang tính chiến lược như khẩu trang chẳng hạn.
Cú sốc dịch tễ là vì số ca nhiễm bệnh tăng đột biến khiến các chính phủ trở tay không kịp. Sự kiện cho thấy những yếu kém của các nước phương Tây, luôn tự hào về những thành quả xã hội đạt được, trong công cuộc đối phó với dịch bệnh. Con số nạn nhân virus corona chủng mới tại châu Á thấp hơn nhiều lần so với phương Tây. Gần đến dịp lễ cuối năm, trong khi châu Á đang dần khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường, thì châu Âu và Mỹ cứ mãi loay hoay « đóng đóng, mở mở » hòng ngăn chận dịch bệnh.
Thái độ cao ngạo, chủ quan có lẽ là những nguyên nhân chính. Nhưng dịch bệnh bùng phát tại châu Âu và Mỹ còn gióng lên hồi chuông suy tàn của phương Tây mà hình ảnh hố chôn tập thể ở New York, bệnh viện bị quá tải ở châu Âu thật sự là gây sốc. Ông Pascal Boniface, tác giả tập sách « Địa chính trị Covid-19 » phân tích tiếp đâu là những sai lầm của phương Tây.
« Nhưng điều này thật sự không có gì là mới cả bởi vì từ nhiều năm qua, thế mạnh của thế giới phương Tây đã mất độc quyền mà họ vẫn luôn chưa nhận thấy. Chúng ta có thể nói là cuộc khủng hoảng Covid-19 đáng lý ra phải là một bài học về sự khiêm tốn và thúc đẩy phương Tây ý thức rằng họ không còn là những nước duy nhất có sức mạnh, và họ cũng không còn là những nước duy nhất giầu có, rằng còn có những nước khác tồn tại và phải dành cho những nước đó một chỗ đứng quan trọng trên trường quốc tế ».
Thế kỷ 21 : « Kỷ nguyên của châu Á »
« Người khổng lồ da trắng » nay khó có thể « một vai gánh cả địa cầu » như câu nói có từ thời thực dân của nhà văn Anh Rudyard Kipling thế kỷ XIX. Dịch bệnh kết thúc, tăng trưởng sớm trở lại ở châu Á, cả từ Trung Quốc – đầu tầu kinh tế của hành tinh, lẫn ở Hàn Quốc hay Việt Nam…
Trong khi đó, thị trường châu Âu suy sụp, rơi vào trầm cảm chưa biết hồi nào thoát. Đại dịch Covid-19 dường như còn thúc đẩy nhanh hơn nữa xu hướng chuyển dịch đầu tư, công-kỹ nghệ và các thị phần sang vùng Viễn Đông. Theo sử gia Pierre Grosser trên đài France Culture, điều này một lần nữa khẳng định « Hoa Kỳ không còn là đầu tầu tăng trưởng cho châu Á nữa mà chính là châu Á ».
Đáng chú ý là dịch bệnh Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán nhưng không cản trở được Trung Quốc tiếp tục đà tiến đi lên thành cường quốc. Dịch bệnh là « cơ hội vàng » để Bắc Kinh tiếp tục gia tăng ảnh hưởng, củng cố thế mạnh kinh tế-quân sự của mình, mà bằng chứng điển hình là hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện – RCEP vừa được ký kết hồi trung tuần tháng 11/2020, giữa 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, dưới sự chủ trì của Trung Quốc.
« Ở đâu Donald Trump bỏ trống, ở đó Tập Cận Bình len vào » là nguyên nhân chính giải thích vì sao Bắc Kinh vẫn có thể gia tăng ảnh hưởng bất chấp nguồn gốc khởi phát dịch bệnh từ Trung Quốc, theo như nhận định của nhà nghiên cứu địa chính trị.
« Trung Quốc đã biết cách tận dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ. Đó chính là vào lúc nước Mỹ có những chủ trương co cụm mà hành động mang tính biểu tượng thật sự là việc ngưng tất cả các chương trình tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào thời điểm nguồn tài chính này là rất cần thiết. Trung Quốc nhờ vậy đã gia tăng sự hiện diện của mình. Người ta có thể nói là mức độ Bắc Kinh tăng cường sự có mặt của mình tỷ lệ thuận với sự thoái lui của Mỹ ».
Covid-19 còn làm cho cuộc chiến giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận từ kinh tế, quân sự, cho đến cả công nghệ cao diễn ra từ mấy năm qua thêm phần gay gắt. Liệu rằng đối đầu trực diện giữa hai nước có là điều không thể tránh khỏi ? Nhà địa chính trị tại IRIS khẳng định đọ sức Mỹ – Trung vẫn sẽ là chủ đề thời sự quốc tế hàng đầu mà ở đó, châu Á sẽ là đấu trường chính.
