Ủy viên Wessel viết: “Tốc độ rót vốn của các nhà đầu tư Mỹ vào Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên, làm suy yếu khả năng chống lại các mối đe dọa mà các chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra cho đất nước và các giá trị của chúng ta. Đã đến lúc áp đặt các biện pháp hạn chế toàn diện đối với dòng tiền và kiềm chế các hoạt động làm thuê của Phố Wall, giới đầu tư tư nhân và các tổ chức đầu tư khác”. (Ảnh: tổng hợp)
CNBC: Bây giờ là lúc \’đỉnh cao của sự vô trách nhiệm’ nếu còn đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc
Bình luậnLê Minh • 05/08/21
Người Mỹ kêu gọi các nhà đầu tư tỉnh táo trước cổ phiếu Trung Quốc vì cho rằng động thái đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc nằm trong chiến lược thôn tính, chính trị hóa để trị khu vực kinh tế béo bở này. Nhưng các học giả cũng tin rằng Bắc Kinh đang lấy đá ghè chân mình khi quay lưng với khu vực kinh tế tư nhân và làm các nhà đầu tư nước ngoài phải hoảng hốt.
Ông Jim Cramer, người dẫn chương trình rất nổi tiếng của CNBC hôm thứ Hai kêu gọi người xem tiếp tục thận trọng đối với cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, cho rằng có quá nhiều rủi ro về quy định để sở hữu cổ phiếu một cách thoải mái.
Vô trách nhiệm với tiền của mình nếu còn đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc
“Tôi không biết mình có thể diễn đạt đơn giản hơn bao nhiêu. Khi chính phủ của ĐCSTQ rõ ràng buộc các công ty hoạt động vì lợi nhuận chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, đó có lẽ không phải là nơi an toàn để đầu tư tiền của bạn” người dẫn chương trình “Mad Money” nói.
Mặc dù một số nhà đầu tư bắt đầu tin rằng cuộc đàn áp dữ dội, kéo dài nhiều tuần của Bắc Kinh đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân Trung Quốc, chẳng hạn như Didi Global gần đây, đang hạ nhiệt, Cramer cho biết ông không tin điều đó.
Đúng vậy, nếu nhìn vào chỉ đạo của ông Tập Cận Bình về việc phải siết chặt quản lý với khu vực kinh tế tư nhân từ hồi tháng 8/2020, cũng như mục tiêu đằng sau việc ráo riết phát hành tiền kỹ thuật số đồng thời với động thái chia nhỏ các tập đoàn công nghệ tài chính Alibaba, Tencent, quốc hữu hóa một phần các tập đoàn này, không một nhà kinh tế, đầu tư có óc phân tích độc lập nào có thể tin tưởng rằng các cuộc đàn áp khu vực kinh tế tư nhân của chính quyền Trung Quốc có thể kết thúc ở đây. Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng, việc đàn áp kinh tế tư nhân này nằm trong một chiến lược của ĐCSTQ đảm bảo rằng quyền lực với thông tin, dòng tiền 100% nằm trong tay của Bắc Kinh, chứ không phải của bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân nào.
Ông Cramer, người đã nhiều năm thận trọng với hầu hết các cổ phiếu Trung Quốc nhưng đã nói tích cực về Didi trước đợt IPO của gã khổng lồ gọi xe vào cuối tháng 6: “Đánh lừa tôi hai lần, xấu hổ là tôi”. Chỉ vài ngày sau, các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã công bố một loạt các hành động chống lại Didi liên quan đến các cáo buộc về dữ liệu và quyền riêng tư.
Các công ty công nghệ khác cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ trong những tuần gần đây, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của họ. Quỹ ETF KraneShares CSI internet Trung Quốc, được biết đến bởi tên giao dịch KWEB của nó, giảm xuống 22,65% trong tháng qua. Tuy nhiên, trong năm ngày qua, nó đã tăng 3,42%.
Ông Cramer nói: “Sau những gì họ đã gây ra với Didi Global và các công ty cung cấp dịch vụ giáo dục, tôi nghĩ rằng đó sẽ là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm nếu (chúng ta) cho chứng khoán Trung Quốc cơ hội thứ hai” ngay cả khi một số người ở Phố Wall [thân Trung Quốc] đang làm ấm tình hình trở lại, Cramer nói.
Ông nói thêm: “Trong suốt lịch sử, chúng ta đã thấy các chế độ độc tài thực hiện các hành động cứng rắn, sau đó họ để khói mù mịt lắng dần đi và tạo ra những tiếng động nhẹ nhàng du dương, tiếp tục thu hút nhiều kẻ dại khờ, những người mà họ có thể lừa gạt. Đó là nơi chúng ta đang ở bây giờ. Bạn có thể cố gắng loay hoay trong giai đoạn yên tĩnh này… nhưng bạn không bao giờ biết được khi nào chúng sẽ bắt đầu suy sụp trở lại\”.
Lấy đá ghè chân mình
Ông Ron Insana là cố vấn cấp cao tại Ngân hàng đầu tư Schroders, trong một bài phân tích đăng trên CNBC đã khẳng định việc Trung Quốc đàn áp các doanh nghiệp đe dọa vị thế siêu cường kinh tế của nó. Một hành động lấy đá ghè chân mình.
Ông Insan cảm thán, mỗi ngày trôi qua, Bắc Kinh đang đàn áp các doanh nghiệp, tàn phá thị trường của chính họ và cổ phần của các công ty Trung Quốc kinh doanh ở thị trường nước ngoài, như Mỹ.
Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho chính mô hình kinh doanh đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng cách bóp nghẹt các ưu đãi để có thêm lợi ích kinh tế, bịt miệng những nhà đổi mới kinh doanh thành công nhất của họ, hoặc trong một số trường hợp, giam giữ và bỏ tù họ, đồng thời thực hiện quyền kiểm soát của nhà nước đối với những gì đã từng là các thực thể độc lập.
Cuộc đàn áp này đối với Alibaba, Tencent và Ant Group, đồng thời loại bỏ tiềm năng lợi nhuận của các công ty giáo dục, có thể buộc một lượng lớn dòng tiền nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Nó cũng có thể phá hủy niềm tin của người tiêu dùng trong nước vào một mô hình đã đưa hàng chục triệu người thoát nghèo trong ít nhất 40 năm qua [như Bắc Kinh tuyên bố].
Với những hạn chế ngày càng gia tăng đối với tự do ngôn luận, nhân quyền, đầu tư vốn và tự do cá nhân, Trung Quốc đã nhanh chóng rời bỏ châm ngôn của Đặng Tiểu Bình rằng họ sử dụng loại hệ thống kinh tế nào cũng không quan trọng, miễn là hệ thống đó hoạt động.
Chính xác lời của Đặng: Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen; nếu nó có thể bắt chuột, đó là một con mèo tốt.
Các cải cách kinh tế của ông Đặng hiện đang có nguy cơ bị đảo ngược hoàn toàn và có thể gây ra những hậu quả trên diện rộng đối với nền kinh tế và thị trường của Bắc Kinh.
Những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đặt quyền lực và đảng phái lên trên lợi nhuận hoặc sự thịnh vượng trong tương lai là một đòn hiểm có khả năng giáng vào vị thế của một nền kinh tế tiên tiến của quốc gia này.
Các thị trường khác nhau của Trung Quốc là một trong những thị trường hoạt động kém nhất trong một thế giới nơi hầu hết các thị trường chứng khoán đều tăng hai con số.
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 1,8% tính đến ngày thứ Tư, trong khi cổ phiếu của China-H – tức là cổ phiếu của Trung Quốc đại lục giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, giảm 12,3%. Thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm 3,3% so với mức tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính.
Tạp chí “Foreign Affairs” gần đây đã tổng kết lại hàng loạt các hành vi chiến lược khó hiểu, tự hủy hoại tương lai Trung Quốc, từ việc thiếu kế hoạch cho người kế nhiệm ông Tập, một tình huống từng gây bất ổn trên chính trường Bắc Kinh sau cái chết của Mao, cho đến việc Trung Quốc dọa nạt hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thông qua các cuộc đàn áp mới nhất đối với các doanh nghiệp lớn.
Kết thúc bài phân tích, bình luận của mình, ông Insana cũng đồng quan điểm với nhà bình luận của CNBC, ông Cramer, khi thốt lên “Trung Quốc có thể không còn xứng đáng với đồng đô la đầu tư của bạn.”
Lê Minh