USTR điều trần công khai về điều tra thao túng tiền tệ của Việt Nam

USTR điều trần công khai về điều tra thao túng tiền tệ của Việt Nam

28/12/2020


\"Cơ
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đang tiến hành điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và sẽ có cuộc điều trần công khai vào ngày 29/12 trước khi công bố kết quả dự kiến vào ngày 7/1/2021.

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ điều trần công khai về cuộc điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ trong lúc có những lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đánh thuế vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 16/12 ‘gắn mác’ Việt Nam là quốc gia “thao túng tiền tệ” sau khi Bộ Tài chính công bố kết luận rằng quốc gia Đông Nam Á, cùng với Thuỵ Sỹ, đã vượt quá cả ba ngưỡng về thao túng tề tệ trong năm, gồm các tiêu chí về can thiệp vào thị trường ngoại hối, thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại.

Trước đó vào đầu tháng 10, USTR công bố cuộc điều tra được tiến hành “theo chỉ đạo của Tổng thống Donald J. Trump” đối với việc định giá tiền tệ của Việt Nam, cùng với tình trạng khai thác gỗ lậu, và kêu gọi công chúng đóng góp thông tin liên quan cho các cuộc điều tra này.

Cuộc điều trần trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 29/12 để thảo luận về việc liệu tiền tệ của Việt Nam có bị định giá thấp hay không, các hành động cũng như chính sách của Việt Nam liên quan đến việc định giá thấp tiền đồng, và liệu các hành động và chính sách này có bất hợp lý hay phân biệt đối xử hay không, theo trang Công báo chính phủ liên bang Mỹ.

Cuộc điều tra nhắm đến vấn đề thao túng tiền tệ của Việt Nam vì hành vi này bị cho là “không công bằng, có thể gây hại cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam có thể đã bị định giá thấp hơn một cách giả tạo do phá giá tiền tệ,” theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Kết quả của cuộc điều tra có thể được công bố vào ngày 7/1, sau cuộc điều trần công khai theo Điều khoản 301 ngày 29/12 và thời gian lấy ý kiến công chúng kết thúc.

Theo thông báo của USTR, cuộc điều trần trực tuyến, bắt đầu lúc 9:30 sáng, sẽ có sự tham gia của nhiều đại diện các hiệp hội, tổ chức, cơ quan, và trường đại học, trong đó có Chủ tịch và CEO của Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN Alexander Deldman và đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hà Nội (AmCham), hiệp hội của hơn 500 doanh nghiệp Mỹ có quan hệ làm ăn với Việt Nam.

Các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng đang tích cực kêu gọi, vận động hành lang để ngăn chặn khả năng chính quyền Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, theo Viettimes.

Các công ty Mỹ nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019. Thuế quan có thể đánh vào hàng may mặc và giày dép cùng với đồ gỗ, hàng điện tử và hàng gia dụng, theo nhận định của Reuters.

Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ hồi tháng 10 bày tỏ thất vọng về việc USTR tiến hành cuộc điều tra đối với Việt Nam và lên tiếng thúc giục chính quyền Trump “kiềm chế không gây thêm gián đoạn chuỗi cung ứng.”

Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ, hiện đang được USTR áp dụng trong cuộc điều tra với Việt Nam, đã được dùng làm cơ chế cho các cuộc điều tra về Trung Quốc và dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nề kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 2 năm qua.

Tám hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà đầu tư và nhà máy của Việt Nam và Hàn Quốc gần đây đã gửi thư cho USTR, kêu gọi cơ quan này xem xét kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến công chúng cho cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974.

Tuy nhiên, ba nguồn tin nắm rõ vấn đế cho Reuters biết USTR sẽ không cắt ngắn thời gian lấy ý kiến công chúng vốn sẽ kết thúc vào ngày 7/1. Điều này cho Tổng thống Trump khoảng 2 tuần lễ để hành động theo bất kỳ khuyến nghị nào về thuế quan nhắm vào Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vài ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, khẳng định rằng Việt Nam “điều hành tỷ giá” để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô chứ “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.”

Vài ngày trước cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 22/12, Thủ tướng Phúc đã ra lệnh cho các bộ ngành hữu quan làm việc với các đối tác của Mỹ để “xử lý những tồn tại, vướng mắc” nhằm “duy trì quan hệ thương mại ổ định, hướng tới các cân thương mại hài hoà, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment