Mỹ giảm phòng thủ ở Trung Đông: Chiến thuật hay chiến lược?
Mỹ rút các hệ thống phòng thủ Patriot và THAAD khỏi Trung Đông
Theo CNN, từ đầu tháng 7, Mỹ đã bắt đầu rút các hệ thống phòng thủ của nước này khỏi Trung Đông, trong đó bao gồm cả Patriot và THAAD. Động thái của Lầu Năm Góc đã đặt Trung Đông vào một bối cảnh mới.
Tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố sẽ cắt giảm 8 hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot được triển khai ở Ả-rập Saudi, Jordan, Kuwait và Iraq. Hệ thống chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD cũng được lên kế hoạch rút khỏi Ả-rập Saudi.
Theo giới chức quân sự Mỹ, việc rút các hệ thống phòng thủ tên lửa cùng các khí tài quân sự khác và nhân viên quân sự khỏi Ả-rập Saudi và các quốc gia khác ở Trung Đông, nằm trong kế hoạch sắp xếp lại lực lượng để đối đầu với Nga và Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được biết là đã hoàn thành việc rà soát và đánh giá về các lực lượng quân đội Mỹ trên toàn cầu. Trong đánh giá, người đứng đầu Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc thực sự là thách thức với quân đội Mỹ.
Bộ phận đặc biệt nghiên cứu về Trung Quốc của Lầu Năm Góc đã hoàn thành công việc tổng hợp và đệ trình các khuyến nghị của mình. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ trong tương lai, bao gồm cả việc xem xét lại vị thế siêu cường quân sự.
Theo trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ John Kirby: “Những đánh giá này sẽ được phân loại, được sắp xếp theo quy trình và thủ tục, giúp các lãnh đạo bộ phận đóng góp tốt hơn vào nỗ lực chung của chính phủ nhằm giải quyết thách thứcTrung Quốc”.
Xuất phát từ đánh giá tổng thể của Lầu Năm Góc về các lực lượng quân sự của Mỹ trên toàn cầu, kế hoạch điều chỉnh lại lực lượng Mỹ tại Trung Đông đã được vạch ra và việc rút các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại vùng đất nóng đã được xúc tiến.
Tuy nhiên, “quyết định được đưa ra trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các quốc gia sở tại và với mục tiêu rõ ràng là duy trì khả năng đáp ứng các cam kết an ninh của chúng tôi”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jessica McNulty cho biết.
Để thực hiện được mục tiêu thì “Mỹ phải duy trì những khi tài có tính năng cao, trong khi Patriot kém hiệu quả trong việc phát hiện và đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp, nên phải thay thế”, theo bà McNulty.
Bà McNulty cho hay, một số hệ thống phòng thủ và khí tài quân sự rút ra khỏi Trung Đông sẽ được đưa về Mỹ để bảo trì và sửa chữa những chi tiết cần thiết, những khí tài còn lại sẽ được triển khai cho các khu vực khác, song không tiết lộ khu vực nào.
Cuối năm 2019, sau các vụ tấn công tàu chở dầu ở eo biển Hormuz, cũng như cuộc tập kích vào các cơ sở lọc dầu của Ả-rập Saudi, Lầu Năm Góc đã triển khai thêm 3.000 quân, các đơn vị tiêm kích cùng 2 khẩu đội Patriot và 1 hệ thống THAAD.
Động thái này không chỉ để đối phó với các vụ tấn công vào các tàu chở dầu và các cơ sở dầu, mà còn được xem là nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công quân sự Iran, khi Mỹ mặc định Iran đứng sau các sự kiện ở eo Hormuz, cháy ở Abqaig và Khurais.
Đầu năm 2020, Lầu Năm Góc cũng gửi các khẩu đội tên lửa Patriot tới Iraq để bảo vệ lực lượng Mỹ trước các cuộc không kích không xác định diễn sau vụ Mỹ sát hại tướng Qasem Soleimani và các mối đe dọa từ Iran sau sự kiện đó.
Với những động thái ấy, việc Mỹ trừng phạt kẻ “dám vuốt mặt Riyadh mà không nể mũi Washington” chỉ còn là thời gian, nhất là Tổng thống Donald Trump khi đó khẳng định Mỹ đã “xác định mục tiêu và nạp đạn”. Nhưng cuối cùng điều đó không xảy ra.
Nay Mỹ rút các hệ thống phòng thủ khỏi vùng đất nóng có thể được xem là dấu hiệu cho thấy “thùng thuốc súng Trung Đông” dường như đã hạ nhiệt, mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc khiến Mỹ tránh xa các cuộc chiến trong quá khứ ở Trung Đông.
Xung đột tại Trung Đông chưa thể là quá khứ với Mỹ |
Mỹ điều chỉnh chiến lược hay thay đổi chiến thuật?
