Nhìn lại cuộc chiến 20 năm của Mỹ ở Afghanistan
3 giờ trước
Sau 20 năm chiến tranh, các lực lượng nước ngoài đang rút khỏi Afghanistan sau khi Hoa Kỳ đạt thỏa thuận với các tay súng Taliban, lực lượng mà Mỹ đã hất cẳng hồi năm 2001.
Cuộc xung đột đã giết chết hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người phải ly tán.
Taliban nay cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành căn cứ cho những kẻ khủng bố đe dọa phương Tây.
Nhưng giới cựu lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của nước này đã nhanh chóng chiếm được thêm nhiều vùng lãnh thổ trong những tuần gần đây từ tay quân đội Afghanistan, những người nay đang bị bỏ lại một mình và phải bảo vệ cho một chính phủ mong manh.
Ông Joe Biden, tổng thống Hoa Kỳ thứ tư chịu trách nhiệm giám sát cuộc chiến nay đã trở thành cuộc chiến dài nhất từ trước tới nay của Hoa Kỳ, ngốn tới hàng trăm tỷ đôla, đã đưa ra một thời điểm đầy tính biểu tượng là ngày 11/9/2021 để rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Vì sao Hoa Kỳ tham chiến tại Afghanistan và vì sao cuộc chiến kéo dài tới vậy?
Năm 2001, Hoa Kỳ ra phản ứng sau loạt các vụ tấn công 11/9 tại New York và Washington, sự kiện khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Các quan chức Mỹ xác định rằng nhóm tay súng Hồi giáo cực đoan al-Qaeda với thủ lĩnh Osama bin Laden là nhóm chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công này.
Bin Laden khi đó đang ở tại Afghanistan dưới sự bảo hộ của Taliban, nhóm Hồi giáo cực đoan vốn đã nắm quyền tại đây kể từ 1996.
Khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden, Hoa Kỳ đã can thiệp quân sự, nhanh chóng loại bỏ Taliban, cam kết ủng hộ dân chủ và tiễu trừ mối đe dọa khủng bố.
Các tay súng Taliban bị đẩy lùi nhưng sau đó tái nhóm.
Các đồng minh Nato đã tham gia cùng Hoa Kỳ, và một tân chính phủ Afghanistan lên nắm quyền vào năm 2004, nhưng các cuộc tấn công chết người của Taliban vẫn tiếp diễn.
Việc tăng quân của Tổng thống Barack Obama hồi 2009 đã giúp đẩy lùi Taliban, nhưng tình thế không duy trì được lâu.
Năm 2014, vào thời điểm kết thúc năm đẫm máu nhất kể từ 2001, các lực lượng quốc tế của Nato chấm dứt hoạt động giao tranh và trao lại việc đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan.
Điều này khiến cho Taliban có đà tiến lên, và họ đã chiếm được thêm lãnh thổ.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ và Taliban được khởi động, trong đó chính phủ Afghanistan gần như không tham gia, và thỏa thuận rút quân đã đạt được vào tháng 2/2020 tại Qatar
20 năm ở Afghanistan: Cái giá của chiến tranh cho các bên
Thỏa thuận Hoa Kỳ – Taliban không làm chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Thay vào đó, họ chuyển mục tiêu tấn công vào các lực lượng an ninh Afghanistan, dân thường, và các mục tiêu cần ám sát. Những vùng đất do họ kiểm soát ngày càng rộng lớn thêm.
Taliban là thế nào?
Lực lượng này nổi lên khi Afghanistan bùng nổ nội chiến sau khi Liên Xô rút quân hồi năm 1989, chủ yếu kiểm soát vùng tây nam và các vùng giáp biên với Pakistan.
Họ cam kết chiến đấu chống tham nhũng và cải thiện an ninh, nhưng cũng áp dụng hình thức luật Hồi giáo Sharia cực kỳ hà khắc.
Đến 1998, họ đã nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ đất nước.
Họ diễn giải luật Hồi giáo Sharia theo cách riêng và đưa ra những biện pháp trừng phạt tàn bạo. Đàn ông buộc phải để râu còn phụ nữ phải che kín mặt bằng khăn choàng burka. TV, âm nhạc và điện ảnh đều bị cấm.
Sau khi bị lật đổ, họ đã tái nhóm tại các vùng giáp biên với Pakistan.
Với lực lượng có đến 85 ngàn chiến binh, vào lúc này họ được cho là mạnh hơn bao giờ hết kể từ 2001 đến nay.
Phí tổn chiến tranh
Tổn thất nhân mạng không phải là điều dễ dàng nói một cách chính xác.
Số thương vong của liên quân được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng hơn nhiều so với các tổn thất của Taliban và dân thường Afghanistan.
Nghiên cứu do Đại học Brown tiến hành ước tính các lực lượng an ninh Afghanistan tổn thất 69.000 người.
Nghiên cứu này đưa ra con số 51.000 dân thường và 51.000 tay súng Taliban thiệt mạng.
Hơn 3.500 lính liên quân thiệt mạng kể từ 2001, trong đó hai phần ba là lính Mỹ. Hơn 20.000 lính Mỹ bị thương.
Theo Liên Hiệp Quốc, Afghanistan có số lượng dân chúng bị ly tán cao thứ ba trên thế giới.
Kể từ 2012, chừng 5 triệu người đã phải bỏ chạy và không thể trở về nhà. Họ hoặc bị ly tán trong lãnh thổ Afghanistan, hoặc chạy sang tị nạn ở các quốc gia láng giềng.
Nghiên cứu của Đại học Brown cũng đưa ra mức phí tổn về tiền bạc của Hoa Kỳ cho cuộc xung đột, bao gồm các khoản chi cho quân sự và tái thiết ở cả Afghanistan và Pakistan, là 978 tỷ đô la tính đến 2020.
Điều gì có thể sẽ xảy ra?
Câu hỏi hiển nhiên là liệu Taliban có nắm quyền kiểm soát đất nước trở lại hay không?
Tổng thống Biden đã tỏ ý tin tưởng rằng các tay súng sẽ không lật đổ chính phủ tại Kabul.
Nhưng một đánh giá của tình báo Hoa Kỳ hồi tháng Sáu kết luận rằng chính phủ có thể sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi quân đội nước ngoài rút lui.
Tính đến đầu tháng Tám, Taliban đã kiểm soát được khoảng một nửa đất nước, theo nghiên cứu của BBC và các tổ chức khác.
Chính phủ Afghanistan không thừa nhận một số tuyên bố về vùng lãnh thổ đã chiếm được mà Taliban đưa ra. Cuộc giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở một số thành phố then chốt, và một số nơi hiện đã rơi vào tay Taliban.
Hoa Kỳ nói sẽ giữ lại từ 650 cho tới 1.000 lính để bảo vệ Đại sứ quán Hoa Kỳ, sân bay Kabul và các địa điểm quan trọng khác của chính phủ.
Taliban nói bất kỳ binh lính nước ngoài nào còn ở lại sẽ đều có thể trở thành mục tiêu tấn công.
Có một nỗi sợ hãi lớn khác nữa, là nước này lại một lần nữa trở thành nơi đào tạo khủng bố.
Các quan chức Taliban nói rằng họ sẽ hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận và sẽ ngăn chặn bất kỳ nhóm nào sử dụng đất Afghanistan làm căn cứ tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh.
Họ nói họ chỉ nhằm có một \”chính phủ Hồi giáo\” và sẽ không tạo nên bất kỳ đe dọa nào cho bất kỳ quốc gia nào.
Nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng Taliban và al-Qaeda là không thể chia tách, với việc các chiến binh al-Qaeda nay trà trộn dày đặc trong hàng ngũ Talban và tham gia vào hoạt động huấn luyện.
Điều quan trọng cũng cần phải nhớ, đó là Taliban không phải là một lực lượng tập quyền, thống nhất.
Một số lãnh đạo có thể muốn làm yên lòng phương Tây bằng cách không khuấy rối tình hình, nhưng những người theo đường lối cứng rắn có thể sẽ ngần ngại trong việc cắt bỏ mối liên hệ với al-Qaeda.
Việc al-Qaeda hùng mạnh tới mức nào và liệu tổ chức này có thể để tái xây dựng mạng lưới toàn cầu của mình hay không là điều vẫn chưa rõ ràng.
Tiếp đến là chuyện có chi nhánh trong khu vực của nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) – nhóm ISKP (tỉnh Khorasan) – là nhóm đối đầu với Taliban.
Cũng giống như al-Qaeda, ISKP đã bị Hoa Kỳ và Nato đánh cho suy sụp, nhưng họ có thể tận dụng thời gian hậu rút quân để tái nhóm.
Số lượng các chiến binh của nhóm này có thể chỉ khoảng từ vài trăm cho tới 2.000 người, nhưng họ có thể tìm cách chiếm các cứ điểm tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và những phần tại Tajikistan, và đây sẽ trở thành mối quan ngại nghiêm trọng cho khu vực.