Khoảng cách sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lớn như thế nào? P. 01

Khoảng cách sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lớn như thế nào?P. 01

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới trong ba thập kỷ qua, khoảng cách lớn về sức mạnh quân sự đã làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Trung Cộng đã liều mạng phát triển sức mạnh quân sự, với ý định phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên và sánh bước ngang vai với Hoa Kỳ.

July 25, 2021

\"\"
Vào tháng 12/2016, khi máy bay của Trung Cộng cất cánh trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, cử chỉ của người điều khiển bắt chước kiểu cất cánh sử dụng Hệ thống phóng máy bay của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, nhưng hàng không mẫu hạm của Trung Cộng không có Hệ thống phóng máy bay. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)China\’s Liaoning aircraft carrier battle group has conducted its first exercises with live ammunition, the country\’s navy said, in a show of strength as tensions with the US and Taiwan escalate. China\’s first and only aircraft carrier led large-scale exercises in the Bohai Sea, the People\’s Liberation Army Navy said late on December 15, 2016 in a statement on their website. / AFP PHOTO / STR / China OUT (Photo credit should read STR/AFP via Getty Images)

Trung Cộng đứng thứ ba về sức mạnh quân sự trên thế giới, và đã công khai khiêu khích Hoa Kỳ; quân đội Hoa Kỳ cũng đã chính thức liệt Trung Cộng là đối thủ số một của mình. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ càng gần nhau thì càng có khả năng Trung Cộng chủ động phát động chiến tranh. Khoảng cách hiện tại về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rốt cuộc lớn như thế nào?

So sánh Hải quân của Trung Cộng và Hoa Kỳ

Vào năm 2012, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã được chuyển giao cho hải quân của Trung Cộng, thể hiện rõ ý định thành lập hải quân biển và tác chiến trên biển. Hải quân Trung Cộng đang mô phỏng Hải quân Hoa Kỳ, cố gắng xây dựng thật nhiều hàng không mẫu hạm để cạnh tranh với Hoa Kỳ về sức mạnh trên biển.

Vào tháng 12/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trình lên Quốc hội báo cáo Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc: Ảnh hưởng đến năng lực của Hải quân Hoa Kỳ. Theo báo cáo, trong 15 năm qua, tổng số chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã lên tới 333 chiếc. Tổng số chiến hạm hiện tại của Hải quân Hoa Kỳ là 296 chiếc.

Đánh giá của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ

Báo cáo của quân đội Hoa Kỳ chỉ ra rằng, tầng lãnh đạo của Trung Cộng thiếu hiểu biết về quy mô và thành phần của Hải quân; thành phần của hải quân Hoa Kỳ và Trung Cộng rất khác nhau. Hải quân Hoa Kỳ có nhiều hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân, tàu tuần dương và tàu khu trục hơn, còn Hải quân Trung Cộng có nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel và tàu khu trục hạng nhẹ hơn.

Báo cáo đánh giá những điểm yếu của Hải quân Trung Quốc, bao gồm thiếu sót trong khả năng phối hợp tác chiến, khả năng chống tàu ngầm và khả năng hỗ trợ tầm xa trên biển, cùng một số lượng lớn lính mới cần thời gian thích ứng với tàu mới, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vân vân. Hải quân Trung Cộng có thể cũng thiếu các nguyên tắc và chiến thuật tác chiến hiệu quả, trình độ huấn luyện có thể cũng không đạt yêu cầu. Khả năng viễn chinh của Trung Cộng đã được cải thiện, nhưng khả năng gây ảnh hưởng và giành chiến thắng trong các trận chiến vẫn còn hạn chế.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng khả năng chiến đấu của hải quân càng ngày càng dựa vào phần mềm và thiết bị điện tử trên tàu, bao gồm nhiều yếu tố như cảm biến, vũ khí, hệ thống tự động hóa chỉ huy, khả năng mạng, đặc tính tàng hình, đặc trưng kiểm soát thiệt hại, cự ly hành trình, tốc độ tối đa, độ tin cậy và khả năng bảo trì, vân vân.

Báo cáo tin rằng, năng lực tổng hợp của hải quân Trung Cộng vẫn chưa thể bắt kịp Hải quân Hoa Kỳ.

\"sức
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) trên biển Philippines với dày đặc các máy bay tác chiến ở trên boong tàu. Ảnh chụp vào ngày 27/5. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"Hàng
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng đã đến thăm Hồng Kông vào ngày 7/7/2017. Hàng không mẫu hạm của Trung Cộng chưa từng cho thế giới bên ngoài thấy cảnh trên boong đầy các máy bay tác chiến. (Ảnh: Richard A. Beooks/AFP/Getty Images)

So sánh hàng không mẫu hạm

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng là tàu Varyag chưa hoàn thiện của Liên Xô cũ, và hàng không mẫu hạm thứ hai “Sơn Đông” vẫn là một sản phẩm mô phỏng; trọng tải của các tàu thứ ba và thứ tư đang được đóng còn sẽ tăng lên, nhưng có thể vẫn không bỏ được mô hình nhái. Hàng không mẫu hạm thứ 5 ban đầu dự kiến ​​sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng do trục trặc kỹ thuật nên đã bị tạm dừng.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ hiện có 10 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi đợt triển khai trên biển có thể duy trì trong khoảng nửa năm. Tàu sân bay lớp Ford mới nhất đã có một chiếc thử nghiệm trên biển, một chiếc hạ thủy và một chiếc đang được đóng. Hàng không mẫu hạm của Trung Cộng chạy bằng dầu diesel và không thể thực sự được triển khai ở ngoài khơi.

1. Vấn đề động cơ

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh có tải trọng tối đa khoảng 60,000 tấn, có thể chứa 30 máy bay, trong đó có 20 đến 24 máy bay chiến đấu. Hàng không mẫu hạm Sơn Đông có tải trọng khoảng 70,000 tấn, tuyên bố có thể chứa 40 máy bay, trong đó có 30 đến 36 máy bay chiến đấu. Hàng không mẫu hạm 003 có tải trọng 80,000 tấn, được tuyên bố trang bị Hệ thống phóng máy bay điện từ, nhưng theo ước tính, rất khó để giải quyết vấn đề nguồn điện.

Các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, trọng tải tối đa 100,000 tấn, có thể chứa 85 đến 90 máy bay, trong đó có ít nhất 60 máy bay cánh cố định, gồm 48 đến 60 máy bay tiêm kích F/A-18 Hornet, chiến cơ tàng hình F- 35C đời mới nhất; 4 ~ 6 máy bay Boeing EA-18G; 4 ~ 6 máy bay Hawkeye E-2C/D; còn lại là các loại trực thăng chống tàu ngầm, tìm kiếm cứu nạn, trực thăng đặc nhiệm và máy bay vận tải.

Tàu sân bay lớp Nimitz của quân đội Hoa Kỳ được trang bị 4 máy phóng hơi nước, có thể phóng một máy bay chiến đấu mỗi 20 giây, lò phản ứng hạt nhân hỗ trợ một lượng lớn năng lượng cần thiết cho máy phóng hơi nước. Hàng không mẫu hạm chạy bằng dầu diesel của Trung Cộng không thể cung cấp một lượng lớn năng lượng, không cách nào trang bị máy phóng. Máy bay chỉ có thể cất cánh từ đường băng cong, trọng lượng của máy bay bị hạn chế, hiệu suất phóng cũng thấp.

Công nghệ năng lượng hạt nhân quyết định khả năng chiến đấu cơ bản của hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay lớp Ford mới nhất của quân đội Hoa Kỳ sử dụng nhiều công nghệ mới và thiết bị tự động hóa như máy phóng điện từ, thuyền viên đã giảm từ 3,500 xuống 2,600 người, cộng thêm nhân viên hàng không, tổng số người đã giảm từ hơn 5,000 người xuống còn hơn 4,000 người.

Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Cộng có tải trọng chỉ bằng khoảng 70% so với hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, số lượng máy bay không đến một nửa, mang theo khoảng 5,000 người với các trang thiết bị thông thường.

