Covid: Sài Gòn – góc nhìn của một người ở lại
- Phạm Tường Vân
- Tác giả hiện sống tại Sài Gòn
5 giờ trước
Mấy tuần nay Facebook có nhiều chia rẽ, khiến cho tôi, một người nửa đời ở Hà Nội, nửa đời ở Sài Gòn, thấy cần phải chia sẻ đôi điều.
Hà Nội là nơi ông bà tôi tạo dựng cơ nghiệp, nơi bố mẹ, anh chị em ruột thịt và bạn bè thân thiết từ ấu thơ đều đang sinh sống, nên nếu bảo có một nơi để nhớ trong cảm xúc ngọt ngào dịu êm thì luôn là Hà Nội.
Nhưng khi Sài Gòn bắt đầu bùng dịch, dù bạn bè và người thân hối về Hà Nội, công việc thì vẫn làm online, vé máy bay thì có sẵn, tôi vẫn quyết định ở lại Sài Gòn
Tôi không thể bỏ lại Sài Gòn sau lưng được. Bởi chính ngày này 26 năm về trước, khi tôi hẫng hụt hoang mang rời khỏi một toà soạn báo ở Hà Nội, Sài Gòn đã chìa tay ra đón, mở đầu cho một đời sống công việc sôi động đầy thăng hoa. Tôi may mắn được trà dư tửu hậu cùng các trí thức tinh hoa Sài Gòn cũ và mới, vừa theo chân họ vào từng ngõ hẻm, tìm hiểu đời sống dân sinh. Bởi thực sự hoà mình vào dòng chảy đa sắc của Sài Gòn đương đại mà từ hai mươi năm trước, tôi đã được các tiền bối thân thương gọi là \”người Sài Gòn\”.
Đây cũng là nơi mà tôi có thể yên tâm sống một mình kể cả khi đau ốm. Cũng bởi duyên may năng lui tới phòng cấp cứu của ít nhất 5 bệnh viện lớn mà tôi được làm bạn với một số bác sĩ đầu ngành. Đấy là những người mà mỗi lần nghĩ đến là lòng tôi tràn ngập sự mến phục cùng niềm hãnh diện. Thầy thuốc giỏi ở Sài Gòn hầu như không được ăn cơm tối cùng gia đình. Họ miệt mài ở phòng mạch tới đêm khuya để khỏi phải sống bằng phong bì, người thì khám chữa miễn phí cho quân nhân và nhà tu hành. Người bạn bác sĩ thân thiết với gia đình tôi còn dành tiền lương nuôi bệnh nhân cơ khổ.
Nơi có những ngôi chợ dân sinh mà tôi dẫu có biến mất vài năm thì vẫn dư sức… mua chịu. Đó là chị tiểu thương cả ngày chú mục vào phản thịt heo nhưng hiểu về giáo dục, thà cho con đi nước ngoài học hè chứ nhất quyết không bỏ một đồng xin điểm. Đó là anh bán lá xông sẵn sàng lao tới nhà người bệnh châm cứu bấm huyệt miễn phí mà hỏi ra mới biết là bác sĩ đông y, trông hàng thay cụ thân sinh sau ca trực. Là vợ chồng chị bán cá khi biết tôi mua để phóng sinh thì trút nốt rổ còn lại xin góp công đức…
Nơi có những thầy cô dành hết thời gian nghỉ cuối tuần để dạy trẻ em đường phố hay trợ giúp cho trẻ sang chấn tâm lý.
Nơi có những nữ doanh nhân như đối tác của tôi sẵn sàng nhường suất tiêm vaccine đợt đầu cho nhân viên dù bản thân sắp lọt giữa khu phong toả. Có rich kid ưa mặc đồ bảo hộ hơn xách túi Birkin, sáng tới khuya bươn bả giữa các bệnh viện dã chiến để cung cấp hàng cứu trợ.
Nhiều người có định kiến người Sài Gòn ít tiết kiệm hơn người Hà Nội và trách họ không \”tích cốc phòng cơ\”. Nhưng đây là một nhận xét khá cảm tính. Số liệu từ Deloitte 2019-2020 cho thấy: Sài Gòn tuy luôn có GDP đầu người cao hơn Hà Nội (6.372 so với 5.000) nhưng người Sài Gòn dành gấp đôi tỷ trọng ngân sách chi tiêu cho phúc lợi và tiết kiệm (2% so với 1%). Họ cũng chi cho ăn uống ít hơn (40% so với 43%).
Không phải người Sài Gòn ai cũng giàu
Thật ra, ngoài tầng lớp \”nouveau riche\” (nhà giàu mới), trung lưu và giới cổ cồn trắng ra thì người sinh sống ở Sài Gòn còn lại đa số là buôn bán nhỏ và giới cần lao. Những người lao động vừa ráo mồ hôi là hết tiền. Dù thu nhập có thể cao hơn nhiều vùng miền nhưng đây cũng là nơi phí sinh hoạt ở mức đắt đỏ nhất nước. Và thói quen tiêu dùng của giới bình dân Sài Gòn thì thật cũng chẳng giống nơi nào trên trái đất.
Bạn có ngạc nhiên không nếu biết rằng trong các chợ lớn, chợ nhỏ, hẻm hóc đều có tiệm chạp phô – nơi bán từng bịch gạo, muỗng dầu ăn, chút nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt… chỉ đủ nấu một bữa? Bạn có thấy ở đâu mà người ta chọn mua các gói dầu tắm dầu gội cỡ nhỏ của dân du lịch thay vì sắm cả chai dùng dần cho tiết kiệm? Họ mua những món hàng cỡ nhỏ, được chia lẻ xài hết trong vài ngày thay vì mua sỉ vì nhiều khi không có đủ một khoản lớn hoặc nơi ở tạm bợ hành trang chỉ gói gọn trong một chiếc ba lô nên chẳng lấy đâu chỗ chứa. Nhưng nhờ vậy mà bà cụ chủ tiệm chạp phô mới có tiền chữa bệnh.
Họ tiêu vào quán xá bên ngoài vì nhà trọ chừng năm chục – trăm ngàn một đêm thì chỉ vừa chỗ ngủ, bắc bếp nấu mì có khi gây cháy nổ. Mà nhờ thế, con cái của người bán hủ tiếu gõ, xe bánh mì đầu hẻm đủ đóng học phí.
Họ gửi về quê ngoài Bắc, ngoài Trung để nuôi mẹ già, em nhỏ.
Họ dốc hầu bao vào các khoản cứu trợ lũ lụt miền Trung dẫu bị chê là \”nông nổi\”, góp mua áo lạnh, sữa, thuốc men cho vùng sâu vùng xa miền núi phía Bắc, góp quỹ vaccine (như báo đã đưa là có bà cụ bán vé số hào hiệp trút tất cả 500 ngàn dành dụm)…
Họ boa bà vé số, bé đánh giày, cô hớt tóc, người quét chợ, chị lao công gom rác khu chung cư… Họ từ chối nhận tiền thừa khi mua hàng rồi có khi lại đem phân phát hết cho con nít lang thang trên đường phố.
Họ có những nếp sống dễ thương của thị dân kiểu như phụ nữ ưa làm móng, xài nước hoa, tạo kiểu tóc, sắm đầm dạ hội mới để đi tiệc cưới. Ví dụ như cô lao công khu nhà tôi ở có lần khoe tôi đôi giày gót cao màu đỏ… Đàn ông thích quần jeans, áo thun và giày thể thao Âu Mỹ hơn đồ công sở nội địa, còn dân cổ cồn khi lên đồ công sở thì tóc và dầu thơm đi kèm cũng điệu ra trò. Thống kê cho thấy người Sài Gòn chi cho chăm sóc cá nhân và vệ sinh trong gia đình nhiều hơn hẳn Hà Nội (10% so với 6%).
Người Sài Gòn chi tiêu cho đời sống tinh thần và các sản phẩm giải trí cũng nhỉnh hơn người Hà Nội (9% so với 8%). Họ đi xem phim, coi kịch, coi ca nhạc và có một tình yêu bồng bột đến khó tin với các nghệ sĩ mà hơn trăm tỷ tiền cứu trợ nhảy ào vô tài khoản của ca sĩ Thuỷ Tiên là một minh chứng.
Họ còn có thói quen đáng yêu nữa của thị dân là ngồi cafe đọc báo. Mà nhờ mỗi chị tiểu thương, mỗi anh xích lô, xe ôm, mua một tờ nhật trình đọc xong úp vô mặt ngủ mà số lượng báo in phát hành ở Sài Gòn vài thập niên qua luôn vượt trội so với Hà Nội và các tỉnh thành còn lại. Cũng chính họ đem lại lượng phát hành đủ thuyết phục đưa đến doanh thu quảng cáo khủng cho các tờ Thanh Niên, Tuổi trẻ, Công An, Pháp luật TP.HCM, Saigon Tiếp Thị, An Ninh Thế giới… khiến nhiều anh chị em trong trong ngành truyền thông, quảng cáo đủ tài lực mua đất mua nhà, thậm chí làm giàu.
Thành phố gần 9 triệu dân và thêm khoảng 3 triệu người nhập cư là tròm trèm 12 triệu. 12 triệu ấy đem đến hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày. Và chính sự \”hoang phí\” đó thúc đẩy dòng chảy tiêu dùng, góp một nguồn không nhỏ vào ngân khố quốc gia mà mỗi chúng ta đều hưởng một phần lợi ích.
Tình cờ hôm nay cũng là ngày đánh dấu 67 năm Nam Tiến của cộng đồng người Bắc 54 – cuộc di cư trọng đại trong sử Việt. Cuộc thiên di góp phần mở ra hẳn một chương mới cho văn học nghệ thuật miền Nam với những tên tuổi lớn: Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhà thơ Cung Trầm Tưởng…
Người Sài Gòn đã chẳng ngại ngần cấp ngay căn cước văn hoá cho họ. Điều gì làm nên một \”căn cước văn hoá Sài Gòn\”? Tôi cho là tinh thần cởi mở, tôn trọng sự khác biệt, tiếp thu văn hóa của mọi vùng đất để làm giàu bản sắc cho chính mình. Nó cũng khiến tôi hơi băn khoăn khi vấp phải các cụm từ mà người bờ nam sông Bến Hải ám chỉ những đồng hương \”khó thương\” của tôi sau bê bối vaccine \”ông ngoại\”.
Cuộc tranh cãi vùng miền đó thật ra ẩn chứa bên trong là khác biệt lối sống và ý thức hệ, độ chênh về ý niệm tự do, bình đẳng xã hội cùng sự tôn trọng con người – những khác biệt mà hoà giải, hàn gắn không thể ngày một ngày hai bằng ý chí hay khẩu hiệu.
Nhưng mọi sự đúng sai hơn kém cũng sắp trở nên vô nghĩa khi con virus quái ác đang đẩy tất cả vào thảm kịch. Số ca tử vong mới nhất được công bố ở TP.HCM hôm qua là 213 và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh. 300 bác sĩ bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã tình nguyện Nam tiến lập bệnh viện dã chiến tại điểm nhiều thương vong nhất TP.HCM.
Cuộc chiến covid sẽ còn rất dài và gian nan. Thần Chết không phân biệt giai cấp, vùng miền. Thần Chết cũng chẳng chú ý tới ý thức hệ. Nếu kém may mắn, Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng sẽ không là ngoại lệ.
*Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của nhà báo, nhà biên kịch điện ảnh Phạm Tường Vân hiện sống ở TP HCM. (https://www.facebook.com/van.phamtuong)