Biển Đông: Có khả năng tàu chiến Anh ghé thăm Việt Nam?
22 phút trước
Một nhóm tàu chiến của Anh đang hiện diện ở châu Á và ghé thăm các vùng biển ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á từ hạ tuần tháng 7/2021, một số nhà quan sát an ninh khu vực bình luận với BBC về khả năng nhóm tàu này trên đường trở về có thể ghé thăm Việt Nam hay không.
Hôm thứ Hai, 02/8 từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore) và thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược IISS có trụ sở tại London, nói với BBC News Tiếng Việt:
\”Đây là nhóm tàu hải quân Anh – do tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabet dẫn đầu, trong lịch trình của nhóm tàu, họ đã tới Singapore và Nhật Bản, có thể trên đường ở Nhật Bản trở về, nếu có sự thoả thuận lúc đó, sẽ ghé Việt Nam.
\”Đấy là một khả năng, tuy đến nay chưa công bố một sự bàn thảo, hay thoả thuận nào cả.
\”Chuyến đi của nhóm tàu hải quân của Anh tới các vùng biển khu vực ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á là một việc quan trọng, khi đang mở ra một cột mốc trong việc Anh quốc quay trở lại để có một vai trò quyền lực như một thế lực toàn cầu như trước kia, chứ không chỉ là một cường quốc của châu Âu.
\”Thời điểm và giai đoạn hiện nay là lúc mà Anh quốc bắt đầu tái xây dựng lại vị thế chiến lược trên bình diện toàn cầu này của mình và đây là một việc làm đơn giản, nhưng có tính hoàn thiện chiến lược cho Anh quốc thời kỳ hậu Brexit, là bởi vì những can dự của Anh quốc ở châu Âu, ở Bắc Cực, ở quanh phía Canada, ở phía Nam Mỹ, ở phía khác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Đông đều đã là thường xuyên rồi, hiện nay chỉ còn khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, phía Tây Thái Bình Dương là khu vực mà Anh quốc chưa có nhiều hoạt động trong vòng 12 năm trở lại đây.
\”Do vậy bây giờ, Anh quốc bắt đầu có ưu tiên cho các hoạt động kể cả chính trị, cũng như quốc phòng tại khu vực, mà quốc phòng ở đây có nghĩa là hợp tác về an ninh, quốc phòng với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, mà cụ thể hoá là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, hợp tác từ lâu với Singapore và cả với Việt Nam được tăng cường gần đây nữa.
\”Do đó sự xuất hiện và hoạt động của nhóm tàu chiến của Anh tuy là một bước đi nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì từ hơn nửa thế kỷ nay, Anh quốc tham gia khối \’Five Eyes\’ do Mỹ đứng đầu, trong đó có Canada, Úc, New Zealand và Anh. Đây là một khối rất quan trọng, bao trùm khu vực này và hiện nay Anh quốc đang có sự can dự trực tiếp trên biển và trong quan hệ chính trị.
\”Đấy là một bước có ý nghĩa và tính chất cột mốc của Anh về chiến lược an ninh, quốc phòng và chính trị ở khu vực, trong sự bước trở lại ra bình diện toàn cầu trên tư cách một thế lực quốc tế, mà trong đó Anh cũng can dự vào một chiến lược chung của khối các cường quốc và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với tầm nhìn bao quát cả những khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, vươn ra cả Tây Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương v.v…
\”Nhân dịp này, tôi cũng muốn đề cập quan hệ đối tác Anh quốc – Việt Nam, đến nay hai nước đã xây dựng quan hệ ở cấp đối tác chiến lược và quan hệ này đã có hơn mười năm.
\”Tôi cho rằng cả phía Anh quốc và phía Việt Nam đang có một số bước chuẩn bị cụ thể để có thể tiến tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam hiện nay đã có quan hệ ở mức độ này với hai nước là Trung Quốc và Nga, cho nên có thể thấy không có sự ngăn cản nào để Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước khác ngoài hai nước kia, mà ví dụ là có thể có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Anh quốc.
\”Và theo quan sát của tôi, từ nay tới cuối năm, giữa Anh quốc và Việt Nam có thể tiến tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này.\”
Sẽ được hoan nghênh?
Cũng hôm 02/8, từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam đưa ra bình luận của mình:
\”Theo tôi, nếu trong hải trình bổ sung của mình, nhóm tàu chiến của Anh đi qua khu vực, khi trở về ghé thăm Việt Nam, thì đây sẽ là động thái được phía Việt Nam hoan nghênh.
\”Vì nếu xảy ra được sự kiện này, thì đây sẽ là một chuyến thăm, giao lưu về ngoại giao quân sự có ích cho sự trao đổi kinh nghiệm hợp tác với nhau để góp phần vào việc giữ gìn cho được hòa bình, an ninh khu vực, giúp tránh được những xung đột, thì đây là điều theo tôi Việt Nam rất hoan nghênh.
\”Hiện nay, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 còn đang phủ bóng lên nhiều nơi ở quốc tế, nhưng tại khu vực, nhất là ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy tham vọng biến Biển Đông thành bàn đạp để tranh giành quyền lực, ảnh hưởng, đối đầu với Hoa Kỳ và kể cả cạnh tranh với phương Tây.
\”Một cách thẳng thắn, Biển Đông vẫn là một địa bàn hết sức quan trọng với cường quốc này, bởi vì đó là con đường duy nhất để họ có thể vươn ra biển, vươn lên tranh giành địa vị siêu cường, kể cả từ bàn đạp này hướng ra Tây và Nam Thái Bình Dương, trong kịch bản tranh giành ảnh hưởng ở trong khu vực, rồi tiếp theo là trên thế giới. Theo tôi Biển Đông vẫn nằm trong quyết tâm của Trung Quôc để làm sao chiếm đoạt bằng được.
\”Trong nhận thức này, liên quan đến các quyền hợp pháp của mình và trong quá trình tự bảo vệ các quyền chủ quyền hơp pháp ấy ở vùng biển khu vực, Việt Nam rất hoan nghênh sự đồng tình giúp đỡ, đoàn kết của tất cả bạn bè, các quốc gia khác trong khu vực, cũng như trên thế giới, đặc biệt là các nước có sức mạnh, có thực lực về quân sự, quốc phòng, khoa học, công nghệ mà có thể giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam.
\”Việt Nam theo tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn những sự giúp đỡ, tương trợ đó, như những gì đã đang nhận được từ các bè bạn, cường quốc đó trong chống dịch Covid-19 vừa qua và hiện nay, còn trong tình hình Biển Đông, nếu tình hình căng thẳng xảy ra với những vi phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam trên Biển Đông, thì chắc chắn Việt Nam phải vừa nỗ lực đấu tranh ngăn cản, nhưng vừa không quên kêu gọi sự đồng tình, giúp đõ và đoàn kết của các nước bạn bè, đấy là một bài học qua lịch sử mà vẫn còn thời sự hiện nay và tới đây.
\”Và đối với quan hệ Việt – Anh, qua mấy chục năm quan hệ vừa qua, tôi nghĩ rằng cũng đã tới lúc và đã chín muồi về thời điểm để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược của nhau,\” Tiến sỹ Trần Công Trục nói với BBC hôm thứ Hai.