3. Máy bay tác chiến

Máy bay tác chiến là lực lượng chiến đấu nòng cốt của hàng không mẫu hạm, và Hoa Kỳ từ lâu đã nổi tiếng với tiêm kích F/A-18 Hornet. Máy bay tác chiến J-15 của Trung Cộng là bản mô phỏng Su-33 của Liên Xô cũ, do trọng lượng quá nặng, nó không thể cất cánh với đầy đủ nhiên liệu và bom, chỉ có thể cất cánh rồi sau đó tiếp nhiên liệu với các máy bay khác, hạn chế rất lớn phạm vi và khả năng tác chiến. J-15 không thực sự được sản xuất hàng loạt, Trung Cộng cũng không có lựa chọn nào khác.

Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ có đầy đủ các loại máy bay tác chiến. Hàng không mẫu hạm của Trung Cộng thiếu máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiêm kích, tạo ra thiếu sót trong phòng thủ, các máy bay phụ trợ khác cũng bị hạn chế, năng lực tổng hợp rõ ràng là không đủ.

Trung Cộng tạm thời chưa thể làm chủ công nghệ hạt nhân, cũng không có máy bay tác chiến phù hợp, hàng không mẫu hạm không cách nào đuổi kịp Hoa Kỳ Trong một khoảng thời gian dài.

\"sức
Tàu khu trục USS William P. Lawrence (DDG-110). (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"Tàu
Tàu khu trục 052D của Trung Cộng mô phỏng phần lớn Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images)
\"sức
Tàu khu trục 055 mới nhất của Trung Cộng là loại 052D quy mô lớn, tiếp tục mô phỏng Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images)

Hệ thống chiến đấu Aegis của quân đội Hoa Kỳ so với tàu khu trục của Trung Cộng

Hạm đội hộ tống hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ bao gồm ít nhất một Tàu tuần dương lớp Ticonderoga, hai đến ba Tàu khu trục lớp Arleigh Burke và hai đến ba tàu ngầm, tạo thành một hệ thống tấn công và phòng thủ hoàn chỉnh. Đội tàu hộ tống của Trung Cộng vẫn đang trong quá trình dò dẫm.

1. Hệ thống Chiến đấu Aegis so với Tàu khu trục 055

22 Tàu tuần dương lớp Ticonderoga và 69 Tàu khu trục lớp Arleigh Burke hiện đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ được trang bị Hệ thống chiến đấu Aegis, có thể kết hợp các loại vũ khí chống tàu ngầm, chống hạm, phòng không và chống hỏa tiễn của tàu lại để quản lý và tác chiến thống nhất.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga có tải trọng 9,800 tấn, được trang bị 122 ống phóng hỏa tiễn; Tàu khu trục lớp Arleigh Burke có tải trọng từ 8,315 đến 9,800 tấn, được trang bị 90 đến 96 ống phóng hỏa tiễn. Các tàu này đều mang hỏa tiễn hành trình Tomahawk, hỏa tiễn đất đối không tiêu chuẩn, hỏa tiễn đất đối không Sea Sparrow, hỏa tiễn dẫn đường chống tàu ngầm và hỏa tiễn chống hạm Harpoon. Tàu khu trục lớp Zumwalt mới nhất có tải trọng 15,995 tấn, hiện là tàu khu trục lớn nhất thế giới, đã lắp đặt nhiều thiết bị tự động hóa tiên tiến hơn và thủy thủ đoàn đã giảm đáng kể. Có ba chiếc đã được đóng.

Tàu khu trục 055 là loại mới nhất của Trung Cộng, với tải trọng ước tính khoảng 12,500 tấn, đã đóng 3 tàu. Nó có 112 ống phóng hỏa tiễn, có thể mang hỏa tiễn phòng không, chống hạm, tấn công mặt đất và ngư lôi chống tàu ngầm.

Tàu khu trục 055 tương đương với phiên bản phóng to của Tàu khu trục 052D, mô phỏng phần lớn Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ, điểm khác biệt lớn nhất là radar, hệ thống tác chiến và khả năng đánh chặn hỏa tiễn.

