Cựu đại sứ Ted Osius: Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng cao nhất của Việt Nam

Cựu đại sứ Ted Osius: Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng cao nhất của Việt Nam

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

12 tháng 8 2021

\"Chủ
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngoại trưởng John Kerry và Đại sứ Ted Osius năm 2015

Hoa Kỳ coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và để mối giao hảo ngày càng được củng cố, Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng cao nhất của Việt Nam và hai phía cần chân thành với quá khứ, cựu đại sứ Ted Osius chia sẻ.

Đại sứ Ted Osius là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng nhiều năm làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại châu Á.

Từ năm 2014 đến 2017, trong vai trò đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông được đánh giá là đã có nhiều đóng góp trong việc tăng cường quan hệ giữa hai cựu thù.

Rời cương vị đại sứ, tháng 11/2017, ông Ted Osius (sinh năm 1961 ở California), tiếp tục ở lại Việt Nam và đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam tại TP HCM đến tháng 6/2018

Ghi nhận đóng góp của Ted Osius, nhà nước Việt Nam đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị vào năm 2018.

Cuốn sách \”Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam\” (Nothing is Impossible: America\’s Reconciliation with Vietnam) do ông viết dự kiến ra mắt chính thức vào tháng 10/2021. Sách là sự đúc kết của đại sứ Osius về mối quan hệ từ thù địch chuyển sang đối tác giữa hai quốc gia.

Nhằm làm rõ hơn những đánh giá của đại sứ Ted Osius về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Bùi Thư của BBC News Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông bằng hình thức đàm thoại video.

Ủng hộ Việt Nam về Biển Đông và sông Mekong

BBC: Thưa ngàiTed Osius, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quân sự?

Cựu đại sứ Ted Osius: Tôi nghĩ mối quan hệ đang rất tốt đẹp và thuận lợi, đánh dấu bằng chuyến thăm cấp cao của một thành viên trong nội các Biden. Theo tôi, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho thấy chính quyền Biden coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Và vị đại sứ sắp tới tại Việt Nam là một nhà ngoại giao xuất sắc, ông Marc Knapper, người vừa có phiên điều trần bổ nhiệm trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Có thể thấy chính quyền Biden đặt ưu tiên quan hệ với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ đối tác sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế cùng với một số vấn đề tồn tại từ quá khứ.

BBC: Đâu là ngụ ý của Lầu Năm Góc khi chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Austin trên cương vị mới?

Cựu đại sứ Ted Osius: Tôi nghĩ điều đó thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của ông Austin ở Singapore, rằng đây là khu vực quan trọng nhất trên thế giới và Mỹ muốn tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác.

Quan hệ đối tác với Việt Nam đang rất mạnh mẽ và ông ấy muốn nó mạnh hơn nữa. Và tôi nghĩ ông ấy không chỉ đang vạch ra phương cách giải quyết các mối quan tâm trong quá khứ mà còn muốn xây dựng quan hệ bền chặt hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải và hợp tác, cũng như những gì chúng ta đã làm trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Ông ấy cũng xác định rất rõ trong bài phát biểu tại Singapore, rằng \”chúng tôi từ lâu đã tìm cách tạo không gian cho các nước vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực thi nguyện vọng cao nhất của họ và bảo vệ quyền của công dân họ\”. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu của Mỹ. Chúng tôi muốn ủng hộ nguyện vọng cao nhất của các quốc gia như Việt Nam.

BBC: Vậy theo ông, tại sao Việt Nam lại nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực?

Cựu đại sứ Ted Osius: Một phần là do chúng ta có chung lịch sử và chúng ta đã dành 25 năm qua để xích lại gần nhau, chuyển từ không tin tưởng sang tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn và cùng nhau làm rất nhiều việc. Tôi nghĩ nó xuất phát từ lịch sử chung này cũng như thực tế là có rất nhiều người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, có nghĩa là họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu để dành nhiều sự quan tâm cho việc hòa giải giữa hai quốc gia.

Tất nhiên là có những lý do chiến lược. Việt Nam có đường bờ biển dài. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chúng tôi cũng cam kết đảm bảo rằng lợi ích của Việt Nam được tính đến trong vấn đề quản lý sông Mekong. Hai vấn đề mà tôi nghĩ Hoa Kỳ rất ủng hộ Việt Nam là Biển Đông và sông Mekong.

\"BBC\"/

BBC: Mỹ dường như ngày càng tiến hành nhiều hoạt động ở Thái Bình Dương, đặc biệt thông qua Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPs), đồng thời cũng tăng cường ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trong vấn đề Biển Đông. Những hoạt động này có tác dụng gì trong việc duy trì ổn định trước sự hung hăng của Trung Quốc?

