‘Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương’ tại Mặt Trận Hạ Lào

‘Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương’ tại Mặt Trận Hạ Lào

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Chỉ 10 ngày sau khi cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 – khởi diễn vào ngày 8 Tháng Hai, 1971 – tại phần đất Hạ Lào phía bên kia biên giới Việt Nam, chiến cuộc đã trở nên hết sức sôi động và tàn khốc.

\"\"
Bà quả phụ cố Đại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, và người con trai út Nguyễn Viết Xa đã có chuyến đi hôm 12 Tháng Tư, 2016, từ Sài Gòn đến Đồi 31, Hạ Lào, nơi “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương” hy sinh. Tại đây, bà Mai đã lấy nắm đất trên Đồi 31, nơi Ðại Úy Ðương hy sinh để mang về Việt Nam. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Từ ngày 18 Tháng Hai, Cộng Quân khởi sự tấn công Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc và Biệt Động Quân Nam. Các lực lượng thuộc Trung Đoàn 102 và Sư Đoàn 308 Cộng Sản Bắc Việt cùng với các thiết giáp xa PT-76 và xe tăng T-54 đều xung trận.

Căn cứ hỏa lực trên Đồi 31 bị Cộng Quân tấn công

Cho tới ngày 20 Tháng Hai, sau ba ngày giao tranh đẫm máu, quân số Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân tại Biệt Động Quân Bắc từ 500 người chỉ còn lại 323 người, khiến họ phải rút lui về Biệt Động Quân Nam nằm cách đó 6 km. Ước tính có đến 600 Cộng Quân bỏ xác trong các cuộc tấn công vào lực lượng Biệt Động Quân, trong đó phân nửa bị hạ vì hỏa lực trọng pháo và phi pháo của Hoa Kỳ.

Ngày 21 Tháng Hai, Cộng Quân tiếp tục cuộc tấn công vào Biệt Động Quân Nam, nơi có 400 quân đồn trú cộng với số quân từ căn cứ Biệt Động Quân Bắc nhập vào. Căn cứ này đã lọt vào tay Cộng Quân sau hai ngày kịch chiến, khiến các chiến sĩ Biệt Động Quân phải rút về Căn Cứ Hỏa Lực 30.

Ngày 22 Tháng Hai, Cộng Quân lại tiếp tục tấn công vào Căn Cứ Hotel 2 ở phía Nam Đường Số 9, khiến căn cứ này phải di tản. Sau đó, Cộng Quân tiếp tục tấn công Căn Chứ Hỏa Lực 30, khiến quân trú phòng tại đây phải rút lui. Sau đó, địch dồn hết hỏa lực vào tấn công Đồi 31, quyết chí hạ thủ căn cứ này, nơi có một pháo đội 105 ly do Trung Úy Pháo Binh Dù Nguyễn Văn Đương làm pháo đội trưởng và cũng là nơi đặt bản doanh của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù do Đại Tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy.

Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương tuẫn tiết

Cái chết hào hùng của Trung Úy Nguyễn Văn Đương, pháo đội trưởng Pháo Đội B 3, trên Đồi 31 ở Hạ Lào đã được Trung Tá Bùi Đức Lạc, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Dù tham chiến tại Hạ Lào, kể lại qua đoạn hồi ký viết về “sự ra đi của Đại Úy Đương, Hạ Lào năm 1971” trên trang mạng tvvn.org như sau:

“…Tất cả những trận đánh tại Căn Cứ 31 đều diễn ra ban ngày hết. Ban đêm chỉ là đặc công đánh nhỏ mà thôi. Khi nó tấn công thì từ chỗ tôi đang bay, nhìn qua Căn Cứ 31, chỗ Đương đang đụng trận, thì thấy những chiến xa của Việt Cộng lờ mờ không thấy rõ, tôi ước lượng khoảng 10 chiến xa. Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi [đang bay quan sát trận chiến từ trên không] nói: ‘Nó đông lắm anh ơi!.’ Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?.’

\"\"
Bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương và con trai Nguyễn Viết Xa khi vừa bước qua cửa khẩu biên giới Việt-Lào hôm 12 Tháng Tư, 2016. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!.’ Tôi nhìn đồng hồ khoảng 2 giờ 50 chiều. Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi,’ và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi. Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây.’ Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em.’

Lúc đó Đương đang ở dưới hầm và qua máy liên hợp, tôi nghe Đương nói với một nhân viên của anh: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá rồi.’ Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó, tức là súng Col của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 [Trung Tá Lạc] ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.

Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn Văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi.’ Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.

Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả bốn pháo đội đồng khai hỏa bắn vào Căn Cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc…”

\"\"
Bà quả phụ cố Đại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, bên di ảnh chồng tại tư gia ở Quận 11, Sài Gòn, hồi Tháng Ba, 2016. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Như đã nói, trước đó, vào ngày 22 Tháng Hai, Cộng Quân cũng đã nỗ lực triệt hạ Căn Cứ Hỏa Lực 30 gần đó, khiến Pháo Đội C 44 Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) dưới quyền của Đại Úy Trương Duy Hy phải rút lui dưới hỏa lực hùng hậu của pháo binh cùng hỏa tiễn địch và giữa vòng vây nghiệt ngã của Cộng Quân với quân số đông đúc vượt trội.

Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Quân Lực VNCH sống mãi trong lòng dân tộc

Cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc vào Tháng Tư, 1975, với sự tan rã của Quân Lực VNCH tại các Vùng Chiến Thuật I, II và III, kéo theo sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn.

Cái chết của Đại Úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương, nói riêng, và cái chết của Quân Lực VNCH, nói chung, rõ ràng là đã điểm tô thêm những nét hào hùng và bi tráng cho quân sử VNCH, nói riêng, và lịch sử dân tộc Việt Nam, nói chung, vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất, Đại Úy Nguyễn Văn Đương, trong Trận Hạ Lào năm 1971, đã chọn cái chết oanh liệt ngay dưới chiến hào bằng cách gọi pháo binh bắn xuống đầu mình để tiêu diệt luôn các lực lượng tấn công đông thập bội lên Đồi 31, lập nên chiến tích cuối cùng trong đời trước giờ vĩnh viễn giã từ vũ khí. Có thể nói cái chết oai hùng của “người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương” (như lời ca trong nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh” của Trần Thiện Thanh) đã là nguồn cảm hứng vô biên cho những người anh hùng khác trong Quân Lực VNCH, giúp họ thản nhiên chọn cách tự sát chứ không đầu hàng giặc, khiền cho Quân Lực VNCH trở thành tập thể có số chiến binh tuẫn tiết sau cuộc chiến lớn lao vào hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Quân Đội Thiên Hoàng Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến mà thôi.

\"\"
Với bà Mai, “anh Ðương vẫn mãi sống trong tim mình.” Năm nay 2020, là 49 năm ngày mất của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương (1971-2020), Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực VNCH. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Trong số các vị “anh hùng tử, khí hùng bất tử” đó của Quân Lực VNCH phải kể đến Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà chết theo hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 trong trận Hải Chiến Hoàng Sa chống quân Trung Cộng hồi năm 1974 cùng với sự tuẫn tiết của các vị tướng, tá của Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, lúc VNCH thất thủ vào tay Cộng Sản Bắc Việt, như Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (tư lệnh Quân Đoàn 2), Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (tư lệnh Quân Đoàn 4), Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (tư lệnh phó Quân Đoàn 4), Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (tư lệnh Sư Đoàn 7), Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ (tư lệnh Sư Đoàn 5), và Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long tại Sài Gòn. Đó là chưa kể một số các chiến sĩ thuộc các đơn vị Bộ Binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân… đã dùng lựu đạn hoặc quay súng bắn vào đầu nhau để tự sát trong giờ phút sa cơ trước và sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, noi gương các bậc anh hùng, hào kiệt đã tuẫn tiết chứ không đầu hàng giặc, để lại tiếng thơm muôn thuở trong lịch sử dân tộc Việt Nam, như Phan Thanh Giản (1867), Nguyễn Tri Phương (1873), Hoàng Diệu (1882)…

Thứ nhì, cũng như cái chết của một anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương, cái chết vì bị bức tử của Quân Lực VNCH hồi năm 1975 không bao giờ là vô ích cả. Như sự thật lịch sử đã chứng minh, chỉ khi VNCH không còn nữa thì toàn thể dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc mới tỉnh ngộ để nhận thức được rằng, so với chế độ Cộng Sản đang độc quyền cai trị trên toàn bộ đất nước Việt Nam hiện nay, chính thể VNCH, dù chỉ tồn tại có 21 năm trên phân nửa đất nước mà thôi, rõ ràng là chính thể tốt đẹp nhất mà người dân Việt Nam có được sau thời Pháp thuộc, tức từ năm 1945 trở đi. Quân Lực VNCH là lực lượng thiết yếu có công bảo vệ cho dòng sinh mệnh của dân tộc tại Miền Nam Tự Do trong suốt thời gian VNCH tồn tại.

\"\"
Nguyễn Viết Xa, con trai cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, bên bàn thờ thân phụ, hồi Tháng Ba, 2016. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Chính những hy sinh xương máu vô bờ bến của các chiến sĩ Quân Lực VNCH, mà “người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương” là một, đã đem lại cho dân tộc Việt Nam một thời đại tuy ngắn ngủi nhưng huy hoàng, ngay cả trong hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, với các di sản văn minh và văn hóa sáng ngời về văn học, luật pháp, giáo dục, nghệ thuật, và đặc biệt là âm nhạc.

Một thí dụ là dòng nhạc boléro và bộ môn cải lương từng thịnh hành tại Miền Nam Tự Do trước năm 1975 nay đang là lẽ sống của hàng chục triệu người Việt Nam ngày nay, với trái tim luôn thổn thức tìm về những giá trị tinh thần xa xưa và cao đẹp của dân tộc trước những đợt công phá phũ phàng của nhà cầm quyền Cộng Sản hiện tại, kẻ đang muốn xóa bỏ những thành tựu của đất nước trong quá khứ, và các công trình xây dựng mang tính cách lịch sử, để giành độc quyền làm “kiến trúc sư” của nền văn hóa và văn minh Việt Nam đã có từ hơn bốn ngàn năm qua. (Vann Phan) [qd]

Anh Không Chết Ðâu Anh

Tác giả: Trần Thiện Thanh

Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh

Ôi đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh

Không, anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh…

Bài Liên Quan

Leave a Comment