Radar trên tàu của Trung Cộng được cho là có thể so sánh với quân đội Hoa Kỳ, thực tế phạm vi phát hiện, độ nhạy và độ tin cậy của nó kém hơn rất nhiều; Trung Cộng cũng tuyên bố rằng hệ thống chiến đấu của nó có thể so sánh với Hệ thống chiến đấu Aegis của quân đội Hoa Kỳ, nhưng chưa cho thấy kết quả chứng minh, cả tấn công và phòng thủ đều là chìa khóa của các trận hải chiến.

Hệ thống chiến đấu Aegis của Hoa Kỳ đã nhiều lần thể hiện khả năng đánh chặn hỏa tiễn, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Dongfeng-26 và Dongfeng-21 của Trung Cộng.

Điểm yếu lớn nhất ở các tàu khu trục của Trung Cộng là thiếu khả năng đánh chặn hỏa tiễn. Hệ thống đánh chặn hỏa tiễn của Trung Cộng vẫn là nhập khẩu từ Nga và đang cố gắng sao chép; không có khả năng đánh chặn hỏa tiễn tầm trung và tầm xa thuần thục, chỉ có hỏa tiễn phòng không Hongqi bắt chước hỏa tiễn khung lăn RAM của quân đội Hoa Kỳ, và Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, có thể tiến hành đánh chặn tầm gần.

Một khuyết điểm lớn khác ở tàu khu trục của Trung Cộng là khả năng chống tàu ngầm. Bất kể là sonar chống tàu ngầm, hệ thống chiến đấu hay vũ khí chống tàu ngầm, Trung Cộng đều có một lỗ hổng rất lớn, hơn nữa không có kinh nghiệm tác chiến chống tàu ngầm, thậm chí không biết cách huấn luyện, căn bản không thể đáp trả các cuộc tấn công của tàu ngầm Hoa Kỳ. Các tàu khu trục của Trung Cộng có những thiếu sót lớn về khả năng chống hỏa tiễn và chống tàu ngầm, chúng rất khó tự bảo vệ bản thân, chứ chưa nói đến hộ tống hàng không mẫu hạm.

2. Các tàu khu trục khác

Mẫu trước của Tàu khu trục 055 là 052D, với 17 chiếc hiện đang phục vụ, đây hiện tại là tàu khu trục chủ lực của Trung Cộng. Tàu khu trục 052D có tải trọng 7,500 tấn, và được bố trí 64 ống phóng hỏa tiễn. Sau khi chiếc 055 được hoàn thiện, địa vị của chiếc 052D trở nên thấp hơn, tải trọng và khả năng tác chiến của nó không thể so sánh với Hệ thống chiến đấu Aegis của Hoa Kỳ.

Tàu khu trục 052 ban đầu được sản xuất thử nghiệm 2 chiếc với tải trọng 4,800 tấn; 052B được sản xuất thử nghiệm với 2 chiếc; 052C được đóng 6 tàu với 48 ống phóng hỏa tiễn thẳng đứng, chỉ có hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn chống hạm. Không có mẫu nào trong số này được sản xuất hàng loạt. Tàu khu trục của Trung Cộng bắt đầu với mẫu 051, đã từng sản xuất thử nghiệm một chiếc 051B và hai chiếc 051C nhưng không thành công. Sau khi Trung Cộng nhập khẩu 4 tàu khu trục hiện đại từ Nga, cũng đã thử mô phỏng nhưng không tiếp tục, cuối cùng bắt chước các tàu trong Hệ thống chiến đấu Aegis của quân đội Hoa Kỳ.

Các chiến hạm chủ lực cỡ vừa và lớn của Hải quân Trung Cộng, về số lượng hay chất lượng đều thua xa Hải quân Hoa Kỳ.

\"Tàu
Tàu ngầm hạt nhân mang hỏa tiễn đạn đạo lớp Ohio của Hải quân Hoa Kỳ có thể mang theo 24 hỏa tiễn Trident. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"sức
Tàu ngầm hạt nhân mang hỏa tiễn đạn đạo mẫu 094 của Trung Cộng có thể mang 12 hỏa tiễn Julang-2. Phần lưng đặc biệt cao gây ra tiếng ồn lớn, đồng thời nó cũng cho thấy hỏa tiễn Julang-2 có kích thước và chiều dài quá lớn. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images)

So sánh tàu ngầm

Các tàu ngầm của Hoa Kỳ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, Trung Cộng cũng đang nỗ lực phát triển và sản xuất các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng khoảng cách vẫn rất lớn.

1. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là lực lượng tấn công hạt nhân chủ chốt của Hoa Kỳ, mang hơn một nửa số đầu đạn hạt nhân mà Hoa Kỳ hiện có, và đã được đóng 18 tàu. Sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ chỉ giữ lại 14 tàu, 4 tàu còn lại được chuyển thành tàu ngầm tấn công. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio có tải trọng 18,750 tấn, mỗi tàu được trang bị 24 hỏa tiễn Trident II, mỗi hỏa tiễn có thể mang 8 đến 12 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn hơn 12,000 km; chúng được triển khai luân phiên trên khắp thế giới, bất cứ lúc nào cũng có thể phát động một cuộc phản công hạt nhân.

Trung Cộng có 7 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 2 tàu loại 094, 5 tàu loại 094A, và 1 tàu đang thử nghiệm. Trung Cộng không thể có được công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Nga, chỉ có thể sao chép và bắt chước khắp nơi, tải trọng của loại tàu mới nhất là hơn 10,000 tấn; nó được tuyên bố là mang hỏa tiễn Julang-2A cải tiến với tầm bắn tăng đến 10,500 km, hoặc mang hỏa tiễn Julang-3 với tầm bắn xa hơn. Mẫu trước đó được trang bị 12 hỏa tiễn Julang-2 với tầm bắn 7,200 km. Vũ khí hạt nhân của Trung Cộng phụ thuộc nhiều hơn vào hỏa tiễn đạn đạo trên đất liền.

Trung Cộng có số tàu ngầm hạt nhân chiến lược bằng một nửa Hoa Kỳ, nhưng tầm bắn của hỏa tiễn phóng từ tàu ngầm có hạn, nếu muốn uy hiếp Hoa Kỳ, thì cần phải đi qua Biển Đông tiến vào Thái Bình Dương. Vậy nên Biển Đông cũng là chiến trường của các chiến lược gia quân sự Trung Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ cần luôn luôn giám sát Biển Đông, độ ồn của tàu ngầm Trung Cộng không thể thoát khỏi lực lượng chống tàu ngầm của quân đội Hoa Kỳ.

\"Tàu
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"sức
Tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Hải quân Hoa Kỳ. Tất cả các loại tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"Tàu
Tàu ngầm tấn công lớp Kilo chạy bằng động cơ diesel được Trung Cộng mua từ Nga và tiến hành mô phỏng. Hầu hết các tàu ngầm tấn công của Trung Cộng đều chạy bằng động cơ diesel, chỉ có một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. (Ảnh: Goh Chai Hin/AFP/Getty Images)

2. Tàu ngầm tấn công

Hoa Kỳ có 19 Tàu ngầm tấn công lớp Virginia, có tải trọng 7,900-10,200 tấn, được trang bị 12 ống phóng hỏa tiễn và 4 ống phóng ngư lôi, có thể mang theo hỏa tiễn hành trình Tomahawk và hỏa tiễn chống hạm Harpoon, cũng như lực lượng tác chiến đặc biệt và thiết bị dưới nước không người lái. Ngoài ra còn có 28 Tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles đang hoạt động; 3 Tàu ngầm lớp Seawolf chạy êm nhất có thể mang tới 50 hỏa tiễn hành trình Tomahawk hoặc hỏa tiễn chống hạm Harpoon; 4 Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, mỗi tàu mang 154 hỏa tiễn hành trình Tomahawk, và có thể chở 66 lính đặc nhiệm.

Trung Cộng có 8 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mẫu 093, 093A và 093B/G, tải trọng khoảng 7,000 tấn; 3 chiếc mẫu 091 đời đầu, tải trọng khoảng 5,500 tấn.

