Hoa Kỳ sẽ xét thành tích nhân quyền để bán vũ khí

Hoa Kỳ sẽ xét thành tích nhân quyền để bán vũ khí

August 5, 2021

\"\"

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị đại tu chính sách xuất khẩu vũ khí để tăng cường nhấn mạnh đến nhân quyền, khác với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump ưu tiên các lợi ích kinh tế cho các nhà thầu quốc phòng của Mỹ, một bản tin độc quyền của hãng Reuters ngày 04 Tháng Tám cho biết.

Dẫn tin từ bốn quan chức cao cấp am hiểu sự việc, Reuters nói các công ty quốc phòng và các nhà hoạt động nhân quyền đang xem xét kỹ các chính sách như vậy để hiểu rõ quan điểm của chính quyền trong việc cân bằng lợi ích thương mại của các nhà xuất khẩu như Lockheed Martin Co và Raytheon Technologies so với cam kết thúc đẩy nhân quyền mà Hoa Kỳ đã tuyên bố.

Hai phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ giới thiệu tóm tắt với các nhân viên Quốc Hội về dự thảo chính sách Chuyển giao Vũ khí Thông thường (Conventional Arms Transfer – CAT) của chính quyền Biden vào thứ Sáu, dự kiến chính sách ​​sẽ được công bố chính thức vào Tháng Chín. Bộ Ngoại giao muốn việc bán vũ khí nên tham khảo ý kiến đóng góp từ bộ phận nhân quyền của bộ.

Ngoài ra, chi tiết về sự thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí vẫn chưa được hoàn thiện và đang được chuyển đến các cơ quan khác như Bộ Quốc phòng để xem xét. Bộ Quốc phòng có truyền thống ủng hộ việc đưa vũ khí vào tay các đồng minh để các lực lượng Mỹ có thể dựa vào họ nhiều hơn trong các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Một trợ lý quốc hội tham gia cuộc họp về vấn đề này cho biết ông dự kiến sự thay đổi chính sách sẽ có tác động lớn nhất đến việc bán các loại vũ khí nhỏ như súng trường tấn công và thiết bị giám sát – những thứ có thể được cảnh sát sử dụng chống lại người dân trong nước. Việc bán các hệ thống vũ khí lớn, chẳng hạn như hệ thống phòng không hoặc hải quân có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Một quan chức cao cấp trong chính phủ xác nhận, chính sách CAT mới đang được soạn thảo và “sẽ giúp chúng ta xây dựng và duy trì các đối tác chiến lược phản ánh tốt nhất hệ giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ”. Rachel Stohl, Phó chủ tịch Trung tâm Stimson ở Washington, cũng đồng ý như vậy: “Rất cần có một cách tiếp cận mới đối với việc bán vũ khí của Hoa Kỳ. Chúng ta phải tiến xa hơn việc coi bán vũ khí chỉ đơn thuần là một giao dịch thương mại”.

***

Chính sách được sửa đổi có thể ảnh hưởng đến việc bán vũ khí cho các quốc gia như Philippines, nơi các tổ chức nhân quyền kêu gọi điều tra việc cảnh sát sử dụng vũ lực sát thương trong các cuộc truy quét người dân mà họ nghi là người sử dụng ma túy.

Chính sách thay đổi cũng có thể ảnh hưởng đến việc bán vũ khí cho các quốc gia như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – những nước tham gia cuộc nội chiến ở Yemen, gây nhiều thương vong cho thường dân và tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất hiện nay.

Hoa Kỳ đang là nhà buôn vũ khí lớn nhất thế giới, bán hơn $100 tỷ vũ khí, dịch vụ và huấn luyện mỗi năm.

Cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ việc bán vũ khí như một cách tạo việc làm cho người dân Hoa Kỳ. Năm 2018 chính quyền Trump trong một phiên bản mới của chính sách CAT, đặt trọng tâm vào những lợi ích thương mại ngang với quan tâm về quyền con người trong việc quyết định có chấp thuận việc bán vũ khí hay không.

Các nhà sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ ủng hộ chính sách của ông Trump, theo đó các bộ trưởng trong nội các là người quyết định các giao dịch vũ khí lớn và cử các quan chức chính phủ hàng đầu đi quảng bá cho vũ khí của Hoa Kỳ tại các triển lãm hàng không và chợ vũ khí quốc tế.

Bản thân ông Trump trong các cuộc gặp và đối thoại với các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí, chẳng hạn ông đã thúc giục tiểu vương Kuwait thỏa thuận mua máy bay chiến đấu trị giá tới $10 tỷ. Ông đã gạt qua một bên ý kiến của Quốc Hội để phê chuẩn việc bán bom thông minh và các loại vũ khí khác cho Arab Saudi và UAE, bất chấp những lo ngại về cuộc chiến Yemen và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ The Washington Post.

Trump nói rằng Riyadh đã chi hàng tỷ đô la “để mua thiết bị quân sự của Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và nhiều nhà thầu quốc phòng lớn khác của Mỹ” và việc hủy bỏ các hợp đồng là “ngu ngốc”.

Dưới thời Tổng thống Obama trước đây, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với ý hướng giúp Việt Nam canh tân quân đội để đối phó hữu hiệu hơn với sự cưỡng bức của Trung Quốc. Nhưng với thành tích nhân quyền tồi tệ của nhà cầm quyền Hà Nội, Việt Nam sẽ khó mà tiếp cận được những hệ thống vũ khí tân tiến của Hoa Kỳ sau khi những sự thay đổi chính sách CAT của chính phủ Biden được Quốc Hội thông qua.

Theo SGN

Bài Liên Quan

Leave a Comment