Dựa trên thông tin được tiết lộ thì rõ ràng việc Mỹ cho rút các hệ thống phòng thủ tại Trung Đông là điều chỉnh chiến lược của Lầu Năm Góc để đối phó với thách thức từ Nga-Trung, song giới phân tích cho rằng đây chỉ là thay đổi chiến lược mà thôi.
Thùng thuốc súng Trung Đông chưa hạ nhiệt và việc rút các hệ thống phòng thủ của Mỹ càng tăng nhiệt cho thùng thuốc súng Trung Đông, mà nguyên nhân là nó khiến cả đồng minh và kẻ thù của Mỹ đều sẽ gia tăng công-thủ.
Với đồng minh của Mỹ thì việc mất chiếc ô phòng thủ của Mỹ có thể được xem như một sự giải thoát hơn là hụt hẫng. Bởi hệ thống phòng thủ Patriot được đưa tới vùng Vịnh nằm trong số các khí tài không có tính năng cao, như Lầu Năm Góc đánh giá.
Trong khi hệ thống THAAD có hiệu quả cao thì được bố trí rất ít tại Trung Đông vì sự đắt đỏ nên không thể lãng phí bởi việc trang bị miễn phí cho đồng minh. Như vậy, mục đích thực sự của việc rút Patriot và THAAD là kích thích việc mua bán vũ khí.
The Wall Sreets Journal nhận định, Mỹ cho rút các hệ thống phòng thủ khỏi vùng đất nóng sẽ buộc chính phủ các nước ở Trung Đông, bao gồm cả Israel, phải tăng cường mua sắm hệ thống phòng không cao cấp để thay thế. Mà chỉ và phải mua của Mỹ.
Trong giai đoạn đoạn 2016-2020, Trung Đông là thị trường vũ khí phát triển nhanh nhất, khi giá trị nhập khẩu tăng hơn 25% so với giai đoạn 2011-2016. Mức tăng lớn nhất đến từ Ả-rập Saudi (61%), Ai Cập (136%) và Qatar (361%).
Theo Số liệu của Viện Hòa bình Thụy Điển, vũ khí của Mỹ chiếm 37% thị trường thế giới, trong đó 47% Mỹ bán cho các nước Trung Đông. Ả Rập Saudi mua 24% tổng số vũ khí – khí tài quân sự xuất khẩu của Mỹ.
UAE là nước nhập khẩu vũ khí Mỹ lớn thứ hai thế giới. Những khách hàng lớn còn lại của các nhà buôn bán vũ khí Mỹ cũng hầu hết nằm ở khu vực Trung Cận Đông, như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iraq, Israel và Ai Cập.
Cực Đại tá Không quân Kuwait, Zafer Alajmi, cho rằng : “Mỹ đang chuyển từ dùng sức mạnh cứng sang sức mạnh mềm trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông”, Breaking Defense tường thuật.
Sự vắng mặt của các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại Trung Đông được cho là có thể mở ra cơ hội cho các công nghệ quốc phòng tiên tiến của Israel lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh quan hệ với giữa nước này với các nước Ả-rập tan băng gần đây.
Tuy nhiên, điều đó chỉ nằm trong nhận đinh chứ chưa thể nhận diện, nhất là trong bối cảnh kho vũ khí Mỹ luôn đầy ắp. Vì vậy, đưa Patriot, THAAD khỏi Trung Đông chỉ là kích hoạt cho việc đưa khí tài Mỹ trở lại vùng đất nóng, nhưng qua các thương vụ.
Để đối phó với Nga-Trung thì Mỹ phải thay đổi từ học thuyết |
Israel đã nổ phát pháo đầu tiên. Đầu tháng 7 Mỹ công bố kế hoạch rút vũ khí, cuối tháng 7 Israel đã mua vũ khí Mỹ, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/7 cho biết đã thông qua thương vụ mua bán vũ khí với Israel trong một thỏa thuận trị giá tới 3,4 tỷ USD.
Tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington duy trì cam kết “đối với an ninh của Israel, việc hỗ trợ Israel phát triển và duy trì năng lực tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu là vô cùng quan trọng đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Với Israel là như vậy, thì với các đồng minh khác “lắm tiền nhiều của” chắc chắn cũng quan quan trọng với lợi ích Mỹ không kém. Do vậy, cho rút các hệ thống phòng thủ chỉ là cách Washington sử dụng đòn bập bênh lợi ích với các đồng minh.
Còn để giải quyết các thách thức từ Nga và Trung Quốc thì Mỹ phải thay đổi từ học thuyết, chứ không chỉ là điều chỉnh chiến lược. Chính vì thế, việc giảm khí tài và nhân lực quân sự ở Trung Đông chỉ dừng lại ở tầm thay đổi chiến thuật mà thôi.
Ngọc Việt