Cựu đại sứ Ted Osius: Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã nói về tầm quan trọng của việc các nước trong khu vực tăng cường năng lực, và Hoa Kỳ rất ủng hộ việc tăng cường năng lực đó, đặc biệt là đối với Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải.

Khi tôi còn là đại sứ, chúng tôi đã cung cấp cho Việt Nam chiếc tàu lớn nhất trong đội tàu Cảnh sát biển của Việt Nam. Một tàu tuần duyên mới cũng vừa được chuyển cho Việt Nam gần đây.

Kể từ nhiệm kỳ của tôi, đã có hai chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Đà Nẵng. Và tôi nghĩ nó cho thấy Hoa Kỳ và Việt Nam thực sự có chung cam kết về tự do hàng hải trên Biển Đông. Đó là lợi ích quan trọng đối với Hoa Kỳ. Đó cũng là lợi ích quan trọng với Việt Nam.

\"Đại
Chụp lại hình ảnh,Đại sứ Ted Osius và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thăm nơi xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng năm 2016

Bản thân Việt Nam rất quan trọng

BBC: Theo dự kiến, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam vào tháng 8. Xin cho biết đánh giá của ông về sự kiện này?

Cựu đại sứ Ted Osius: Tôi rất vui khi biết sẽ có chuyến thăm đặc biệt như vậy. Tôi rất tự hào vì bà ấy là phó tổng thống. Tôi muốn nói rằng càng có nhiều chuyến thăm càng tốt, bởi vì bất cứ ai đến Việt Nam và dành thời gian ở đó đều sẽ hiểu những gì tôi đã hiểu, rằng đó là một nơi tuyệt vời với những con người tuyệt vời và lịch sử đáng tự hào.

Khi tôi còn là đại sứ, tiến sĩ Jill Biden đã đến thăm. Lúc bấy giờ bà ấy là vợ của phó tổng thống. Còn giờ đây bà ấy là phu nhân tổng thống và bà ấy rất thích chuyến thăm Việt Nam.

Bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm một vài lần và Tổng thống Obama cũng đã thăm Việt Nam. Tất cả những ai đến Việt Nam đều cảm nhận được nguồn cảm hứng và kỳ vọng được hun đúc từ những gì Việt Nam đã làm được.

Một khi Kamala Harris có cơ hội đến thăm Việt Nam, tôi mong rằng bà ấy cũng sẽ cảm thấy như vậy.

BBC: Phó Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam vào giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn là đối tác rất quan trọng đối với Hoa Kỳ?

Cựu đại sứ Ted Osius: Việt Nam là một đối tác rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, bất kể là ai đến thăm. Chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin là một dấu hiệu.

Tôi thấy rõ rằng chính quyền Biden rất coi trọng châu Á và Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở châu Á. Tất nhiên, an ninh là quan trọng, nhưng quan hệ đối tác rộng hơn và quan trọng hơn nhiều so với an ninh. Đó là mối quan hệ đối tác toàn diện, nhưng theo một cách có ý nghĩa chứ không chỉ là tên gọi. Tôi chắc chắn sẽ khuyến khích các thành viên chính quyền đến thăm bởi vì tôi biết họ sẽ được truyền cảm hứng và họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong mỗi chuyến thăm.

Từ lâu rồi cho tới cách đây vài năm, người ta vẫn còn nghĩ về Việt Nam như một nơi xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ rằng 4 năm nay, tại Hoa Kỳ, hình ảnh một Việt Nam năng động, tươi đẹp, thành công đã trở nên phổ biến.

Tôi lấy ví dụ về chuyến thăm của Tổng thống Obama. Khi đi ăn bún chả, tổng thống đã thích thú nhường nào. Bạn biết đấy, đấy thực sự không phải là dàn dựng mà là một khoảnh khắc tuyệt vời, khi ông thưởng thức món ăn giản dị mà người Việt Nam yêu thích.

Sau đó, khi ông tham gia một sự kiện ở TP HCM và ca sĩ Suboi đã đứng lên hát rap. Cô ấy nói, tôi là một rapper. Và ông ấy nói, hãy cho tôi thấy khả năng của bạn. Và sau đó cô ấy bắt đầu rap. Bạn biết đấy, cô ấy là một rapper trẻ trung và tự tin.

Tôi nghĩ đó không hẳn là điều mà mọi người thường hình dung về Việt Nam, nhưng họ đã nhìn thấy hình ảnh đó và họ thấy hình ảnh những doanh nhân trẻ gặp gỡ tổng thống. Qua chuyến thăm đó, họ thấy sự chào đón nhiệt tình của hàng triệu người trên đường phố dành cho tổng thống. Đó là một chuyến thăm tuyệt vời, tràn đầy cảm xúc.

\"BBC\"/

BBC: Đó có phải lý do khiến ông đặt tên cuốn sách là \’Không gì là không thể\’?

Cựu đại sứ Ted Osius: Vâng, rất đơn giản. Pete Peterson là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh và là đại sứ đầu tiên đến Hà Nội. Ông ấy là một tù nhân chiến tranh, vì vậy ông ấy hiểu nỗi đau chiến tranh. Ông ấy đã ngồi tù nhiều năm. Nhưng rồi ông ấy đến Việt Nam và hòa giải. Ông ấy nói về sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam và sự hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới rất tích cực.

Sau đó, ông ấy quay trở lại nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao và ông ấy đã phát biểu tại một hội nghị rằng: \”Không có gì là không thể trong quan hệ Việt – Mỹ\”. Và tôi nghĩ ông ấy đã đúng. Không có gì là không thể trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là lý do tôi đặt tên cuốn sách theo lời Peterson nói.

Không có gì là không thể không có nghĩa là mọi thứ đều dễ dàng và không có thách thức. Nhưng khi nói đến Việt Nam, không gì là không thể vì Hoa Kỳ có rất nhiều can dự ở Đông Nam Á. Đó là khu vực với sáu trăm năm mươi triệu người. Đó là nền kinh tế hơn hai nghìn tỉ đô la. Chúng tôi có rất nhiều hoạt động kinh doanh trong khu vực. Đông Nam Á rất quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Và tôi cho rằng mọi người thường nghĩ về Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và điều đó tạo ra thách thức như thế nào. Đấy là điều đáng quan tâm, nhưng bản thân Việt Nam cũng rất quan trọng phải không? Không phải chỉ vì Trung Quốc, mà vì Việt Nam quan trọng. Việt Nam có 100 triệu dân. Đó là một đất nước phát triển năng động. Và đó là một phần của khu vực năng động có ý nghĩa lớn đối với Hoa Kỳ.

\"BBC\"/

BBC: Tôi tò mò muốn biết, trong cuốn sách của ông, hình ảnh Việt Nam như ông nói, cũng như mối quan hệ ngày càng tốt hơn giữa hai nước, đã được đề cập như thế nào?

Cựu đại sứ Ted Osius: Cuốn sách của tôi là câu chuyện của những người chuyển từ cựu thù thành bạn và những người chấp nhận rủi ro từ cả hai phía.

Tôi viết về John Kerry và John McCain. Hình ảnh John Kerry rất đẹp trong cuốn sách. Tôi còn viết về đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh, Pete Peterson.

Tôi cũng viết về Nguyễn Cơ Thạch, vị bộ trưởng ngoại giao vĩ đại, người đã chấp nhận rủi ro lớn để đưa hai nước xích lại gần nhau. Và tôi viết về các quan chức và người dân Việt Nam dám chấp nhận rủi ro bởi vì họ biết lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được trong mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ rằng nhiều người ở Việt Nam, những người yêu nước tin vào lợi ích cho Việt Nam, tin rằng mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ sẽ có lợi vì Hoa Kỳ có thể sẽ giúp ích trong những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.

\"Ông
Chụp lại hình ảnh,Ông Ted Osius cùng Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại lễ ký kết thỏa thuận về hoạt động của Đoàn Hòa bình tại Việt Nam vào tháng 5/2016

Vaccine Covid-19 là một ví dụ. Chúng ta đã làm việc cùng nhau để đối phó với các thách thức về sức khỏe cộng đồng trong một thời gian dài. Các chuyên gia Mỹ tại Việt Nam đã nghiên cứu về HIV/AIDS và các bệnh nhiệt đới và giờ là Covid.

Chúng ta cùng hợp tác về giáo dục và đã thực hiện nhiều chương trình trao đổi. Với tất cả những điều đó, tôi thực sự tin đó là biểu hiện chân thực cho việc cả hai quốc gia đều hiểu rằng quan hệ đối tác, chứ không phải sự ngăn cách, giúp chúng ta cùng nhau làm được nhiều việc hơn. Do đó, cả hai chúng ta đều tin tưởng vào quan hệ đối tác. Nhưng chúng ta phải chân thành với lịch sử rất đau thương và khó khăn của chúng ta. Cách duy nhất để tiến về phía trước là thành thật với quá khứ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment