Gắn kết quan hệ Nhật – Đài trong bối cảnh TQ gia tăng áp lực

Gắn kết quan hệ Nhật – Đài trong bối cảnh TQ gia tăng áp lực

\"Print
\"\"

Tác giả: Phan Văn Tìm

Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, Nhật Bản xem Đài Loan như một đối tác tin cậy ở khu vực và có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. Quan hệ Nhật – Đài đã có những bước đột phá dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Năm 2017, Nhật Bản chính thức đổi tên cơ quan đại diện của quốc gia này ở Đài Loan, từ Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản thành Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản – Đài Loan, nhằm thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ song phương.

Tiếp nối các di sản đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng hiện tại của Nhật Bản là Yoshihide Suga cũng tích cực ủng hộ và phát triển quan hệ với Đài Loan, thậm chí còn có phần mạnh mẽ hơn so với người tiền nhiệm. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan, quan hệ gắn kết Nhật – Đài mang đến nhiều thông điệp.

Nhật Bản tăng cường hợp tác với Đài Loan

Trên lĩnh vực ngoại giao, Nhật Bản đã dành cho Đài Loan sự ủng hộ mạnh mẽ. Tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan được nhắc tới trong tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 4/2021, lần đầu tiên kể từ tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước vào năm 1969. Động thái chưa từng có tiền lệ này nhấn mạnh vị thế chiến lược của Đài Loan trong khu vực, đồng thời cho thấy Nhật Bản đang dần điều chỉnh tư thế chiến lược truyền thống là không can dự trực tiếp vào quan hệ hai bờ eo biển và tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc sang một chính sách quyết đoán hơn. Theo đó, Nhật Bản đang xích lại gần hơn với Mỹ và tăng cường ủng hộ Đài Loan.

Nhật Bản còn ủng hộ việc mở rộng không gian quốc tế cho Đài Loan, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan (chủ yếu là các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương và vùng Caribe) chuyển sang công nhận chính sách “một Trung Quốc” và ngăn cản sự hiện diện của Đài Loan tại các tổ chức quốc tế. Nhật Bản thể hiện lập trường ủng hộ Đài Loan tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên. Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2020 lần đầu tiên khẳng định, Nhật Bản “nhất quán ủng hộ sự tham gia của Đài Loan với tư cách là quan sát viên của WHA”. Thủ tướng Suga tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước G7 vào tháng 6/2021 tuyên bố Nhật Bản ủng hộ Đài Loan tham dự WHA. Cũng trong tháng 6, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia ủng hộ Đài Loan tham gia WHA với tư cách quan sát viên vào năm 2022. Động thái “chưa từng có tiền lệ” này của phía Nhật Bản cho thấy Đài Loan nhận được sự ủng hộ từ cả hai nhánh lập pháp và hành pháp, chứng minh Đài Loan là một đối tác ngày càng quan trọng của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, một số quan chức Nhật Bản đã công khai gọi Đài Loan là “quốc gia”, trực tiếp “chọc giận” Trung Quốc – vốn xem Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của nước này. Vào tháng 6/2021, Thủ tướng Suga tại cuộc họp với Quốc hội và Thứ trưởng Quốc phòng Yasuhide Nakayama trong một sự kiện của Viện Hudson đã gọi Đài Loan là một “quốc gia”. Những tuyên bố cá nhân này, cho dù có gây tranh cãi, đều phản ánh tầm quan trọng của Đài Loan và cho thấy sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đài Loan.

Ở khía cạnh “ngoại giao vaccine”, Nhật Bản đã hỗ trợ kịp thời Đài Loan trong bối cảnh Đài Bắc đối mặt với làn sóng COVID-19 nặng nề từ giữa tháng 5/2021 và tình trạng thiếu hụt vaccine đang gây áp lực lên chính quyền bà Thái Anh Văn. Tính đến đầu tháng 8/2021, Nhật Bản đã viện trợ cho Đài Loan ba đợt với tổng cộng 3,34 triệu liều vaccine, và động thái này mang nhiều thông điệp chiến lược.

Trước hết, Đài Loan là một trong những ưu tiên trong chương trình viện trợ vaccine của Nhật Bản, phản ánh Nhật Bản là “một người bạn trong hoạn nạn” của Đài Loan. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh: “Viện trợ vaccine lần này dựa trên quan hệ đối tác và tình hữu nghị quan trọng của chúng tôi với Đài Loan”, và ông Motegi xem khoản viện trợ là hành động “có qua có lại” khi đề cập tới sự hỗ trợ mà Tokyo nhận được từ Đài Bắc sau khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất và sóng thần nghiêm trọng vào năm 2011, cũng như việc Đài Loan đã chuyển 2 triệu khẩu trang y tế cho Nhật Bản vào tháng 4/2020. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố việc viện trợ vaccine chứng tỏ quan hệ giữa Đài Loan và Nhật Bản là vững chắc.

Thứ hai, ngoại giao vaccine của Nhật Bản được triển khai tinh tế và bền bỉ. Nhằm tránh tình trạng bị chậm trễ trong việc vận chuyển vaccine do những yêu cầu của cơ chế COVAX, Nhật Bản đã gửi trực tiếp vaccine tới Đài Loan với ba đợt (một đợt vào tháng 6 và hai đợt vào tháng 7). Những lô vaccine của Nhật Bản đến Đài Loan kịp thời, góp phần giúp Đài Loan ứng phó với thách thức cấp bách, qua đó giúp Nhật Bản nhận được cảm tình của chính phủ và người dân Đài Loan, góp phần thắt chặt quan hệ Nhật – Đài.

Thứ ba, sự hỗ trợ kịp thời từ Nhật Bản cũng là một thắng lợi cho chính quyền Thái Anh Văn. Nguồn viện trợ của Nhật Bản không chỉ góp phần củng cố sự ủng hộ của người dân Đài Loan đối với chính phủ mà còn góp phần khẳng định Đài Loan đã thành công trong tầm nhìn dài hạn khi hỗ trợ các quốc gia khác trên tinh thần “cho đi là để nhận lại”. Đồng thời, sự hỗ trợ của Nhật Bản giúp Đài Loan đa dạng hóa nguồn cung vaccine, góp thêm vào quyết tâm của Đài Loan trong việc chứng minh bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Đài Loan đạt được các thỏa thuận nhận mua vaccine sẽ phản tác dụng.

Về vấn đề an ninh, trong bối cảnh cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực đang thay đổi nhanh chóng, và khả năng xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan đang gia tăng, Nhật Bản đã ủng hộ Đài Loan trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực, phản ánh Nhật Bản ngày càng quan ngại về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.

Theo quan điểm của một số quan chức cấp cao Nhật Bản, do vị trí địa lý gần gũi giữa Nhật Bản với Đài Loan, các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh Đài Loan có khả năng đe dọa an ninh của Nhật Bản. Nếu Trung Quốc tiến hành một chiến dịch quân sự để xâm lược Đài Loan thì khả năng cường quốc này tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa cũng cần được tính đến. Bắc Kinh đã tăng cường “chiến thuật vùng xám” (gray-zone tactics) như điều máy bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần như hàng ngày kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu báo cáo các hoạt động của không quân Trung Quốc xung quanh Đài Loan từ tháng 9/2020. Máy bay Trung Quốc đã triển khai 380 lần xâm nhập vào không phận của Đài Loan trong năm 2020. Vào tháng 6/2021, máy bay quân sự Trung Quốc đã triển khai đến 28 đợt xâm nhập, số lượng lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Nhiều quan chức ở Tokyo cũng thẳng thắn hơn khi nêu quan ngại về việc Đài Loan có thể rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc, và kịch bản này sẽ đe doạ an ninh của Nhật Bản. Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama đã kêu gọi các nước dân chủ cần “thức tỉnh” trước sức ép của Trung Quốc đối với Đài Loan và bảo vệ Đài Loan “như một quốc gia dân chủ”. Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2021, Nhật Bản lần đầu tiên đề cập đến “ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế”, và Nhật Bản cần “chú ý sát sao tình hình” với quan ngại về khả năng khủng hoảng khu vực. Điều này dường như gửi đi một thông điệp rằng nếu Trung Quốc “xâm lược” Đài Loan, Nhật Bản sẽ không phải là “kẻ bị động đứng ngoài cuộc”.

Sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đài Loan không chỉ giới hạn trong diễn ngôn chính trị mà còn đi kèm với các hoạt động thực tiễn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ để nhanh chóng ứng phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra ở eo biển Đài Loan. Tokyo cho biết sẽ nghiên cứu các phản ứng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trước các tình huống khác nhau liên quan đến tình hình an ninh xung quanh Đài Loan. Nhật Bản cũng đã phối hợp với Mỹ để lên kế hoạch về những trường hợp bất ngờ xảy ra ở eo biển Đài Loan. Theo Financial Times, Mỹ và Nhật Bản được cho là đã tiến hành các cuộc tập luyện bí mật vào tháng 7/2020 để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan.

Nhật Bản có thể làm gì để thắt chặt quan hệ Nhật – Đài?

Địa chính trị khu vực hiện đang thay đổi nhanh chóng với sự “trỗi dậy” mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng như tình trạng leo thang căng thẳng Mỹ – Trung. Trong khi đó, cán cân sức mạnh quân sự tổng thể trên eo biển Đài Loan đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và tác động lớn tới khả năng phòng vệ của Đài Loan. Trước bối cảnh đó, Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan, cả trên lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Về phương diện an ninh truyền thống, do Nhật Bản cam kết với chính sách “một Trung Quốc” nên hợp tác quốc phòng Nhật – Đài bị hạn chế. Nỗ lực hợp tác “trực tiếp” hơn giữa hai bên sẽ dẫn đến phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc. Vì thế, Nhật Bản cần phối hợp với Mỹ cũng như các quốc gia cùng chí hướng như Australia và Ấn Độ, những thành viên của “Bộ tứ” (Quad), cùng hợp tác chặt chẽ hơn với Đài Loan trong nỗ lực giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan.

Nhật Bản cũng cần tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin tình báo trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một cơ chế chia sẻ thông tin ba bên Mỹ – Nhật – Đài. Việc này giúp tăng cường lòng tin chiến lược giữa ba nền dân chủ, đồng thời giúp Đài Loan chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các động thái quân sự của Trung Quốc xung quanh eo biển Đài Loan.

Nhật Bản cũng nên thúc đẩy hợp tác với Đài Loan trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống vì khía cạnh hợp tác này giúp tăng cường tính liên kết giữa hai nền dân chủ tiên tiến tại Đông Bắc Á. Trong lĩnh vực y tế công cộng, Nhật Bản có thể xây dựng một nền tảng đối thoại song phương, trong đó cả hai bên có khả năng chia sẻ thông tin y tế hoặc kinh nghiệm trong việc ngăn chặn đại dịch. Đồng thời Nhật Bản cũng nên tiếp tục ủng hộ Đài Loan gia nhập WHA với tư cách quan sát viên. Là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản có thể giúp Đài Loan tiếp cận thông tin nội bộ từ WHO để chuẩn bị đầy đủ cho các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Bởi lẽ, trong một thế giới toàn cầu hoá thì an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới mà những tác động lan tỏa của nó có thể ảnh hưởng ra phạm vi khu vực và toàn cầu, trước hết là các quốc gia láng giềng.

Tokyo cũng có thể tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân với Đài Bắc. Bằng cách khuyến khích sinh viên Nhật Bản sang học tập tại Đài Loan, người dân Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống và địa vị quốc tế của Đài Loan. Với vai trò là các “đại sứ” văn hoá và giáo dục, sinh viên Nhật Bản có thể giúp thúc đẩy tính gắn kết giữa hai láng giềng trên phương diện con người với con người, qua đó tăng cường hiểu biết và tầm nhìn phát triển quan hệ của chính phủ Nhật Bản và Đài Loan.

Tóm lại, thúc đẩy hợp tác an ninh truyền thống và phi truyền thống với Đài Loan giúp Nhật Bản có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với Đài Loan ở nhiều lĩnh vực, xa hơn là giúp Nhật Bản phối hợp với Đài Loan (và Mỹ) dựng nên một bức tường dân chủ ở phía Tây Thái Bình Dương, qua đó củng cố các giá trị dân chủ, thượng tôn pháp luật, hợp tác bình đẳng và ứng phó kịp thời trước các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment