Việt Nam: Vụ phá án nuôi nhốt 17 con hổ ở Nghệ An để lộ các vấn đề gì?
4 giờ trước
Lãnh đạo công an tỉnh Nghệ An nói 8 con hổ chết là \”ngoài ý muốn\” trong khi giới chuyên gia nói thiếu \”giải pháp tổng thể\”.
Đại tá Nguyễn Đức Hải – phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An được Tuổi Trẻ dẫn lời nói vào ngày 9/8 \”Việc nuôi hổ trái phép là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng. Đây là chuyên án bắt giữ hổ nuôi trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở Nghệ An\”.
\”Trong quá trình điều tra chuyên án đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Công an mời lực lượng chuyên môn về động vật hoang dã cùng tham gia hỗ trợ. Việc hổ chết là ngoài ý muốn của lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ”.
Bài báo mô tả việc tìm một nơi chăm sóc, bảo tồn, nuôi dưỡng hổ hiện “hết sức khó khăn” và rằng UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này tuy nhiên “thời điểm này vẫn chưa tìm được”.QUẢNG CÁOhttps://67b74130ca411606c6cdef77f67178f6.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Thực trạng này cũng được ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt vào ngày 9/8.
BBC: Ông có thấy ngạc nhiên với số lượng hổ 17 con được phát hiện trong vụ này?
Đáng chú ý là có ba vụ bắt giữ, đầu tiên là 7 hổ con rồi đến 17 hổ lớn và sau đó là tê tê diễn ra liên tiếp thì đây phải nói là nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Khu vực xảy ra việc phát hiện hổ nuôi nhốt cũng là khu vực có lời đồn khá lâu rồi và có nhất nhiều lần khi các cơ quan chức năng đến đấy thì đều bị người dân họ kéo ra với số lượng rất đông và có cả sự phản đối.
Các phóng viên cũng tới đây điều tra rồi và gặp khó khăn.
Có thể nói đây là địa bàn khá nhạy cảm và phức tạp để tiến hành bắt giữ. Tức là không loại trừ khả năng có việc nuôi nhốt nhiều và có tổ chức. Và trong quá khứ cho thấy đã có sự bàn bạc ở các thôn để gây khó khăn cho việc bắt giữ.
Số lượng hổ mới thu bắt được có thể không phải chỉ là mức đó mà thôi và có thể chưa điều tra hết được tất cả. Tức là có thể đã biết được các thông tin đấy nhưng mà có lẽ là để quyết định bắt thì cũng có cả một quá trình người ta đánh giá đủ các vấn đề gì mà quyết định bắt giữ.
Đây là vấn đề có từ lâu và là bài toán cho các cơ quan nhà nước. Thế nhưng bài toán đặt ra là sẽ giải quyết việc hậu bắt giữ ra sao, đưa chúng về đâu, nuôi tại đâu, ai chăm sóc, ai trả tiền….và đó là vấn đề trước đây Việt Nam đã vướng phải và bây giờ vẫn tiếp diễn.
Vụ phát hiện bắt giữ 17 con hổ nuôi nhốt ở Nghệ An mới nhất cũng vậy, ngay sau khi bắt xong thì các đơn vị nháo nhác trao đổi. Vấn đề là các đơn vị cứu hộ có chức năng cứu hộ hổ hay không, tức là có thiết kế chuồng trại không. Tôi có trao đổi với nhiều đơn vị cứu hộ thì gần như không có đơn vị nào có khả năng tiếp nhận số hộ 17 con đó. Tức là bài toán phải giải ở đây là biết có việc nuôi nhốt nhưng bắt xong thì giải quyết tiếp như thế nào, và đôi khi bắt xong lại dẫn đến hậu quả tương tự như vụ hổ chết vừa rồi. Thế nên có thể có cả việc người ta nghĩ là thôi “ôm rơm nặng bụng” để làm gì. Hơn nữa cũng không thể biết được có chuyện có bảo kê xảy ra hay không.
Chức năng chính của phía bên công an là phát hiện và bắt giữ các hành vi vi phạm. Nhưng nếu nay lại đưa thêm cho họ nhiệm vụ nữa là cứu hộ thì cũng là vấn đề và cũng không ai nhận trách nhiệm đó cả. Mọi người nói thì rất mạnh nhưng không ai đóng góp ủng hộ hay đưa ra giải pháp nào cho những con hổ được giải cứu đó cả. Có thể nói là chưa có giải pháp tổng thể, còn nhiều công việc khác mà người ta chưa tính đến phương án giải quyết.
Anh Quốc tịch thu thuốc \’cổ truyền\’ làm từ cao hổ cốt
BBC: Một người được truyền thông trong nước phỏng vấn tự nhận tham gia gây mê trong vụ giải cứu 17 con hổ này nói rằng gây mê xong mà di chuyển ngay là trái khoa học. Về mặt chuyên môn, ông có đánh giá gì?
