Huy chương Thế Vận Hội riêng cho nữ võ sĩ tị nạn Iran

Huy chương Thế Vận Hội riêng cho nữ võ sĩ tị nạn Iran

July 29, 2021 

TOKYO, Nhật (NV) – Kimia Alizadeh, một vận động viên bị “gắn nhãn” với rất nhiều thứ tệ hại, nào là ma túy, “kẻ thù của đất nước,” rồi “người tị nạn,…” Cô là một vận động viên từng đoạt huy chương đồng môn Taekwondo ở Thế Vận Hội Rio 2016. Kỳ này, cô hụt mất huy chương tại Thế Vận Hội Tokyo 2020. Tuy nhiên, có một điều ngược lại đến với cô, theo báo điện tử DW của Đức.

Tên của nữ võ sĩ người Iran này, Kimia, được thêu ba màu xanh lá cây, trắng và đỏ trên thắt lưng đen, thấp thoáng dưới chiếc áo võ.

\"\"
Nữ vận động viên Kimia Alzadeh tại Thế Vận Hội Tokyo. (Hình: Maja Hitij/Getty Images)

Màu xanh tượng trưng cho đạo Hồi, màu trắng tượng trưng cho hòa bình và tình hữu nghị, còn màu đỏ biểu thị máu đổ vì chiến tranh. 

“Màu cờ” người tị nạn

Dù Kimia Alizadeh là người Iran, nhưng khi bước vào thi đấu ở Trung Tâm Makuhari, cách thủ đô Tokyo 50km, cô trở thành người không quốc tịch chiến đấu vì “màu cờ sắc áo” của Đội Thế Vận Hội Người Tị Nạn.

Tư cách đặc biệt, cũng như xuất thân của cô luôn thu hút mọi ánh mắt, dù là lúc cô tiến vào đường dẫn hay khi trận đấu bắt đầu. Nhưng với Kimia, chẳng có điều gì đáng chú ý hơn là chiến thắng.

Nhưng giống như ở Thế Vận Hội 2016 tại Rio de Janeiro, cô đã không gặp may mắn để đi tiếp vào bán kết. Lúc dó, Kimia giành được huy chương đồng, trở thành phụ nữ Iran đầu tiên đoạt huy chương Thế Vận Hội. Khoảnh khắc ý nghĩa cho cô và cho đất nước Iran.

Năm năm sau cô lại vuột mất cơ hội quay lại bục vinh quang nhận chiếc huy chương đồng. Võ sĩ đầy tham vọng Alizadeth đã thất bại, nhưng sau chặng đường đầy chông gai cô vẫn được coi như là người chiến thắng ở Thế Vận Hội 2020.

Rời bỏ quê hương vì không chịu khuất phục

Tháng Giêng, 2020, Alizadeh viết trên Instagram rằng cô không muốn sống ở Iran nữa và sẽ sang Châu Âu. Lý do được cô gái trẻ giải thích là vì không muốn trở thành một phần của “thói đạo đức giả, dối trá, bất công và xu nịnh” mà cô và “hàng triệu phụ nữ bị áp bức ở Iran” phải gánh chịu.

Alizadeh còn kể rằng “sau bức màn nhung” là những trò bóc lột trên thân xác các vận động viên Iran.

“Tôi phải mặc bất cứ thứ gì họ muốn và lặp lại tất cả những gì họ ra lệnh. Chúng tôi không là cái thá gì đối với họ, chỉ là một thứ công cụ không hơn không kém,” cô cho biết.

\"\"
Kimia Alzadeh (trái) trong một trận đấu Taekwondo tại Thế Vận Hội. (Hình: Maja Hitij/Getty Images)

Sau những dòng đăng trên Instagram, Alizadeh liên tục nhận được những lời đe dọa trên mạng xã hội.

Sau một thời gian ngắn dừng chân ở Hòa Lan, cô sang Nuremberg, miền Nam nước Đức, sống cùng chồng. Đầu năm nay, võ sĩ này được chính phủ Đức cấp quy chế tị nạn và được IOC gọi vào Đội Thế Vận Hội Người Tị nạn.

Từ khi cô đào thoát khỏi Iran, Liên Đoàn Taekwando nước này từ chối thừa nhận tư cách vận động viên của cô cho đất nước khác. Bên cạnh những khó khăn như khác biệt văn hóa, vật lộn với việc học ngôn ngữ mới, thương nhớ gia đình, Alizadeh cũng đang chống chọi với những vết thương khi cô vượt biên khỏi Iran.

Cô gái trẻ này phải trải qua nhiều cuộc giải phẫu nên không thể tham gia các giải đấu quốc tế kể từ năm 2018, cho tới khi cô được gọi vào trại tập luyện với đồng đội là những người tị nạn cách nay vài tuần.

“Những người chỉ trích cô không nhìn thấy chặng đường khó khăn của cô mà chỉ nhìn vào kết quả,” bà Helena Stanek, phát ngôn viên Liên Đoàn Taekwando Đức, nói. (KV)

Bài Liên Quan

Leave a Comment