Phòng trà Tự Do trước 1975 có gì hay?
- 31 tháng 7, 2021
Quảng cáo phòng trà Tự Do trên báo cũ
LTS: Sinh hoạt giải trí của Sài Gòn trước 1975 như thế nào? Trang Sạp báo miền Nam của SGN kỳ này xin gửi đến độc giả một phóng sự về phòng trà Tự Do của tác giả Quỳnh Như đăng trên tờ Kịch Ảnh số 421, ngày 3 Tháng Mười 1970…
Những đêm mưa, con đường Tự Do thật đẹp và thơ mộng. Từ đầu Quốc hội nhìn thẳng ra bến tầu, con đường Tự Do thẳng tắp và đèn rực rỡ như bầu trời sao sáng. Đứng ở một khoảng đường nào đó, chỗ La Pagode chẳng hạn, đưa ánh mắt nhìn lên, những mái nhà cao vút, im sững và lạnh lùng vô hạn. Thấp hơn một chút là hai hàng cây xanh xao, loang loáng nước in bóng xuống mặt đường, xao động vì cơn mưa còn đọng lại như một mặt sương mờ. Ôi, buồn biết sao kể xiết là một đêm mưa đường Tự Do với xe cộ nối đuôi nhau chạy dài, đỏ, xanh, vàng, tím của những cửa hàng bán rượu cho các anh lính đồng minh xa nhà. Trong cái diện tích đó, nhà hàng ca nhạc Tự Do đứng khiêm nhường ở một góc đường quẹo cũng trên đường Tự Do và mang cái tên của con đường chính: Tự Do chúng ta hãy vào đây nghe nhạc.
Vài nét về Tự Do
Màu xanh lân tinh làm vạt áo trắng của chúng ta xanh rờn rợn, những đốm xanh di chuyển thật ngộ và những chỗ ngồi bọc nệm êm ái.
Ở đây, đẹp nhất là ánh sáng và lạ nhất là sân khấu! Ánh sáng rực rỡ, màu mè choảng nhau làm hoa mắt. Và công trình chưng diện cho phòng trà này từ Expo’70 mang về. Cái không khí lai lai nửa Âu nửa Á. Với hai cái cột to chắn ngang giữa phòng gây cho tia mắt nhìn của ta có nhiều khó chịu. Nhưng đó là tiểu tiết.
Dàn nhạc rộng, dư giả chỗ cho nhạc sĩ lẫn ca sĩ mà sân khấu tân kỳ với một cây cầu gỗ bắc ngang đưa người ca sĩ lại gần với khán giả, gần nhưng cái gần gũi thiếu thân ái bởi vị trí quá cao của người ca sĩ, nhưng bù lại, vì cái quá cao đó mà người thưởng thức, ngoài việc nghe nhạc ra, họ còn có cái khoái được thưởng thức thêm một “bộ môn” nữa, cho đôi mắt mình làm việc cùng đôi tay, âu đó cũng là một lẽ công bình cho thị giác và thính giác, phải không các bạn đàn ông con trai ?
Phải nói cho ngay rằng từ ngày ca sĩ Bích Chiêu về nước và hoạt động cho phòng trà này trong một thời gian thì ông chủ phòng trà này mới có ý định sửa lại sân khấu để có chỗ cho Bích Chiêu phô diễn tài năng. Và Bích Chiêu thật hợp với sân khấu đó. Nàng đi lại, nhún nhẩy, nhẹ nhàng và thoải mái. Bây giờ, Bích Chiêu đã đi nhưng sân khấu vẫn còn. Đối với bây giờ thì cái sân khấu đó chiếm nhiều chỗ quá, cây cầu dài bắc ngang sông, gập ghềnh uẩn khúc. Ít có ai dám qua sông trừ một vài ca sĩ trẻ đẹp, trình diễn nhạc ngoại quốc với một cặp đùi dài tuyệt mỹ lồ lộ dưới chiếc váy ngắn tối đa. Một vài ca sĩ chuyên trình diễn nhạc Việt như Phương Hồng Hạnh, Giao Linh v.v… đã không dám bước ra chiếc cầu đó để gần khán giả, họ sợ sẽ choáng váng giữa cầu. Nhưng mấy lúc gần đây, những ca sĩ đó cũng đã thôi hát ở Tự Do. Lý do? Chỉ vì phòng trà này cứ ba tháng một lần lại thay đổi chương trình, cho nên sự ra đi và trở lại của những người ca sĩ, đối với phòng trà này là một sự thay đổi chu kỳ.
Hiện nay, trong chu kỳ này, Tự Do đang hoạt động với các ban nhạc trẻ, họ trình diễn nhạc ngoại quốc tuy nhiên ở giữa những bản nhạc kích động, các nữ ca sĩ vẫn xen kẽ vào những bài hát trữ tình Việt Nam. Và với khoảng thời gian nào cũng vậy, nhạc tiền chiến Việt Nam vẫn là một đòi hỏi cần thiết, và họ đã trình diễn những “Ngậm ngùi”, “Nỗi lòng” v.v… tuyệt hay.
Ba dàn nhạc nổi tiếng
Với ba ban nhạc lớn nổi tiếng như cồn. The Revolution gồm:
– Tuấn Ngọc (Bass)
– Đức Huy (Lead)
– Hiệp San (Drum)
– Huỳnh Hóa (Organ)
– Lê Đô (Xaxo)
Và ca sĩ Carol, Vi Vân, Ngọc Anh, Ngọc Hiếu, Linh Phương.
Với ban nhạc The Flowers gồm:
– Trí (Organ)
– Đông (Drum)
– Hải (Lead)
– Tuấn (Bass)
Và những ca sĩ Tuyết Loan, Tuyết Hương, Tuyết Dung, đó là ba cô Tuyết của The Apple three.
Sau cùng là ban The Blue Jets gồm:
– Robert (Organ)
– Albert (Lead)
– Philippe (Drum)
– Long (Bass)
Và tam ca trong gia đình Bích Chiêu như Anh Tú, Khánh Hà và Bé Thúy.
Với một lực lượng hùng hậu và nổi tiếng như thế, Tự Do đã phô trương được cái thế của mình. Đó là chưa kể phòng trà này hiện nay được cái lợi điểm là thể hiện giữa Trung tâm thành phố, tiện nghi cho tất cả mọi vấn đề, từ chỗ đậu xe, ăn uống và mua một gói thuốc lá nhỏ.
The Revolution
Vâng, đúng là họ đã làm một cuộc cách mạng như cái tên của họ đã chọn: The Revolution. Nhưng là một cuộc cách mạng lớn. Khai sinh từ ban nhạc trẻ “Bốn Trái Dâu” tức “The Strawberry Four” với bốn gương mặt bụ bẫm trẻ trung: Tùng Giang, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane. Họ đã rời nhau mỗi người một nẻo. Tùng Giang lập ban nhạc khác, Billy từ giã giới giang hồ để đi lập nghiệp ở một miền nào đó. Hai trái dâu còn lại chuẩn bị lập một thế đứng mới. Những người gia nhập với họ sau này là Hiệp San, Lê Đô và Huỳnh Hóa.
Và với The Revolution bây giờ, họ đã lớn, chững chạc hơn với những bộ veston đứng đắn xuất hiện mỗi đêm. Nhìn vào Tuấn Ngọc và Đức Huy, tôi bàng hoàng thấy họ không còn mang một dáng dấp nào của “Bốn Trái Dâu” ngày xưa nữa. Họ không còn mặc những chiếc áo rộng trẻ trung mầu vàng rám nắng của những quả cam mà tôi đọc trong truyện Đợi Chờ của Khái Hưng. Cũng không còn thấy những mái tóc bồng bềnh khói sóng năm xưa. Không còn thấy những nụ cười trẻ trung tuổi dại. Bây giờ, họ đóng khung trong y phục ngày lễ. Chững chạc hơn, ít nói cười và xử dụng nhạc khí trong một tư thế trang nghiêm trong giờ trình diễn. Ở Đức Huy và Tuấn Ngọc bây giờ là “các ông” bởi vì những trái dâu đó đã lớn, đã rụng xuống và bởi chồi rễ trong thân thể, những cây dâu khác vươn lên. Cách mạng! Tuấn Ngọc và Đức Huy không còn mang một dáng dấp nào của ngày “bốn trái dâu”. Đầu tóc có ngôi rẽ và chải gỡ hẳn hoi. Trong ngòi bút đang viết của tôi, tôi thấy hình như có một sự tiếc nuối và cả sự hài lòng về hai khuôn mặt đó.
Những nữ ca sĩ thì ban nhạc này: Ngọc Anh với bộ giò thật đẹp và gương mặt hao hao giống Khánh Ly vì nàng là em của Khánh Ly. Nhưng bây giờ Ngọc Anh đã có lối trang điểm khác, có lối chải đầu thay đổi và những bộ y phục thời trang, cho nên những nét giống Khánh Ly bị mờ đi và Ngọc Anh hát nhạc với lối Pháp thì hay hơn nhạc lời Anh. Điển hình, Ngọc Anh trình bày “Les Feuilles mortes” với lời mở đầu bản nhạc (Chapeau) thật rõ và xuất sắc.
Vi Vân, từ ngày rời “Ba Trái Táo” cô hát độc quyền cho nhà hàng này và chuyên hát nhạc Soul. Các anh lính đồng minh nghe nàng hát thì khoái lắm, cô có giọng mạnh, cao, nghe ngộp thở vì cái dáng bé nhỏ đó mà tiếng hát thì mênh mông, tưởng chừng Vi Vân bị bay bổng lên không gian.
Carol, hình như nàng là gái lai, không biết lai nước nào vì tôi chưa viết bài về nàng cho nên chưa rõ, nhưng hát nhạc Việt thì vững lắm và nhìn Carol trong đèn thì được. Đèn mầu giúp cho sắc đẹp của Carol nổi lên và đó là một gương mặt lạ của phòng trà. Lạ ở đây có nghĩa là cái vẻ huyền bí sâu thẳm của một miền đất nước nào đó chứ không phải nàng là một ca sĩ mới vào nghề. Carol hát đã lâu, thân thể cường tráng với bộ ngực đầy và đôi giò dẻo nhẹo như kẹo mạch nha. Nàng hát với môi, với mắt, với tay chân và cả thân hình nữa.
Với bản “Ngậm ngùi” Carol đã làm say mê một số đông khán giả thích nghe Huy Cận viết thơ trữ tình.
The Flowers với ba trái táo Tuyết Loan, Tuyết Dung, Tuyết Hương
Dù có Vi Vân hay không thì họ vẫn là “Ba trái Táo”, một Tuyết Loan thay thế Vi Vân, kỹ thuật hát chưa điêu luyện bằng nhưng Tuyết Dung và nhất là con chim đầu đàn Tuyết Hương giữ giọng chính trong phần trình diễn, “Ba trái Táo” vẫn là một ban hợp ca có dáng vóc gầy đẹp và lối diễn xuất nóng bỏng, nẩy lửa không kém gì một ban hợp ca ngoại quốc.
Trước kia, Ba trái Táo và The Flower cùng hoạt động ở Young Sound Club của Tùng Giang ở phòng trà CaFéteria (sic) rồi đến Mỹ Phụng. Sau nầy họ tách ra, làm ăn riêng rẽ. The Flower cùng “Ba trái Táo” về Tự Do và phần trình diễn của “Ba trái Táo” lúc nào cũng đi đôi với dàn nhạc Flower.
The Blue Jets với gia đình Bích Chiêu
Bích Chiêu đã đi xa nhưng vang âm của nàng vẫn còn ở lại, điều đó được chứng tỏ qua sự hiện diện mỗi đêm ở nhà hàng Tự Do. Các em của nàng: Khánh Hà, Anh Tú, Bé Thúy. Bây giờ Thúy đã lớn và người ta gọi cô là Thanh Thúy. Tam ca gia đình Bích Chiêu có lối hát lạ, giọng ngân vang huyền hoặc của Khánh Hà với đôi mắt thủy tinh, tiếng hát cao và điêu luyện của Bé Thúy với gương mặt non nớt trẻ con. Bé Thúy chưa biết trang điểm, và cũng chả cần trang điểm, Thúy chỉ nên để gương mặt dịu dàng như vậy, với mái tóc ngắn búp bê, nàng có cái dáng dấp đặc biệt ít người có ở cái thế giới phòng trà bây giờ. Và tuy còn nhỏ, Thúy hát như người lớn, mạnh, rõ ràng, cử chỉ mềm mại vì tấm thân thể mảnh mai yếu đuối. Anh Tú thì giống Bích Chiêu nhất trong các chị em. Bộ ba chị em đó hát với nhau thật hợp. Họ có những bộ y phục lạ mắt, Mode nhất mà có lẽ bà chị Bích Chiêu đã sưu tầm và gửi về từ bên trời Âu xa lạ, những bộ y phục đi trước thời trang đối với người Giao Chỉ đang sống trên quê hương Giao Chỉ.
Như thế là hết một đêm đến nghe nhạc cùng màn ảnh Slide muôn mầu. Đó là một thế giới ban đêm đáng đặt gót chân đến để nghe nhạc và nhìn trình diễn.
*****
(Huỳnh Minh Hiệp chép lại từ bộ sưu tập báo chí riêng)