Hồ sơ Duy Ngô Nhĩ xen vào đàm phán thương mại Liên Âu-Trung Quốc
Phản ứng có dấu hiệu hoảng loạn của châu Âu trước một biến thể mới của con virus gây dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên các báo Pháp ra ngày 22/12/2020. Bên cạnh đó, vấn đề Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng được quan tâm rộng rãi, với hai hồ sơ dài trên Le Monde và Libération.
Le Monde giới thiệu ngay trên trang nhất trong một hàng tựa: “Cuộc điều tra về tình trạng cưỡng bức lao động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ”.
Le Monde: Cả một chính sách cưỡng bức lao động ở Tân Cương
Theo Le Monde, nhiều yếu tố mới cho thấy là Trung Quốc đã tổ chức việc cưỡng bức lao động những người Hồi Giáo tại vùng Tân Cương.
Những người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của cả một chiến dịch giam cầm hàng loạt và bị bắt buộc phải làm việc cho ngành công nghiệp trong vùng. Nhân công Duy Ngô Nhĩ được sử dụng trong việc trồng bông vải, cần thiết cho ngành vải sợi Trung Quốc.
Bruxelles lâm vào tình thế khó xử
Báo Libération cũng rất chú ý đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ và thấy rằng vấn đề này có thể tác động đến một thỏa thuận kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, đẩy Bruxelles và một tình thế khó xử.
Tờ báo nêu nguyên nhân qua hàng tựa: “Duy Ngô Nhĩ: Cuộc đọ sức giữa EU và Trung Quốc” và nêu câu hỏi : Liệu vấn đề người Duy Ngô Nhĩ có gây nguy hiểm cho một thỏa thuận kinh tế đã gần kề hay không ? Libération nhìn thấy “Cái bóng của 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bao phủ Bruxelles”.
Sau bảy năm thương lượng, thỏa thuận bảo hộ đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu Trung Quốc sẽ được ký kết vào thứ Ba, trước khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhưng trong giai đoạn chạy nước rút, cuộc đọ sức lại gay gắt thêm.
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu đòi tự do cho một học giả Duy Ngô Nhĩ
Chiều thứ Hai, Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, đã yêu cầu Trung Quốc “thả ngay lập tức” một số nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, bị kết án tù chung thân vì “ly khai”. Ông là người đoạt Giải Thưởng Nhân Quyền Sakharov của châu Âu vào năm 2019.
Đối với Libération, một tuần sau những tiết lộ mới về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc, việc ký kết một thỏa thuận kinh tế với Bắc Kinh có nguy cơ làm sứt mẻ hình ảnh của Liên Hiệp Châu Âu.
Theo một cuộc khảo sát của nhà nghiên cứu Adrian Zenz, được Libération và BBC công bố vào ngày 14/12, nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị ép buộc làm việc trên các cánh đồng bông của khu vực, nơi sản xuất 85% bông của Trung Quốc.
Nghị Viện Châu Âu lên án tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương
Vụ việc này đã bị Nghị Viện Châu Âu lên án trong một nghị quyết khẩn cấp được thông qua vào thứ Năm với đa số áp đảo (604 ủng hộ, 20 phản đối). Một khi thỏa thuận kinh tế được 27 thành viên ký kết thì còn phải được Nghị Viện Châu Âu xác nhận và các nghị sĩ đã cảnh báo rằng họ sẽ không “ngồi lên trên” các nguyên tắc của mình.
Theo Libération, điểm quan trọng của thỏa thuận song phương này, mà các điều khoản chưa được công khai, là tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Elvire Fabry, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors, một tổ chức tư vấn châu Âu, phân tích: “Với Trung Quốc, vấn đề chính là những lệch lạc bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không giới hạn. Mục đích là để thống nhất các nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng. Và để đặt những viên gạch đầu tiên này trước sự thay đổi tổng thống ở Mỹ”.
Việc ký kết thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc bị hoãn?
Nhưng sự đàn áp ở Tân Cương và Hồng Kông đã làm xáo trộn trò chơi ảnh hưởng cấp toàn cầu này. Đối với Elvire Fabry, “tôn trọng nhân quyền là một điểm mấu chốt quan trọng, nhưng không nên đơn giản hóa cuộc tranh luận. Chính sách thương mại của châu Âu được củng cố với mong muốn áp đặt các tiêu chuẩn ràng buộc về môi trường và xã hội trong các hiệp định thương mại. Nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo sức mạnh kinh tế của mình để bảo vệ các giá trị của mình trước mô hình xã hội mà Trung Quốc muốn áp đặt. Việc ký kết không nhất thiết có nghĩa là đánh mất cơ hội để bảo vệ nhân quyền tốt hơn “.
Bắc Kinh, vốn cũng nôn nóng được hô hào chiến thắng, đã gia tăng nhượng bộ trong những ngày gần đây, mở ra các lĩnh vực mới cho sự cạnh tranh của châu Âu.
Nhưng việc ký kết, dự kiến vào thứ Ba tới, có thể bị hoãn lại. Người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu cho biết: “EU vẫn cam kết đáp ứng thời hạn cuối năm với điều kiện là chúng tôi có một thỏa thuận xứng đáng. Vẫn còn những câu hỏi quan trọng cần được trả lời và chúng tôi sẽ không ưu tiên tốc độ hơn nội dung. ”
Theo RFI