Chính quyền Belarus cố tình \’thả di dân\’ vào Lithuania, Latvia và Ba Lan?
5 giờ trước
Ba quốc gia EU có biên giới với Belarus cho rằng chính quyền của Tổng thống Aleksandr Lukashenko \”đẩy di dân qua biên giới\” để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU.
Lithuania, quốc gia vùng Baltic, thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) nói láng giềng Belarus \”trả đũa Phương Tây\” bằng loại \”vũ khí mới\” – dòng người di dân được cho xâm nhập biên giới nước họ với sự hỗ trợ của chính quyền Aleksandr Lukashenko.
Lithuania cho hay chỉ trong vài tháng qua, hơn 4000 người vượt biên, đa số từ Iraq, Syria, Afghanistan và châu Phi đã \”tràn vào nước họ\” từ Belarus.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Nội vụ Lithuania, bà Agne Bilotaite nói về làn sóng vượt biên này rằng \”họ không phải người tỵ nạn thực thụ mà là \’công cụ của Lukashenko\” nhằm gây bất ổn cho Lithuania.
Còn tại Latvia, Quốc hội nước này dự kiến sẽ chuẩn thuận yêu cầu của Cục Biên phòng và Cảnh sát Quốc gia vào ngày 12/08/2021 cho phép công bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus.
Theo Reuters trích lại tin của Baltic News Service (BNS) thì tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài tới 10 tháng 10 năm nay có mục tiêu ngăn người di dân trái phép từ Belarus sang Latvia.
Chừng 283 người bị bắt khi vượt biên vào Latvia từ Belarus tính từ ngày 06/08.
Một số nguồn tin khác, được DAP của Đức trích thuật, nêu ra con số 18 nghìn người từ các nước Trung Cận Đông, Trung Á, sẵn sàng vượt biên vào EU trong hai tháng 8 và 9 năm nay.
Vấn đề của làn sóng vượt biên trái phép là các con số chính thức chỉ tính được người bị bắt.
Nhiều công dân Iraq bay tới Belarus bằng visa du lịch rồi đi thẳng ra biên giới để vượt rừng sang Lithuania, theo các báo châu ÂU.
BBC News cho hay chính quyền Lithuania tin rằng tổng thống Lukashenko \”khuyến khích di dân vượt biên vào EU\”.
Ba Lan, nước cũng có đường biên giới dài với Belarus, cho hay con số di dân từ châu lục khác trốn vào cũng tăng.
Trang Polsat News (05/08/2021) cho hay chỉ trong vài ngày trước đó, 62 người Iraq, Iran và Cameroon đã bị biên phòng Ba Lan bắt ở các điểm thuộc tỉnh Podlaskie.
Tất cả đến từ Belarus và gồm cả phụ nữ, trẻ em.
Cùng lúc, trang web Dziennik.pl có bài đặt câu hỏi phải chăng Ba Lan cũng sẽ cần xây tường cao ngăn di dân từ Belarus.
Trước đó, hôm 13/07/2021, BBC News đưa tin theo yêu cầu của Lithuania và Ba Lan, EU đã quyết định hỗ trợ việc các nước này triển khai quân đội để bảo vệ biên giới.
Việc dựng hàng rào dây thép gai dài trên 550 km cũng được triển khai, với đoạn biên giới Ba Lan – Belarus chừng 416 km, và phần còn lại là biên giới Lithuania với Belarus.
Tuy thế, xây tường cao có camera theo dõi lại là một vấn đề không đơn giản, về kinh phí cũng như môi trường và chi phí kiểm soát.
Hai quốc gia Đông Âu và Baltic thuộc EU đều ủng hộ phe đối lập Belarus chống lại chế độ của ông Lukashenko.
Các quan chức EU đã có cuộc họp tuần qua để bàn về cuộc khủng hoảng di dân trái phép này.
Chính quyền của Tổng thống Lukashenko bác bỏ các cáo buộc từ EU và nói họ không chịu trách nhiệm về làn sóng nhập cư lậu vào khối này.
Tuy thế, theo trang InfoMigrants (10/08) thì ông Lukashenko đã ra lệnh đóng một số cửa khẩu của Belarus với láng giềng EU để các nước kia không thể \”trả lại di dân trái phép\”.
Ông cũng nói \”các biện pháp trừng phạt của EU sẽ chỉ khiến EU nghẹn họng, và hãy nhìn những gì đang xảy ra ở biên giới với Ba Lan, Lithuania, Ukraine\”, theo BBC News.
Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu, cho đến 10/08, chưa có tên tuổi người Việt trong các nhóm vượt biên bị ba quốc gia EU có biên giới với Belarus bắt giữ và công bố.
Lo ngại làn sóng tỵ nạn mới từ Afghanistan
Sau các tác động quốc tế, Iraq đồng ý nhận về từ Belarus 280 công dân của họ đã bay tới bằng visa du lịch, theo hãng thông tấn DPA của Đức.
Những người nước ngoài tới Belarus với ý định nhập cảnh trái phép vào EU đều nói họ chạy trốn khỏi chiến tranh, sự đàn áp.
Trong lúc khủng hoảng quan hệ ngoại giao EU-Belarus tiếp tục, tình hình Afghanistan đang bước vào những giờ phút đen tối khi chính phủ ở Kabul không cầm chân được lực lượng Taliban, sau khi Hoa Kỳ và Nato rút quân đi.
Con số người Afghanistan chạy khỏi các vùng Taliban tái chiếm đang tăng, gây lo ngại về tình trạng tỵ nạn như sau cuộc chiến Syria.
Gần đây, sáu nước EU gần đây kêu gọi khối này có hành động khẩn cấp để ngăn làn sóng tỵ nạn từ Afghanistan chạy sang châu Âu.
Hôm 05/08/2021, các nước Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Hy Lạp yêu cầu Ủy ban châu Âu không chấp nhận chính sách mở cửa\” cho phép người tỵ nạn từ Afghanistan tới EU dễ dàng.
Afghanistan từng bị chính quyền Hồi giáo hà khắc của Taliban kiểm soát từ 1996 đến 2001 và chiến sự sau đó khiến ít nhất 2,6 triệu người dân đã bỏ chạy sang các nước khác tỵ nạn.
Chừng 6 triệu người bị cho là mất nhà cửa, phải ly tán ngay trong quốc gia 38 triệu dân và có lo ngại quân Taliban sẽ trả thù những ai làm cho chính phủ Kabul và liên quân Phương Tây.