« Mầm mống đối đầu đã có từ trước bởi vì Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận là Trung Quốc bắt kịp mình do từ năm 1945, Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu. Họ cho rằng nước Mỹ có những phẩm chất đạo đức trên tất cả những nước, nên việc có thể bị một nước khác đuổi kịp mà lại là một nước châu Á, một nước cộng sản đối với Mỹ là một điều không thể chấp nhận được. »
(…) Chúng ta có thể nói rằng đây là một thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng dịch tễ, bởi vì sự đối đầu này giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ quan trọng, nay trở thành một sự kiện lớn điển hình quan trọng nhất ở cấp độ địa chính trị và có thể kéo dài trong nhiều năm sắp tới. Cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington chắc chắn sẽ là chủ đề xuyên suốt của địa chính trị toàn cầu. »
Hoa Kỳ : Biden có « thoát » được bóng Obama ?
Trong bối cảnh ảm đạm này, nước Mỹ trong tháng 11/2020 đã chọn ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân Chủ làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Đây có lẽ cũng là một kỳ bầu cử đáng ghi nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Bởi vì, cuộc bỏ phiếu năm nay diễn ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt : Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 hoành hành dữ dội, nước Mỹ trả giá đắt nhất về số nạn nhân, hơn 16 triệu ca nhiễm, gần 300 ngàn người chết. Dịch bệnh đã làm đảo lộn lịch trình chiến dịch vận động tranh cử.
Thứ hai, xung đột xã hội đột nhiên bùng nổ dữ dội tưởng chừng bên bờ nội chiến, sau vụ George Floyd, một người da đen, bị một viên cảnh sát da trắng kẹp cổ đến chết ngạt. Vụ việc xảy ra khiến hàng trăm ngàn người giận dữ ùn ùn xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát và chống kỳ thị chủng tộc. Nước Mỹ như bên bờ xung đột khi bạo loạn bùng phát kéo dài trong nhiều tuần liền, bất chấp lệnh phong tỏa ngăn ngừa dịch bệnh hoành hành dữ dội. Hình ảnh bạo động phát đi trên toàn thế giới khiến người ta không khỏi tự hỏi : Phải chăng tầm ảnh hưởng của nước Mỹ đã đến hồi suy thoái ?
Cuối cùng, bầu cử Mỹ 2020 lạ lùng vì bị tràn ngập những lời cáo buộc có gian lận lá phiếu bầu cử từ tổng thống mãn nhiệm. Không những không đưa ra được các bằng chứng, Donald Trump còn gia tăng các vụ kiện và đe dọa ngăn cản quy trình chuyển giao quyền lực, có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia. Hành động này của nguyên thủ Mỹ khiến nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng Hòa phản đối cho rằng đi ngược với lợi ích của đất nước.
Dẫu sao thì việc ông Biden đắc cử khiến thế giới có những phản ứng trái ngược. Tuyên bố « nước Mỹ trở lại dẫn đường thế giới » khiến châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ thở phào nhẹ nhõm, sau bốn năm hứng đòn của Donald Trump, nhưng lại được châu Á đón nhận dè dặt. Liệu rằng tổng thống tân cử có chống Trung Quốc mạnh mẽ như người tiền nhiệm hay không ?
Theo giới quan sát, « Trump ra đi, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn ở lại ». Chính sách đối ngoại là một sự đồng thuận của cả hai đảng. Cuộc đọ sức với Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng có lẽ sẽ khác về mặt hình thức. Nhìn dàn lãnh đạo mới mà ông Biden vừa công bố, thì vẫn là « America First », chỉ có điều là theo kiểu Joe Biden nhưng mang dáng dấp của Barack Obama. Thế nên, sử gia người Pháp, André Kaspi, chuyên gia về Hoa Kỳ, giáo sư danh dự trường đại học Sorbonne, cảnh báo nếu không khéo « thoát bóng » Obama, đây sẽ là một mối nguy hiểm cho ông Joe Biden.
« Tham vọng của Joe Biden là cho thấy chúng ta đang trở về với nhiệm kỳ của Barack Obama. Đúng là Obama không còn là tổng thống nữa, Biden mới là tổng thống. Nhưng vì Joe Biden từng là phó tổng thống cho Obama, nên ông mang theo cùng ông một loạt các quyết định bổ nhiệm ít nhiều gì cũng giống với những ý tưởng mà ông Obama từng đưa ra trong giai đoạn 2008-2017.
Nghĩa là về mặt cơ bản, Joe Biden là người kế nhiệm do Obama chỉ định và mối nguy hiểm ở chỗ là nhiệm kỳ của ông đơn giản là một nhiệm kỳ thứ ba của Barack Obama, nếu như vậy quả thật là đáng tiếc. Dù vậy, cũng nên hy vọng rằng ông ấy có thể thể hiện tính độc lập, cá tính của mình và như vậy điều đó có thể giúp ông Biden xử lý công việc nước Mỹ một cách đúng đắn ! »
Theo RFI