Lãnh đạo cộng đồng gốc Việt thúc chính quyền Biden tái thương thảo thoả thuận trục xuất di dân Chiến tranh Việt Nam

Lãnh đạo cộng đồng gốc Việt thúc chính quyền Biden tái thương thảo thoả thuận trục xuất di dân Chiến tranh Việt Nam

06/08/2021


\"Tổng
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris gặp mặt các lãnh đạo cộng đồng gốc Á, bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng hôm 5/8 để bàn về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng, gồm cả cải cách di trú.

Lãnh đạo gốc Việt của một tổ chức dân sự đại diện cho cộng đồng Đông Nam Á ở Mỹ vừa thúc giục Tổng thống Joe Biden hành động để ngăn chặn việc trục xuất di dân Đông Nam Á và tái thương thảo một thoả thuận giữa Washington và Hà Nội liên quan đến những di dân gốc Việt đối mặt với lệnh trục xuất.

Quyen Dinh, giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC), cùng các lãnh đạo cộng đồng đại diện cho người Mỹ gốc Á, người bản địa Hawaii và người dân đảo Thái Bình Dương (AANHPI) đã gặp mặt Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Nhà Trắng hôm 5/8 để thảo luận các chính sách và các vấn đề “có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng,” theo một thông cáo báo chí được SEARAC đưa ra cùng ngày. Nhiều vấn đề, từ quyền bầu cử cho tới cải cách di trú cho tới thù ghét người gốc Á, được thảo luận tại buổi gặp của các lãnh đạo cộng đồng với hai người đứng đầu chính phủ Mỹ.

Một tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra hôm 5/8 cũng cho biết Tổng thống và Phó tổng thống đã gặp mặt 13 lãnh đạo cộng đồng, gồm có bà Quyen, đại diện cho nhiều sắc dân gốc Á, bản địa Hawaii và các đảo Thái Bình Dương, tại Nhà Trắng để thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm Nghị sự của Chính quyền nhằm xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn.

Trong cuộc gặp này bà Quyen, sinh ra trong một gia đình tị nạn người Việt, đã nêu lên tình trạng trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á và sự cần thiết đối với Chính quyền Biden phải hành động để ngăn chặn việc đưa họ trở về nơi họ đã rời bỏ đi.

Theo thống kê của SEARAC, kể từ năm 1998, hơn 13.000 người Mỹ gốc Việt, Campuchia và Lào đã nhận lệnh trục xuất cuối cùng, bao gồm cả những cư dân hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ. Số lượng người Mỹ gốc Đông Nam Á bị giam giữ và trục xuất tăng cao dưới thời Chính quyền Tổng thống Donald Trump và một dự luật cải cách di trú, do 34 dân biểu của Đảng Dân chủ tài trợ, được đưa ra trước Quốc hội hồi cuối tháng 1 năm nay được kỳ vọng sẽ mở đường cho những người Mỹ gốc Đông Nam Á đã bị trục xuất có thể trở lại Mỹ hoặc đang trong quá trình chờ trục xuất có thể được ở lại Mỹ. SEARAC, tổ chức phi chính phủ ban đầu do những nhà hoạt động nhân đạo Mỹ thành lập năm 1979 để giúp giải quyết khủng hoảng di dân từ Đông Nam Á, là một trong 300 tổ chức ủng hộ và đang thúc đẩy cho dự luật này.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris, bà Quyen đặc biệt thúc đẩy cho việc tái thương thảo hiệp định hồi hương song phương được Hà Nội và Washington ký kết nhằm bảo vệ những di dân Việt Nam khỏi bị trục xuất.

“Đây là một vinh dự khi được cảm ơn Tổng thống Biden vì di sản của ông trong việc thông qua Đạo luật Người tị nạn 1980, trong đó cho phép gia đình tôi và cộng đồng người tị nạn của chúng tôi tìm được nơi trú ẩn an toàn ở Hoa Kỳ – và chia sẻ sự đau lòng của những người tị nạn đó đang đối mặt với lệnh trục xuất cuối cùng vì những tội lỗi mà họ mắc phải thời niên thiếu trong hoàn cảnh nghèo đói nhiều thập kỷ trước,” bà Quyen nói và bày tỏ sự đánh giá cao đối với mức độ gắn kết và quan tâm của Chính quyền Biden đối với các cộng đồng gốc Á trong vấn đề này.

Một bản ghi nhớ được chính phủ Việt Nam và Mỹ ký kết năm 2008 cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ không trục xuất những di dân người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – ngày hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã tái thương thảo với Việt Nam và một bản ghi nhớ mới đã được ký kết hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó cho phép trục xuất những người tị nạn Việt tới Mỹ trước năm 1995. Số lượng người Việt Nam bị trục xuất nhiều nhất dưới thời Tổng thống Trump, với tổng cộng 284 người bị trả lại nơi họ ra đi trong 3 năm kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Hồi tháng 3 năm nay, 33 người tị nạn Việt Nam đã bị trục xuất dù đang trong thời gian 100 ngày thực hiện lệnh tạm ngưng giam giữ và trục xuất di dân của chính quyền Biden. Hàng chục thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc trục xuất này.

Trong cuộc gặp với các lãnh đạo cộng đồng hôm 5/8, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris nhắc lại lời hứa của họ sẽ cùng hợp tác để đảm bảo các nhu cầu của cộng đồng người Mỹ gốc Á, người bản địa Hawaii và người dân đảo Thái Bình Dương “được lắng nghe, cải thiện và đáp ứng.” Hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường nền dân chủ và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment