Nga-Mỹ bắt tay bóp nghẹt “giấc mơ Trung Hoa”: Vòi bành trướng của Trung Quốc sẽ bị chặt đứt?
NGA-MỸ SẼ HỢP TÁC Ở BẮC CỰC?
Phó Đô đốc Andrew “Woody” Lewis – chỉ huy Hạm đội 2 của Mỹ mới đây đưa ra ý tưởng đề nghị Nga hợp tác ở Bắc Cực, dường như nhằm mục đích dập tắt giấc mơ thống trị khu vực băng giá của Trung Quốc với tư cách mà Bắc Kinh gọi là “quốc gia cận Bắc Cực”.
Theo ông Lewis, việc vun đắp quan hệ đối tác và tăng cường hiện diện ở Bắc Cực đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khu vực này không trở thành không gian tranh chấp
Phát biểu tại một triển lãm gần đây của Liên đoàn Hải quân Mỹ, chỉ huy Hạm đội 2 cho biết, Bắc Cực là một khu vực hợp tác, “nhưng nó sẽ chỉ là một khu vực hợp tác đúng nghĩa nếu chúng ta tiếp tục xây dựng các mối quan hệ ở đó, thậm chí với người Nga”.
Ông Lewis nói thêm rằng, các bên phải phối hợp với nhau do môi trường ở Bắc Cực có tính thách thức rất lớn và đang có nhiều sự thay đổi.
“Nếu chúng tôi không hiện diện ở đó, và không tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác đó thì Bắc Cực sẽ là một không gian tranh chấp” – Ông Lewis nhấn mạnh.
Quan chức hàng đầu của Hải quân Mỹ cho rằng việc Mỹ không duy trì sự hiện diện ở Bắc Cực sẽ “nhường không gian nơi này cho người Nga hoặc bên nào đó khác”. Ông cũng cảnh báo rằng Bắc Cực có thể trở thành không gian nổ ra xung đột.
“Đấu trường” Bắc Cực tăng nhiệt khi Mỹ-Nga-Trung ra sức cạnh tranh. Ảnh minh họa: SCMP
Theo nhà phân tích Akshay Narang, nhận định của ông Lewis về việc môi trường ở Bắc Cực đang thay đổi, và việc thiếu quan hệ đối tác có thể khiến Bắc Cực trở thành “không gian tranh chấp” là một dẫn chứng cho thấy Mỹ đang lo ngại về hoạt động gia tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng chỉ huy Hạm đội 2 đã cảnh báo về việc Mỹ thiếu hợp tác với Nga ở Bắc Cực có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc lấn lướt.
Cần lưu ý rằng, Trung Quốc không gần về địa lý hay có mối liên hệ hàng hải nào với Bắc Cực. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn tự gọi mình là “quốc gia cận Bắc Cực” và tuyên bố quyền đặc biệt đối với khu vực này.
Trong bối cảnh băng ở Bắc Cực đang tan dần, mở đường cho hoạt động vận tải và thương mại, Bắc Kinh muốn nhân cơ hội này xây dựng “Con đường tơ lụa” trên biển ở Bắc Cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại của họ sang châu Âu, cũng như các khu vực khác trên thế giới.
Tầm nhìn Bắc Cực của Trung Quốc đang chống lại lợi ích của Mỹ và Nga trong khu vực. Trong khi đó, đây là hai quốc gia hùng mạnh và muốn duy trì vị thế của mình ở Bắc Cực, mở đường cho các hoạt động thăm dò và vận chuyển.
Không có bất kỳ phần lãnh thổ nào ở Bắc Cực nên Trung Quốc đang mượn danh nghĩa “nghiên cứu khoa học” để đường đường chính chính có mặt ở vùng đất đang “nóng lên” này. Ảnh: Defense News
“BÓP NGHẸT” GIẤC MƠ TRUNG HOA
Hải quân Mỹ đã nhận thấy rõ ràng rằng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và ổn định ở Bắc Cực như thế nào. Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Hải quân Mỹ đã đưa ra chiến lược “Blue Arctic”, trong đó dự đoán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động hải quân của nước này tại Bắc Cực.
Báo cáo của Hải quân Mỹ nêu rõ, sự hòa bình và thịnh vượng ở Bắc Cực đòi hỏi sự hiện diện và quan hệ đối tác của hải quân Mỹ phải được tăng cường.
Hải quân Mỹ cũng lưu ý rằng Nga đang mở lại các căn cứ cũ và tổ chức một số cuộc tập trận ở Bắc Cực. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Narang, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ dường như nhận thấy rằng hoạt động của Nga ở Bắc Cực chủ yếu nhằm mục đích chống lại Trung Quốc.
Một cuộc tập trận của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: TASS
Ngoài ra, các hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực có vẻ không nhằm đưa ra tuyên bố độc chiếm nào đối với khu vực băng giá này, mà chỉ nhằm khẳng định vị thế đứng đầu của 8 quốc gia ở Bắc Cực, trong đó có cả Mỹ.
Do đó, họ đang có quan điểm cho rằng nếu muốn duy trì và ổn định ở Bắc Cực thì không thể loại trừ hoàn toàn mối quan hệ hợp tác với Nga.
Nhìn chung, khi nói đến khu vực Bắc Cực hiện nay, cả Moscow và Washington đều chỉ có một điều phải lo lắng – sự bành trướng của Trung Quốc.
Xét cho cùng, Trung Quốc hiện là thế lực bên ngoài duy nhất ở Bắc Cực, trong khi Nga, Mỹ và các quốc gia Bắc Cực khác đã cùng tồn tại ở khu vực này nhiều thế kỷ qua mà không có bất cứ xung đột lớn nào.
Vì thế, theo nhà phân tích Narang, phát ngôn của chỉ huy Hạm đội 2 có thể xem như thông điệp gửi tới Tổng thống Biden, một thông điệp rất rõ ràng: Hãy ngừng chống lại Nga, thay vào đó hãy bắt tay Nga “bóp nghẹt” giấc mơ Bắc Cực của Trung Quốc.
Nguồn Tin nóng