Bị ép dỡ thuế quan với Trung Quốc, chính quyền Biden phản ứng bất ngờ: Tín hiệu buồn cho Bắc Kinh!
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như phớt lờ một chiến dịch gây sức ép mới từ các nhóm doanh nghiệp, nhằm thúc giục Washington dỡ bỏ hàng rào thuế quan từ thời Tổng thống Donald Trump nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính quyền Biden phớt lờ kêu gọi dỡ thuế quan cho Trung Quốc
Phản hồi lá thư kêu gọi từ 30 tổ chức, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ không bình luận về tình trạng của thuế quan mà lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh chóng trong những tháng gần đây, bổ sung rằng chính quyền Biden vẫn đang đánh giá chính sách của mình với Trung Quốc.
“Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tỉ lệ nhanh nhất trong gần 40 năm qua và tạo ra thêm nhiều việc làm trong 6 tháng đầu tiên [của chính quyền Biden] hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử,” phát ngôn viên văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge trả lời SCMP.
Ông Hodge nói Mỹ đang tiến hành “cuộc đánh giá chiến lược, mạnh mẽ” về quan hệ kinh tế với Trung Quốc “nhằm tạo ra chính sách hữu hiệu mang lại kết quả cho công nhân, nông dân và doanh nghiệp Mỹ, để đưa họ vào vị thế mạnh mẽ hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”.
Lá thư kêu gọi và phản ứng của chính quyền Biden là tín hiệu mới nhất từ Washington về những xoay chuyển xung quanh chính sách Trung Quốc những năm gần đây. SCMP cho hay, lưỡng đảng Mỹ đã tìm thấy đồng thuận hiếm hoi trong việc nhìn nhận Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế và địa chính trị lớn đối với Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn Mỹ dường như dễ hứng những chỉ trích nếu bị coi là “đầu hàng” Bắc Kinh thay vì đặt lợi ích kinh tế của nước Mỹ lên trên hết.
Nick Iacovella, giám đốc truyền thông của tổ chức Liên minh vì nước Mỹ Thịnh vượng, ủng hộ các nhà sản xuất Mỹ, cho rằng lợi ích của các doanh nghiệp đứng sau lá thư kêu gọi trên “đang bị đe dọa bởi thuế quan bảo vệ công nhân và lĩnh vực công nghiệp Mỹ trước chiến tranh kinh tế của Trung Quốc”.
Ông Iacovella kêu gọi chính quyền Biden “thẳng thừng bỏ qua lá thư và tiếp tục nỗ lực để phục hồi các ngành công nghiệp quan trọng, tăng cường năng lực công nghiệp của Mỹ và tạo ra việc làm chất lượng cao cho người Mỹ”.
Bắc Kinh “tụt hậu” thực hiện cam kết trong thỏa thuận thương mại
Bức thư từ các nhóm công nghiệp Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất may mặc, dược phẩm và nhiều nhóm nông nghiệp, cho biết rằng Trung Quốc đã “đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quan trọng có lợi cho các doanh nghiệp, nông dân, chủ trang trại và công nhân Mỹ”.
“Chúng tôi thúc giục chính quyền [Biden] thu hút các ngành công nghiệp và các bên liên quan khác tham gia tham vấn cởi mở, minh bạch, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn và lịch trình để giải quyết các vấn đề kinh tế đang diễn ra với Trung Quốc, dẫn đến các cam kết được đàm phán nhiều hơn về các rào cản cơ cấu của Trung Quốc và loại bỏ hoàn toàn thuế quan,” lá thư nêu.
Theo số liệu tổng hợp bởi nhà nghiên cứu Chad Bown – thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục “tụt hậu” so với mục tiêu mua thêm hàng hóa của Mỹ – theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được ngày 15/1/2020, đổi lại việc dỡ bỏ một phần thuế quan.
“Sau 1.5 năm đã qua thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc mới chỉ mua hơn 60% số lượng hàng hóa cần thiết để đạt được cam kết trong mục tiêu 2 năm,” ông Bown viết trong báo cáo hồi tuần trước. “Quy mô thu mua [của Trung Quốc] hiện nay đang ở mức còn thiếu khoảng 100 tỷ USD so với mục tiêu.”
Các container tại cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 22/7/2021 (Ảnh: STR via AFP)
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 6/8 (giờ địa phương) tuyên bố Tổng thống Joe Biden không có vấn đề với biện pháp áp đặt thuế quan khi ông cho là cần thiết, nhưng bà bổ sung rằng Washington không nên hành động đơn độc.
“Tổng thống sẽ luôn tận dụng mọi phương tiện có trong ‘hộp công cụ’ của mình, bao gồm thuế quan, để chống lại những hành vi thương mại không công bằng làm tổn hại đến công nhân, doanh nghiệp và nông dân Mỹ.”
“Và ông nêu rõ suy nghĩ rằng chiến lược đi một mình sẽ thất bại. Chúng ta mạnh mẽ hơn khi làm việc cùng các đồng minh và hợp nhất GDP của thế giới,” bà Psaki nói, cho hay Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ thông tin hay lịch trình cụ thể nào về công việc đánh giá chính sách với Bắc Kinh, bao gồm thuế quan.
Nguồn Tin nóng