Ấn Độ yêu cầu COC không gây tổn hại quyền lợi các nước ngoài Biển Đông

Ấn Độ yêu cầu COC không gây tổn hại quyền lợi các nước ngoài Biển Đông

Trọng Thành

\"Thủ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ( giữa màn hình trái) và thủ tương Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (màn hình phải) tại Thượng đỉnh trực tuyến ASEAN hôm 12/11/2020, từ Hà Nội. AFP – NHAC NGUYEN

Áp lực của Bắc Kinh với khối ASEAN trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu của New Delhi. Hôm qua, 21/12/2020, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với đồng nhiệm Việt Nam, thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi đàm phán COC phải hướng đến bảo đảm công bằng lợi ích của tất cả các bên.

Báo chí Ấn Độ dẫn lời của thứ trưởng bộ Ngoại Giao Ấn Độ, bà Riva Ganguly Das, cho biết: ‘‘Thủ tướng (Ấn Độ) nhấn mạnh là Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông không được gây tổn hại đến quyền lợi của các quốc gia khác trong khu vực”. Theo quan chức ngoại giao Ấn Độ, lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam khẳng định một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, tự do, rộng mở và không loại trừ ai, dựa trên luật pháp là có lợi cho tất cả.

Lãnh đạo Ấn – Việt cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Lập trường của hai bên được công bố trong “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân\”, ra mắt sau thượng đỉnh, văn kiện được coi là có ý nghĩa định hướng cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong những năm tới.

Tuyên bố Việt – Ấn nhấn mạnh đến việc “không quân sự hóa” Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của việc “kiềm chế” tránh để căng thẳng leo thang, khiến tình hình thêm phức tạp. Riêng về Bộ Quy Tắc COC, quan điểm của lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam là thống nhất. Hai bên cùng kêu gọi đàm phán COC cần hướng đến một bộ tắc “có thực chất và hiệu quả”, cụ thể là COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước UNCLOS, không xâm hại đến quyền lợi của các quốc gia không tham gia đàm phán.

Theo nhiều nhà quan sát, trong những năm vừa qua, trong quá trình đàm phán về Bộ Quy Tắc COC, Bắc Kinh liên tục gây áp lực, để giới hạn sự tham gia của các nước bên ngoài vào Biển Đông, đặc biệt trong các hoạt động diễn tập, thao dượt quân sự với các quốc gia ASEAN tại vùng biển này.

Vẫn liên quan đến Biển Đông, theo thông báo của Hạm Đội 7, Hoa Kỳ, hôm nay, 22/12 tàu sân bay USS John S. McCain tiến hành cuộc tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải’’ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là một trong những nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia ven Biển Đông. Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận bảo vệ tự do hàng hải và trên không ở Biển Đông để phản đối yêu sách chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ vùng biển này

Bài Liên Quan

Leave a Comment