Thông thường trước khi gây mê thì phải để con vật ở môi trường yên tĩnh để nó không bị stress, và sau khi gây mê xong thì thông thường phải chuyển ra nơi thoáng mát, và có thể phải trợ thở oxy cho hổ và sau khi hổ tỉnh dậy rồi thì mới di chuyển. Ngay sau khi gây mê xong mà đưa hổ đi ngay là không đúng với nguyên tắc chăm sóc thú y trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên trên thực tế vụ này chúng ta thấy có một số vấn đề bất cập.
Thứ nhất là người ta không biết được trọng lượng hổ từ trước nên có thể không chuẩn bị tốt việc gây mê vấn đề tiêm gây mê. Có thể do số người tham gia vào bắt đông nên các con hổ bị ức chế, và khi bị ức chế vậy thì có thể cần liệu lượng gây mê nhiều hơn rất nhiều so với bình thường.
Thứ hai, như tôi đã nói là địa bàn này rất phức tạp nên có thể ban chuyên án yêu cầu làm thật nhanh, rút nhanh để tránh việc người ta kéo đến quá đông, dẫn đến mất kiểm soát. Và thực tế là họ dường như phải bắt đầu tiến hành từ đêm. Có thể những người ở cấp chỉ huy chuyên án lại không nắm được các yếu tố về thú y và không nghĩ về việc đó quá nhiều mà có thể đặt nặng vấn đề phức tạp của địa bàn hơn. Cho nên có thể những thú y có mặt ở đó có thể nói qua nói lại với phía nhân sự thực hiện chuyên án nhưng họ không phải là phía quyết định.
Chúng ta được biết là các con hổ này được nuôi tại hầm ngầm nên khi di chuyển lên mặt đất có những khó khăn vì chật hẹp. Có chiến sĩ công an nói với tôi rằng mất tới cả tiếng đồng hồ để đưa hổ đã gây mê từ hầm lên mặt đất. Hơn nữa lực lượng khiêng hổ lại không phải là các y bác sĩ thú y nên mọi người cũng không có nhiều kiến thức chuyên môn.
Ngoài ra còn có yếu tố sức khỏe của chính các con hổ khi người ta bắt. Ảnh chụp các con hổ bị chết cho thấy là những con rất béo. Và cũng như người thì động vật mà béo phì thì dễ tử vong vì nhiều nguyên nhân.
Do đó có thể không có một lý do dẫn đến hổ chết mà là sự tổng hợp của một loạt nguyên nhân như vậy.
Cũng nên biết là tại Việt Nam thì có hai loài khi giải cứu cần gây mê là hổ và gấu. Đa số các vụ giải cứu gấu nuôi nhốt diễn ra đúng qui trình hơn vì người nuôi tự nguyện giao nộp cho các trung tâm cứu hộ. Nên trong quá trình giải cứu gấu không xảy ra mâu thuẫn. Còn đối với hổ thì lại khác vì các lý do đã nêu.
BBC: Báo chí đưa khung hình phạt cho hành vi nuôi nhốt trái phép này có thể là 10-15 năm tù. Những nghi phạm chắc hẳn không thể không biết về hình phạt họ đối diện nhưng rõ ràng họ phải có mối lợi về kinh tế rất lớn để đánh đổi?
Những người nuôi họ biết rất rõ chứ. Khi nuôi hổ họ cho ăn những thứ phế phẩm khá rẻ, trong khi thu lại từ việc bán các sản phẩm từ hổ như cao, nanh, da…lại rất lớn.
Trong lĩnh vực buôn bán và nuôi nhốt động vật hoang dã thường là có sự bảo kê nhất định nên người ta vẫn làm vì tự tin là nếu không may có bị bắt thì cũng sẽ được “can thiệp” chẳng hạn.
BBC: Ông đánh giá về nhu cầu sử dụng sản phẩm từ hổ tại Việt Nam thế nào?
Nhu cầu về cao hổ tại Việt Nam và tại cả Trung Quốc rất lớn. Tại Việt Nam thì những người có tiền có thói quen thích những thứ hiếm, độc và sưu tập cho bản thân hoặc để làm quà biếu nhằm duy trì mối quan hệ.
Tại Việt Nam việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm liên quan tới động vật hoang dã thì lại chưa liệt vào hành vi cấm. Và vì chưa cấm nên chưa có chế tài xử phạt. Tức là buôn bán, nuôi, quảng cáo, giết mổ động vật hoang dã thuộc hành vi cấm và bị phạt hoặc xử lý hình sự nhưng lại không xử phạt việc ăn các động vật, sử dụng sản phẩm từ động vật này. Chính vì vậy người sử dụng họ coi là họ là vô can. Tức là họ cho là lỗi là của những người buôn bán kia chứ họ không có lỗi.