Mỹ đặt mục tiêu chống Trung Quốc ‘quyết đoán hơn’ trên Biển Đông năm 2021
18/12/2020
Quân đội Mỹ vừa đưa ra cảnh báo sẽ “quyết đoán hơn” trong việc đáp trả các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ cáo buộc có tham vọng bành trướng ở Biển Đông.
Truyền thông quốc tế hôm 18/12 dẫn một tài liệu có nội dung về các mục tiêu đặt ra cho Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên Hoa Kỳ năm 2021, Lầu Năm Góc nói rằng một số quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc “đang cạnh tranh cân bằng quyền lực ở các khu vực quan trọng và tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện nay”.
Cơ quan này tố cáo Trung Quốc “đang áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và tìm cách thiết lập quyền bá chủ trong khu vực thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Mặc dù tài liệu cũng đề cập Nga là một “mối đe dọa đối với quân đội Mỹ”, nhưng “Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực kinh tế và quân sự tổng hợp để đưa ra thách thức lâu dài, toàn diện đối với Hoa Kỳ”.
“Các hoạt động và thái độ của Lực lượng Hải quân là sẽ tập trung vào việc chống lại các hành vi xấu của CHND Trung Hoa trên toàn cầu, và tăng cường khả năng ngăn chặn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tài liệu của quân đội Mỹ nói.
Theo tài liệu này, hải quân của Mỹ trên toàn cầu “tương tác với tàu chiến và máy bay của Trung Quốc và Nga hàng ngày”, và lưu ý về “sự hung hăng ngày càng tăng ”của Bắc Kinh và gọi Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất”.
“Chúng ta phải hoạt động quyết đoán hơn để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh hàng ngày khi duy trì trật tự dựa trên quy tắc và ngăn chặn các đối thủ theo đuổi hành động xâm lược có vũ trang”, tài liệu nói thêm.
Tài liệu được công bố trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng nổ ra xung đột vũ trang.
Vụ việc mới nhất giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 8, khi Bắc Kinh tuyên bố đã đuổi một tàu chiến Mỹ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
Trong thời gian này, Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận và phóng tên lửa trên Biển Đông, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm đó đã phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ tập trận, nói rằng hoạt động này “vi phạm chủ quyền của Việt Nam” và “đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Để chống lại tình trạng “bành trướng” của Trung Quốc, Hoa Kỳ thường xuyên điều tàu đến khu vực để thực hiện quyền “Tự do hàng hải”.
Tài liệu của quân đội Mỹ cho biết để có thể duy trì tình trạng “trên cơ” chiến lược so với hải quân Trung Quốc (vốn đã tăng gấp 3 về quy mô trong hai thập niên qua), Hải quân Mỹ có kế hoạch hiện đại hóa với các tàu nhỏ hơn, nhanh hơn và thậm chí được điều khiển từ xa.
Tàu của Mỹ cũng sẽ “chấp nhận rủi ro chiến thuật đã được tính toán và áp dụng thái độ quyết đoán hơn trong các hoạt động hàng ngày”, tài liệu nói thêm.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Thái Bình Dương, đồng thời “phát hiện và ghi lại các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, ăn cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác”.
Đáp lại các cáo buộc của Mỹ, Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích Washington “kích động xung đột trong khu vực”, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao nhằm giành thêm sự ủng hộ giữa các quốc gia Đông Nam Á.