Giá dầu thế giới giảm sâu nhất trong 9 tháng qua, lo ngại cung vượt cầu

\"Giá

Logo của OPEC được chụp tại trụ sở OPEC vào đêm trước cuộc họp lần thứ 171 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Vienna, vào ngày 29 tháng 11 năm 2016. (JOE KLAMAR/AFP/Getty Images)

Giá dầu thế giới giảm sâu nhất trong 9 tháng qua, lo ngại cung vượt cầu

 Bình luậnChi Anh  • 08/08/21

Ngày 8/8/2021, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sau khi có các số liệu kinh tế không mấy lạc quan từ Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC cho biết sản lượng dầu thô có thể cao hơn dự kiến đã làm dấy lên lo ngại về lượng cung ứng quá mức so với nhu cầu tiêu thụ.

Giá dầu Brent đã giảm hơn 6% – ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng qua và dầu WTI giảm gần 7% – tuần giảm sâu nhất trong 9 tháng. Cụ thể, dầu WTI mất 44 cent xuống 67,84 USD/thùng, dầu Brent mất 21 cent xuống 70,49 USD/thùng.

Các nhà phân tích đều cho rằng, biến thể Delta thực sự bắt đầu cho thấy sức ảnh hưởng và tâm lý ngại rủi ro tiếp tục xuất hiện trên nhiều trên thị trường, không chỉ với mặt hàng dầu mỏ. Theo Reuters, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ hiện đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua.

Công ty dầu mỏ Baker Hughes (Mỹ) ngày 7/8 cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần này đã tăng thêm 2 giàn lên 387 giàn. Tuy nhiên, số liệu này không phản ánh sự gia tăng về nhu cầu bởi trong thời gian gần đây, số giàn khoan mở chậm hẳn so với kế hoạch. 

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát gần đây, sự tăng trưởng hoạt động của các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ và có định hướng xuất khẩu ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 7 do sức mua lần đầu tiên giảm sau hơn một năm.

Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Trung Quốc đang dẫn đầu sự phục hồi kinh tế ở châu Á,  vì vậy nếu sự suy giảm này kéo dài và trầm trọng hơn thì triển vọng kinh tế toàn cầu cũng sẽ suy giảm đáng kể”.

Hoạt động sản xuất của Mỹ cũng có dấu hiệu chậm lại. Theo số liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM), tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong hai tháng liên tiếp do chi tiêu dành cho mua sắm hàng hóa giảm đáng kể (trong khi chi tiêu dành cho dịch vụ tăng lên) và tình trạng thiếu nguyên liệu thô vẫn chưa được cải thiện.

Bên cạnh đó, chỉ số hoạt động nhà máy ở Mỹ trong tháng 7 đã giảm xuống còn 59,5 (từ mức 60,6 vào tháng 6), và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.

Một yếu tố khác cũng tạo sức ép lên giá dầu là kết quả từ cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Mới đây, Mỹ và Anh cho hay, họ tin rằng Iran đã thực hiện vụ tấn công ngày 29/7 nhắm vào một tàu chở dầu của Israel, khiến một người Anh và một người Romania thiệt mạng. Hai nước này tuyên bố sẽ làm việc với các đồng minh để có các hành động đáp trả.

Trong nước, ngày 8/8/2021, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 20.498 đồng/lít, xăng RON95 21.681 đồng/lít, dầu diesel 16.375 đồng/lít, dầu hỏa 15.398 đồng/lít, dầu mazut 15.522 đồng/kg.

Chi Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment