Việt Nam: Quốc lộ A1 oằn lưng gánh dòng người chạy dịch về quê

Việt Nam: Quốc lộ A1 oằn lưng gánh dòng người chạy dịch về quê

  • Mai Hoa
  • Gửi bài từ Sài Gòn

1 tháng 8 2021

\"UGC\"/

Tôi đã đi trên quốc lộ 1A và đường Trường Sơn nhiều lần, từ khi con đường Trường Sơn còn chưa hoàn thiện, chỗ này cây cầu xây dở, chỗ kia vách núi mới cắt, phơi màu đất đỏ lói.

Mùa này trong năm, đường Trường Sơn đang đẹp vô cùng. Những cơn mưa tưới lành đất đai, bật mầm cho thảm rừng một màu xanh biếc.

Cùng với quốc lộ 1A, đường Trường Sơn là xương sống của đất nước Việt Nam vốn dài và hẹp giữa, như có nhạc sĩ từng ví von chính xác là chiếc đòn gánh, gánh nặng hai đầu đất nước.

Nhưng cả tuần nay, những tán rừng xanh ngắt không còn cuốn được mắt người trong hành trình.

Chiếc đòn gánh nhẫn nại oằn thêm vì hàng chục ngàn người nghèo bỏ lại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, chạy xe máy về quê trốn dịch.

Những đoàn người chở gần như hầu hết của nả quý giá, chở vợ con, người ruột thịt… lầm lũi đi suốt mấy ngày đêm, phơi mình trong mưa nắng. Mỏi mệt cũng không dám dừng, và không được dừng trong thị tứ, bởi địa phương nào cũng sợ đoàn người không kiểm soát mang theo bệnh dịch.

\"UGC\"/

Đêm đến, họ cố chạy xa khỏi vùng tập trung dân cư. Chỉ cần tìm được một chỗ đất bằng phẳng đặt được lưng, đoàn người ngã ra ngủ mê mệt để mờ sáng lại tiếp tục hành trình.

Trên quốc lộ không còn tiếng súng, chỉ còn tiếng nổ oành oành của động cơ xe máy, nhưng cảnh tượng hôm nay khiến tê liệt tâm can không khác gì cảnh những đại lộ kinh hoàng trong chiến tranh vài chục năm trước.

Họ là ai?

Là những người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắc Lắc, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An…

Họ là những tế bào sinh ra trong chiếc đòn gánh nghèo khó, quanh năm lụt bão, hoặc không có nghề nghiệp gì mưu sinh nơi quê nhà.

Họ phải rời quê đến những vùng đất trù phú kiếm sống, để có tiền về nuôi cha mẹ già, nuôi con đi học.

Họ là những sinh viên khao khát sẽ thay đổi cuộc đời bằng học hành. Họ làm công nhân, bán vé số, bán hàng rong, buôn bán nhỏ, thợ hồ, thợ sơn…

Họ sống ở đâu?

Họ sống trong những khu nhà trọ, tiện nghi tương ứng với túi tiền. Hầu hết là những căn phòng 12 m2-18 m2, một cửa sổ nhỏ, kiến trúc bất di bất dịch với chiếc gác xép làm nơi ngủ nghỉ, ở dưới có chiếc bếp nhỏ hoặc không.

Ở giữa là lối đi, cũng là nơi để xe máy, xe đẩy đi bán hàng, hàng hóa, phơi áo quần, khu sinh hoạt công cộng…

Giá những phòng trọ như vậy khoảng một triệu đồng đến hai triệu đồng. Để tiết kiệm tiền, họ thường thuê một căn ở chung nhiều người. Nghề nào, tỉnh nào lại có những khu trọ tập trung cho nghề ấy, tỉnh ấy.

Có những khu trọ chỉ cho phụ nữ thuê. Những người phụ nữ độc thân gánh trên vai trách nhiệm nuôi cha mẹ già, nuôi anh em bệnh tật, nuôi cháu, những người phụ nữ chồng làm thuê một nơi, vợ bánh rong một nẻo, họ nằm chung san sát trên nền nhà, đồ đạc chất gọn trong thùng carton.

\"Người
Chụp lại hình ảnh,Người Huế ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương đang phải chạy về quê bằng xe máy. Đụng đâu nghỉ đó để tránh dịch cho mình và cho người

Tài sản quý nhất của họ là con số gửi về gia đình hoặc dành dụm được hàng tháng.

Từ khi Sài Gòn trở dịch nặng, xây dựng đình trệ. Nhà máy không bảo đảm được \”ba tại chỗ\” phải đóng cửa.

Trường học học online. Chợ đóng. Quán đóng.

Hạn chế ra đường, cấm bán thức ăn mang về. Người lao động nghèo mất hết việc làm.

Tiền đâu sống ở Sài Gòn nữa? Tiền đâu trả nhà trọ, mua gạo, mua gas?

Không còn con đường nào khác. Phải về quê thôi.

Ở quê cũng không làm ra tiền, nhưng còn gia đình nương nhau.

Hồi trước, về quê để được vui.

Bây giờ, về quê để còn sống.

Chính quyền có thiếu tiền?

Hôm nay, trên hành trình sống còn, anh Xồng Bá Xò, quê ở miền núi Nghệ An đã chở bằng xe máy người vợ và đứa con mới sinh được 11 ngày, về quê.

Nhờ người dân chia sẻ trên mạng xã hội, khi đến Đà Nẵng vợ chồng anh Xò đã được một người dân mang xe hơi đến chở cả nhà về quê.

Khoảng gần 10 ngày trước, ở khắp cả nước, Ủy ban mặt trận tổ quốc tổ chức phong trào quyên góp gửi tặng bà con vùng dịch TP HCM.

Trang web của Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM, tính đến 17h00 ngày 17/7, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TP tiếp nhận tiền và hàng hơn 1.008 tỷ đồng, trong đó tiền mặt gần 779 tỷ đồng; hàng hóa và trang thiết bị trị giá hơn 229 tỷ đồng (con số này đến 31/7 chắc chắn phải cao hơn nhưng tôi không tìm được). Lương thực, thực phẩm cụ thể phải lên đến vài ngàn tấn.

Trích: \”Từ số tiền, hiện vật tiếp nhận được, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phân bổ gần 882 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt hơn 652,5 tỷ đồng và đã chuyển đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 số tiền 500 tỷ đồng; Hàng hóa, trang thiết bị trị giá hơn 229 tỷ đồng\”.

Cộng vào đó là số tiền và vật phẩm khổng lồ không thể tính xiết của hàng vạn, triệu người/tổ chức thiện nguyện cộng đồng mới sinh ra trong dịch của người dân.

Dân tự cứu nhau, dân Sài Gòn, dân cả nước và dân hải ngoại gửi về cứu trợ đồng bào.

\"Rau
Chụp lại hình ảnh,Rau cứu trợ đc chuyển tới cho công nhân nghèo sau khi nhà báo Đỗ Hùng kêu gọi

Tôi tin rằng số người nghèo cùng kiệt, mất khả năng mưu sinh trong vài tuần qua ở TP HCM không thể nào tiêu thụ hết lượng tiền, hàng cứu trợ nhiều đến mức đó.

Nếu được tính toán, lên kế hoạch từ trước, số tiền-hàng cứu trợ này dư đủ để trích một phần hỗ trợ người dân kiệt lực bám trụ lại thành phố.

Dư đủ để thuê xe, thuê tàu đưa dân về quê an toàn về thể chất và dịch tễ. Hệ thống tàu xe chở khách của hệ thống nhà nước đều đang nhàn rỗi, việc tổ chức cũng không hề khó.

Nhân dân, không phải nạn dân

Hôm nay, trong số đoàn người chạy loạn về quê đã có những người bệnh. Dư luận đa phần thương xót họ, nhưng cũng không ít người chỉ trích họ mang dịch về gây hại cho quê hương.

Thái độ của các địa phương hoàn toàn không thống nhất. Có nơi tổ chức được vài đoàn về, chưa biết mới khi nào mới đưa về tiếp, theo báo nhà nước.

Có nơi thẳng tay từ chối như Long An cấm đoàn 300 công nhân từ Đồng Nai về miền Tây cách đây vài ngày. Có nơi như Huế, trì hoãn mãi cho đến khi áp lực dư luận bùng nổ.

Chiều 31/07, Thủ tướng đã gửi công điện hỏa tốc, trong đó có mệnh lệnh:

\”Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/07/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).\”

Điều này không mâu thuẫn với nội dung công văn trước cũng của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh đón công dân về quê, giảm tải cho TP HCM.

Nó được hiểu là từ 01/8 sẽ chấm dứt cảnh đoàn dân chạy dịch trên quốc lộ bằng chân, bằng xe máy, bằng phương tiện tự túc. Sẽ không còn em bé 11 ngày tuổi nào được ôm trong lòng mẹ vượt hàng ngàn cây số trên xe máy nữa.

\"Sau
Chụp lại hình ảnh,Sau khi kêu gọi giúp đỡ, mọi người đã thuê xe hơi đưa vợ chồng anh Xồng Bá Xô và cháu bé 11 ngày tuổi về quê Nghệ An

Nhìn lại các nguồn lực đổ về TP HCM, khẳng định chính quyền không thiếu tiền hay vật lực.

Cái một số nơi chính quyền thiếu là sự đặt mình vào vị trí người dân. Là thực sự thực hành được \”Cho dân, do dân, vì dân\”.

Chúng ta hô khẩu hiệu mãi mà đôi lúc không hiểu nội dung của nó.

Từ 01/8, người dân các tỉnh sẽ phải được chính quyền đón về an toàn và chính thức bằng tàu, xe.

Là nhân dân thì sẽ phục hồi. Là nạn dân thì sẽ suy sụp.

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của bạn đọc Mai Hoa từ TP HCM.

(Tham khảo từ các trang: Tiền Phong, Mặt Trận, Báo Mới).

Bài Liên Quan

Leave a Comment