Trung Cộng có nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel hơn, bao gồm 12 Tàu ngầm tấn công lớp Kilo tải trọng 3,076 tấn mua từ Nga, 12 tàu ngầm mẫu nhái 039A/B, và 13 tàu ngầm mẫu 039 (G) loại nhỏ, tải trọng 2,250 tấn. Các tàu ngầm này chủ yếu được sử dụng để phòng thủ gần bờ. Còn lại là các mẫu đời đầu 035B và 035G, tải trọng 2,114 tấn. Ngư lôi sao chép của Trung Cộng vẫn chưa được kiểm chứng qua thực chiến.

Hầu hết các tàu ngầm tấn công của Trung Cộng đều ồn ào, dễ bị phát hiện, khó tác chiến ở những vùng biển xa. Bất kể là tác chiến tàu ngầm hay tác chiến chống tàu ngầm, trang thiết bị và kinh nghiệm của Hải quân Trung Cộng không thể so sánh với Hải quân Hoa Kỳ.

\"sức
Tàu tấn công đổ bộ mẫu 075 mới nhất của Trung Cộng là bản nhái của Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

So sánh tàu tấn công đổ bộ

Quân đội Hoa Kỳ hiện có 2 Tàu tấn công đổ bộ lớp America và 7 Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp, tải trọng hơn 40,000 tấn, có khả năng vận chuyển gần 2,000 lính thủy đánh bộ, nó còn có thể mang theo tàu đổ bộ đệm khí, tàu đổ bộ cơ giới hóa, xe đổ bộ tấn công, xe tăng, lựu pháo và các phương tiện hỗ trợ khác. Tổ hợp tiêu chuẩn của các máy bay hoạt động trên hàng không mẫu hạm là 6 máy bay tiêm kích tàng hình F-35B và 24 máy bay trực thăng các loại. Tổ hợp tấn công là hơn 22 trực thăng cánh quạt nghiêng V-22 Osprey, có thể nhanh chóng triển khai thả quân trên không. Tổ hợp kiểm soát biển là 20 máy bay tiêm kích tàng hình F-35B và 6 máy bay trực thăng, tương đương hàng không mẫu hạm hạng nhẹ.

Tàu tấn công đổ bộ mẫu 075 của Trung Cộng có 1 chiếc mới được đưa vào hoạt động, với tải trọng ước tính là 40,000 tấn, là bản nhái của Tàu tấn công đổ bộ của quân đội Hoa Kỳ. Vì không có máy bay chiến đấu cất và hạ cánh tầm ngắn, chiếc 075 bị giới hạn trong việc đổ bộ. Trung Cộng cũng cố gắng bắt chước quân đội Hoa Kỳ sử dụng máy bay trực thăng để thả quân trên không, nhưng nhái máy bay trực thăng là thử thách rất khó.

Quân đội Hoa Kỳ còn có 11 Tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio với tải trọng 25,300 tấn; 8 Tàu đổ bộ lớp Whidbey Island đang hoạt động; và 4 Tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry.Trung Cộng có 5 Tàu vận tải đổ bộ mẫu 071 với tải trọng ước tính 25,000 tấn, các tàu này bắt chước Tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio của Hoa Kỳ; ngoài ra còn có 15 tàu đổ bộ mẫu 072A, 4 tàu đổ bộ mẫu 072II, 11 tàu đổ bộ mẫu 072III, tải trọng 4800 tấn, nhưng sức chứa hạn chế. Khả năng đổ bộ của Trung Cộng là không đủ, việc sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan vẫn là nói mồm.

\"Tàu
Chiếc Tàu tác chiến ven biển lớp Freedom đầu tiên (LCS-1, trái) và Tàu tác chiến ven biển lớp Independence (LCS-2, phải) đã tiến hành tập trận chung trên bờ biển Nam California vào ngày 2/5/2012. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
\"sức
Khinh hạm mẫu 054A của Trung Cộng bắt chước Khinh hạm lớp La Fayette của Pháp. (Ảnh: Tengku Bahar/AFP/Getty Images)

So sánh chiến hạm vừa và nhỏ

Quân đội Hoa Kỳ có 10 Tàu tác chiến ven biển lớp Freedom và 11 Tàu tác chiến ven biển lớp Independence, tập trung vào tác chiến phân tán và chiến đấu nhanh trong tương lai; các chiến hạm tàng hình cao tốc này có tải trọng hơn 3,000 tấn và tốc độ 47-50 hải lý/giờ (87-93 km/h); chúng có thiết bị tự động hóa cao; được trang bị hỏa tiễn phòng không, chống hạm, vân vân, còn có vũ khí laser năng lượng cao; có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa các nhiệm vụ chống tàu ngầm, thủy lôi, tác chiến đặc biệt, vân vân, thực hiện đa chức năng hóa.

Hải quân Trung Cộng có 30 Khinh hạm mẫu 054A với tải trọng 4,053 tấn, là bản nhái Khinh hạm lớp La Fayette của Pháp; và 2 Khinh hạm mẫu 054 có tải trọng 3,900 tấn. Các tàu cao tốc hỏa tiễn khác bao gồm 22 chiếc mẫu 056, 50 chiếc mẫu 056A, 22 chiếc mẫu 056 với tải trọng 1,440 tấn, 8 chiếc mẫu 053 các loại với tải trọng khoảng 2,000 tấn.

Các chiến hạm này của Trung Cộng chủ yếu là mang một số lượng hỏa tiễn chống hạm khác nhau cho các hoạt động phòng thủ ngoài khơi. Bản thân chúng hầu như không có khả năng phòng thủ, bao gồm hơn 80 tàu cao tốc hỏa tiễn cỡ nhỏ. Quân đội Hoa Kỳ cho biết số lượng tàu hải quân của Trung Cộng đã tăng lên, trong đó có nhiều chiến hạm cỡ vừa và nhỏ.

Tàu tác chiến ven biển của quân đội Hoa Kỳ có thể được sử dụng để phòng thủ ngoài khơi và các hoạt động ngoài khơi khác, chúng đã được triển khai nhiều lần cho các hoạt động tuần dương ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Tóm lược

Hải quân Hoa Kỳ là lực lượng chiến lược lớn nhất toàn cầu, có thể di chuyển tuyến phòng thủ về phía trước, ngăn chặn kẻ thù ở bên ngoài và đối phó với các cuộc xung đột quân sự trong khu vực bất cứ lúc nào. Hạm đội Hoa Kỳ có thể được hỗ trợ từ các căn cứ quân sự trên toàn cầu, tại các cảng của đồng minh hoặc thông qua một số lượng lớn các tàu tiếp tế, đảm bảo khả năng răn đe và tác chiến liên tục. Kinh nghiệm thực chiến và chủ đề huấn luyện của Hải quân Hoa Kỳ được nhiều quốc gia tham khảo và mô phỏng.

Hải quân Hoa Kỳ cũng có khoảng 3,900 máy bay các loại, tạo thành một hệ thống tình báo hàng không, cảnh báo sớm, kiểm soát, chỉ huy và tác chiến mạnh mẽ, với những lợi thế đáng kể.

Hải quân Trung Cộng đang cố gắng chuyển đổi từ hoạt động phòng thủ gần bờ sang tác chiến trên biển, nhưng chất lượng, hiệu suất và số lượng trang thiết bị vẫn không thể cạnh tranh với quân đội Hoa Kỳ, thậm chí rất khó để kiêm cả tấn công và phòng thủ cùng lúc. Năng lực chiến đấu của hải quân Trung Cộng thực sự khó mà lọt vào top 3 thế giới.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng, trong vòng từ năm đến mười lăm năm tới, nếu hai bên duy trì quỹ đạo phát triển như hiện nay, vị thế thống trị của Hoa Kỳ có thể sẽ dần phai nhạt; Hoa Kỳ vẫn có thể chiếm ưu thế ở hầu hết các khu vực, nhưng có thể sẽ phải chịu những tổn thất chưa từng có. Trong các trường hợp khẩn cấp tại một số khu vực, quân đội Trung Cộng có thể đạt được các mục tiêu hạn chế, nhưng sẽ không đánh bại được quân đội Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Xuân Hoàng phiên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment