Hồng Kông: Giới đấu tranh dân chủ phải chọn lựa giữa nhà tù hay lưu vong
Trang bìa các tạp chí ra tuần lễ kế chót của năm 2020 này thu hút sự chú ý bạn đọc với cách trình bày nhẹ nhàng và chủ đề cũng lý thú, càng không có thời gian tính càng tốt đặc biệt trên hai tờ có số tất niên: Courrier International đã dành một sô “3 trong 1” cho chủ đề muôn thuở là tình yêu, còn Le Point dùng một số kép để nói về những nhà thám hiểm trong lịch sử Pháp. Về châu Á, thời sự Hồng Kông nổi bật trên hai tờ L’Express và Courrier International.QUẢNG CÁO
Trong bài “Nhà tù hay lưu vong: Tại Hồng Kông, các nhà đấu tranh cho dân chủ phải đối mặt với một chọn lựa ác nghiệt”, L’Express ghi nhận thực tế là từ lúc luật an ninh của Bắc Kinh được ban hành tại đặc khu vào tháng Sáu, các vụ bắt giữ gia tăng và một số nhà đối lập có thể bị tù chung thân.
Tạp chí mô tả trường hợp của một sinh viên 18 tuổi. Giống như nhiều nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt kể từ khi bắt đầu những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, vào năm 2019, cậu sinh viên này đang bị truy tố về tội “mang theo vũ khí” trong một cuộc biểu tình ủng hộ các quyền tự do một năm trước, điều mà cậu hoàn toàn phủ nhận.
Được tại ngoại trong khi chờ ngày xét xử, cậu thanh niên này phải trình diện đồn cảnh sát hàng tháng và thú nhận rằng anh như “bị tê liệt” trước ý tưởng sẽ bị “bỏ tù hoặc hành hung, như một số người biểu tình đã từng nếm qua”.
Cậu sinh viên không còn tin tưởng vào hệ thống tư pháp Hồng Kông, vốn là môt hệ thống độc lập về mặt lý thuyết, khác với Trung Hoa Đại Lục, và dựa trên nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng đã bị ép buộc là phải thiết lập lại “trật tự xã hội” ở Hồng Kông và bóp nghẹt mọi khuynh hướng đòi độc lập, từ khi luật an ninh của Bắc Kinh,được thông qua vào tháng 6 năm nay.
Trong số hơn 10.000 người bị bắt kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại chế độ cộng sản, hơn 2.300 người là đối tượng bị truy tố, bao gồm các đại biểu dân cử, những gương mặt tiêu biểu của lớp tuổi trẻ đối kháng với Bắc Kinh, và rất nhiều người bình thường. Theo báo chí địa phương, ít nhất 200 người trong số họ đang phải chờ ngày xét xử trong nhà tù. Một số tên tuổi trong phong trào đấu tranh như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow) và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) cũng bị tống giam sau khi bị kết án tù về tội tham gia biểu tình vào năm ngoái, 2019.
“Mục đích của chính quyền trung ương là dẹp tan đối lập”.
Theo L’Express, trong bối cảnh các vụ bắt giữ và bỏ tù gia tăng kể từ tháng 7, chính quyền thân Bắc Kinh tại Hồng Kông có dấu hiệu đang làm mọi việc để gieo rắc nỗi sợ hãi và chấm dứt phong trào phản kháng.
Đối với nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), tại Đại Học Trung Văn Hương Cảng ở Hồng Kông thì vì sợ không kiểm soát được hoàn toàn Hồng Kông nên Bắc Kinh phải tìm cách đè bẹp phe đối lập ở đặc khu, bằng cách truất quyền đại biểu hoặc bỏ tù những nhân vật nổi bật nhất của phe ủng hộ dân chủ.
Tình thế hiện nay đã buộc các nhà đối lập phải lựa chọn giữa tù đày hay lưu vong. Tuy nhiên, giải pháp thứ hai này cũng có nhiều lại rủi ro: Tháng 8 vừa qua, 12 thanh niên bị chận bắt trên biển khi họ đang trên đường đến Đài Loan, và kể từ lúc đó họ bị giam giữ ở Hoa Lục.
Cho dù vậy, số người chọn đường lưu vong ngày càng nhiều. Trường hợp mới nhất là nghị sĩ dân chủ đối lập Hứa Chí Phong (Ted Hui), vào đầu tháng 12 đã lấy cớ đi tham dự một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Đan Mạch để rời Hồng Kông qua sống lưu vong ở Luân Đôn. Lập tức các tài khoản ngân hàng của ông và những người thân đã bị phong tỏa theo yêu cầu của nhà chức trách.
Theo báo chí Hong Kong, có ít nhất 250 người đã xin tị nạn ở Úc kể từ năm 2019, còn theo nguồn tin riêng của L’Express, có khoảng 200 người đã xin tị nạn ở Hoa Kỳ, và 1.700 người đã xin trợ giúp từ quỹ nhân đạo do chính quyền Đài Loan mở ra vào tháng 7. Chính quyền Đài Bắc còn cấp 3.800 giấy phép cư trú cho người Hồng Kông lánh nạn từ tháng Giêng đến tháng 7 năm 2020.
Theo giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan, tại Đại Học Baptist tại Hồng Kông, hoạt động của các nhà đối lập sẽ trở nên “ngày càng khó khăn hơn với việc Đảng Cộng Sản sẽ làm các đảng đối lập mất dần tính chính đáng và biến mất”. Về lâu về dài, xã hội dân sự sẽ vẫn là lực lượng đối kháng duy nhất, nhưng theo giáo sư Cabesta, sẽ không có tác dụng “đối với một hệ thống chính trị đã trở thành độc tài”.
Hồng Kông chìm vào màn im lặng
Courrier International tuần này cũng lo ngại cho tình hình “Hồng Kông đang chìm vào một sự im lặng vô thực” tựa bài báo trang Châu Á, trích dẫn trang thông tin Asia Sentinel tại Hồng Kông
Bài báo mô tả Hồng Kông như đang sống dưới một ách áp bức, với những vụ bắt bớ đối lập và những chuyến ra đi lưu vong liên tiếp, trong khi cộng đồng doanh nghiệp giữ im lặng và bản thân các nhà báo luôn phải cảnh giác trước những người đối thoại của họ – và tự hỏi ai sẽ dám tiếp tục nói chuyện với họ.
Phong trào biểu tình kéo dài hàng tháng, với hàng trăm nghìn người Hồng Kông xuống đường phản đối đàn áp của Bắc Kinh giờ đã đi vào bế tắc. Thành phố từng diễn ra cuộc nổi dậy nảy lửa, thậm chí có lúc sử dụng bạo lực, đã rơi vào một sự im lặng không thực.
Thế mà, theo ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), người đứng đầu Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, tiến trình tịch thu quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của người Hong Kong vẫn chưa kết thúc.
Vẫn theo nhân vật này, nếu luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt “bắt đầu có hiệu lực”, thì các cơ chế được thực thi phải được cải thiện để các cá nhân tuân thủ “theo cách riêng của họ”. Vì vậy, vấn đề không chỉ là hạn chế hành động và lời nói của người Hồng Kông, mà còn là loại bỏ trong đầu những ý tưởng trái với Đảng và Nhà nước, để sự tuân thủ, thay vì là một phản xạ sợ hãi, trở thành phản xạ bản năng. Các thư viện đã loại bỏ những cuốn sách cổ vũ dân chủ và các bài học về dân chủ bị loại khỏi chương trình giáo dục.
Bài báo cũng nêu bật vấn đề người Hồng Kông lũ lượt tìm đường lưu vong, khiến phe thân Bắc Kinh yêu cầu các thẩm phán không cho các nhà đấu tranh dân chủ được tại ngoại hầu tra, trong lúc hàng ngàn người bị câu lưu năm 2019 vẫn chờ đợi xét xử. Làn sóng lưu vong sẽ còn mạnh mẽ hơn, với việc Anh Quốc cấp phát rộng rãi loại hộ chiếu gọi là BNO – tức là cho người Anh hải ngoai.
Tuy nhiên nếu Bắc Kinh vui mừng trước sự ra đi của thành phần “đáng gờm” này, thì đó cũng cũng là một tình trạng chảy chất xám mà khiến Hồng Kông bị thiệt thòi nhiều.
Courrier International: Tình Yêu thời Covid-19
Courrier International dành tựa đầu cho “Các mối tình của chúng ta” bên cạnh hình vẽ bóng dáng một nam nhân màu đen ôm một trái tim màu cam to hơn nửa người với đôi mắt tròn to, và hàng chú thích bên dưới: “Vào thời điểm đại dịch này, các cặp tình nhân đua nhau sáng tạo để gặp được nhau”. Tạp chí giới thiệu những câu chuyện tình đẹp nhất đăng trên báo chí nước ngoài.
Theo Courrier International, trong những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ghi đậm dấu ấn trong cuộc sống hàng ngày và trong thói quen của chúng ta. Với phong tỏa, các quy tắc giãn cách xã hội có thể khiến những người yêu nhau nản lòng.
Thế nhưng không! Tạp chí tỏ ra rất lãng mạn: “Tình yêu, sự lãng mạn dường như đã vượt qua cơn lốc của các tiêu chuẩn y tế mới. Chúng tôi đã chọn từ báo chí nước ngoài ba câu chuyện tuyệt vời kết thúc có hậu. Một niềm vui mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc”.
Câu chuyện thứ nhất được kể trong một bài báo dài trên tờ Wired công bố tháng 10 vừa qua. Tạp chí Mỹ về các công nghệ mới kể về câu chuyện của Rashied Amini. Vào lúc sắp chia tay với người bạn đời của mình, người kỹ sư ở cơ quan NASA này đã phát minh ra Nanaya, một thuật toán để dự đoán giá trị của một mối quan hệ lãng mạn, được dùng trong một ứng dụng hẹn hò phổ biến trong thời kỳ đại dịch này.
Theo tờ báo, Nanaya giúp những người độc thân tìm thấy tình yêu, nhưng cũng giúp những người đang yêu nhau đánh giá mối quan hệ của mình.
Một loạt chuyện tình khác được Courrier International giới thiệu diễn ra ở Mêhicô. Nhật báo La Jornada đi gặp những người độc thân đang tìm kiếm một người bạn tâm giao hoặc chỉ là một người tình một đêm. Ở đấy cũng vậy, phương tiện tìm kiếm cũng là các ứng dụng hẹn hò. Theo tờ báo Mêhicô, Covid-19 đã khiến người ta bị giằng xé không ít giữa ý thức trách nhiệm và những dục vọng xác thịt, và một số người đã phát minh ra các hình thức quan hệ mới trong khi những người khác thì sẵn sàng phá bỏ các cấm kỵ.
Câu chuyên thứ ba nói về một mối tình không cần đến công nghệ hay ứng dụng mà chỉ cần đến …một chiếc xe đạp. Đó là trường hợp của Bill Clintone Linyelela, đã đạp xe hơn 2.000 km từ Nairobi (Kenya) đến Mekele (Ethiopia) để gặp người yêu. Tạp chí East African đã gặp gỡ nhân vật này để ghi lại điều có thể gọi là một “sử thi tình yêu”.
L’Express: Cái bẫy của những đồng tiền dễ kiếm
L’Express trên nền bầu trời xanh chú ý đến “tiền dễ kiếm”, gợi lên hình ảnh quen thuộc tiền từ trên trời rơi xuống với hình vẽ hai chiếc trực thăng trục theo hai con heo đất đang rải tiền xuống đất. Nhưng tạp chí đã cảnh báo ngay trong tựa lớn: “Cái bẫy của sự nghiện ngập”.
Trong bài viết bên trong với tựa đề “Khi tiền từ trên trời rơi xuống”, tạp chí lo ngại: Giữa một thế giới tài chính đang « bay bổng » và một nền kinh tế thật đã chai cứng, được truyền dịch với tiền nhà nước sự cách biệt ngày càng lớn. Và đây là điều đáng lo ngại.
Trong khi hành tinh đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ qua, chưa bao giờ tiền lưu thông nhiều như thế, có nhiều thanh khoản để tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lời – kết quả của các chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi do các ngân hàng trung ương thực hiện, đã mở rộng cửa van để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính.
Nhưng, theo tạp chí, khi tiền dường như từ trên trời rơi xuống, các dấu mốc mờ đi, và nền kinh tế đi vào vùng đất lạ.
Tạp chí công nhận là đối mặt với tình trạng khẩn cấp, thì đúng là phải hoan nghênh việc có được không gian hành động nhờ biển thanh khoản này mang lại. Ra khỏi khủng hoảng, hàng nghìn tỷ đô la này sẽ rất cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá, chuẩn bị cho sự phục hồi và đối phó với thách thức khí hậu.
Nhưng mối nguy hiểm là người ta sẽ bị say sưa với những đợt bơm tiền lặp đi lặp lại này, mà quên rằng luận điểm “bất cứ giá nào” mà tổng thống Pháp Macron từng nêu lên cũng có giới hạn của nó, đồng thời có xu hướng tạo bong bóng tài chánh một cách đáng tiếc. Và những câu chuyện bong bóng nói chung thường kết thúc không tốt.
L’Obs: Trong đầu những người theo thuyết âm mưu
L’Obs cũng gởi đi một thông điệp cảnh giác nhưng đối với những loại thuyết âm mưu. Hàng tựa lớn trang bìa ghi nhận: “Trong đầu của những người theo thuyết âm mưu” kèm theo bóng nhìn nghiêng của một người với trong đầu toàn là những từ ngữ như “truyền thông”, “Covid”, “5G”, “Vac-xin”, “Fake News”, tức là những mục tiêu tấn công rất được các thuyết âm mưu ưa chuộng. Tạp chí cho biết: Đây là kết quả của một cuộc điều tra của viện thăm dò Pháp Ipsos.
Trong một hồ sơ 12 trang, tạp chí ghi lại quan điểm của một số người Pháp tin tưởng vào các loại thuyết âm mưu, như trường hợp của Julien, một kỹ thuật viên hoạt động trong lãnh vực môi trường: “Đối với tôi, một người theo thuyết âm mưu chỉ là một người có đầu óc phê phán chứ không phải là một con cừu.”
Bài xã luận của Obs lưu ý: “Việc một bộ phận người dân tin vào các thuyết âm mưu là một thách thức đối với nền dân chủ của chúng ta. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự mất niềm tin vào các thể chế. Việc chỉ tố cáo suông các thuyết “âm mưu” không phải là biện pháp để ngăn chặn được đà vươn lên của chủ nghĩa âm mưu”.
Theo l’Obs, đối tượng bị những người theo thuyết âm mưu đả kích không chỉ là truyền thông gọi là “dòng chính”, mà còn là các kênh truyền hình bị họ cáo buộc là lặp đi lặp lại những thông tin đến mức đáng ngờ. Sophie, một tiếp viên hàng không khẳng định: “Đối với tôi, CNews và BFM, hai kênh tin tức tại Pháp, không khác gì nhau, rất dễ biết họ sẽ nói gì, họ đã bị chính phủ mua chuộc đến mức trở nên buồn cười”.
Về các phương tiện truyền thông nói chung, những người theo thuyết âm mưu rất dứt khoát. Isabelle, một nữ đầu bếp khẳng định “Họ đã bị kiểm soát”; Coralie, trợ lý giám đốc giải thích thêm: “Có những nhóm người có vị trí cao hơn nhiều so với lãnh đạo các phương tiện thông tin này. Chính những người đó đã quyết định về thông tin dành cho chúng tôi”.
Le Point: Các chuyến du hành đã làm nên nước Pháp
Riêng Le Point, trong số kép cuối năm, đã dành trọn một hồ sơ 80 trang cho “Các cuộc du hành đã làm nên nước Pháp” – tựa lớn trang bìa – kèm theo chú thích “Các nhà thám hiểm và tiên tri”, nêu tên của một loạt nhân vật như Louis-Antoine de Bougainville, Vivant Denon, Alexis de Tocqueville, Arthur Rimbaud.
Những ai chú ý đến Việt Nam chắc chắn sẽ tìm đọc bài “Và Citizen Kahn (Công Dân) Kahn đưa thế giới vào kho lưu trữ”, nói về Albert Kahn (1860-1940), một chủ nhà băng triệu phú người Pháp đã nuôi tham vọng thành lập một kho tư liệu ảnh màu về tất cả các nước trên thế giới.
Kết quả là ông đã cử người đi đến được 48 quốc gia, chụp được 72.000 tấm ảnh theo kỹ thuật kính ảnh màu (autochrome) và ghi được 120 giờ phim. Trong số này có hơn 1000 bức ảnh xưa về Việt Nam và Hà Nội vào những năm 1910-1920, những tư liệu phải nói là rất quý giá.
Theo RFI