Trung Quốc sập bẫy Mỹ: Afghanistan biến thành “nghĩa địa” chôn vùi tham vọng của Bắc Kinh?
Sẽ rất thú vị khi theo dõi xem Trung Quốc sẽ điều hướng sân chơi Afghanistan như thế nào vì Bắc Kinh có khả năng là cường quốc tiếp theo cố gắng lấp đầy khoảng trống ở đây.August 12, 2021
Afghanistan là một sân chơi địa chính trị vô cùng phức tạp và vẫn là một trong những chiến trường khốc liệt nhất thế giới. Thời gian gần đây, sau khi Quân đội Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan, Taliban đã ngay lập tức bắt đầu tuyên bố chủ quyền ở nhiều vùng khác nhau và hiện kiểm soát hơn 85% diện tích đất nước.
Chính phủ Afghanistan rất có thể sẽ bị lật đổ trong vài tháng tới do sự chuẩn bị không tốt của lực lượng an ninh nước này. Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra liệu Trung Quốc có thể là cường quốc tiếp theo bị cuốn vào “nghĩa địa của các đế chế” hay không?
Trong lịch sử, nhiều cường quốc đã luôn cố gắng nhưng đều chuốc lấy thất bại khi muốn biến Afghanistan thành một điểm nóng phục vụ cho các tham vọng địa chính trị của họ. Mỹ là siêu cường gần nhất phải hứng chịu thất bại thảm hại ở quốc gia Trung Á này sau hai thập kỷ chiếm đóng và gây dựng đất nước không thành công.
Hiệu suất kém của Washington trong việc cung cấp các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng và kết nối quy mô lớn là một trong những thất bại nặng nề nhất của Washington trong 20 năm qua. Giờ đây, Bắc Kinh lại đang làm mọi công tác chuẩn bị để nhảy vào lấp chỗ trống mà Mỹ để lại.
VỊ THẾ CỦA TRUNG QUỐC Ở AFGHANISTAN
Trung Quốc hiện đang theo đuổi ba mục tiêu chính ở Afghanistan: Không để xung đột và nội chiến ở nước này mở rộng thêm; thúc đẩy các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan; và ngăn chặn sự gia tăng của các lực lượng khủng bố và hoạt động khủng bố.
Để thực hiện những mục tiêu này, Trung Quốc đang dựa vào mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Nga (Liên minh Rồng và Gấu), Iran và Pakistan.
Afghanistan nằm ở vị trí địa chiến lược của điểm nóng kết nối Trung Đông, Trung – Nam Á và châu Âu. Trung Quốc coi nước này như một mảnh ghép để giải bài toán địa chính trị giữa Pakistan và Iran,hai nước đều đã thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).
Xét trong bối cảnh đó, một số dự án chiến lược cụ thể ở Taxkorgan, Wakhan và Gwadar có tầm quan trọng rất to lớn. Việc xây dựng Sân bay Taxkorgan trên Cao nguyên Pamir ở Khu tự trị Tây Bắc của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương là một khoản đầu tư dài hạn đáng kể vì Taxkorgan là “thành phố cấp quận duy nhất của Trung Quốc giáp với ba quốc gia: Tajikistan, Pakistan và Afghanistan.
Xe quân sự Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP
Trung Quốc và Afghanistan có chung đường biên giới dài 80 km với đèo Wakhjir, là con đèo duy nhất có khả năng đi lại. Tuy nhiên, không có tuyến đường bộ nào kết nối với con đèo này ở phía Afghanistan.
Một khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai là sẽ xây dựng một kết nối trực tiếp với Afghanistan thông qua Wakhan và Little Pamir như một phần của BRI, qua đó làm hồi sinh Con đường Tơ lụa ở Afghanistan thông qua Hành lang Wakhan.
Một dự án đường bộ nối Bozai Gonbad với đèo Wakhjir hiện đang trong giai đoạn thực hiện và đang được chính phủ Afghanistan tài trợ mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Bất cứ ai nắm quyền ở Afghanistan cũng sẽ sớm phải quyết định có nên tái kết nối đất nước với Trung Quốc bằng cách xây dựng một đường cao tốc dài 50 km, một dự án ước tính trị giá ít nhất 5 triệu USD.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa hành lang trung chuyển này tiềm ẩn những rủi ro và thách thức đối với Trung Quốc. Bắc Kinh coi Wakhan là một tuyến đường xâm nhập tiềm tàng của các cư dân ở Afghanistan, những người thề sẽ tiến hành các hoạt động khủng bố ở Tân Cương.
Mối quan tâm của Trung Quốc đối với việc xây dựng kết nối trực tiếp với Afghanistan có thể sẽ tăng lên khi tình hình đang thay đổi và Bắc Kinh đang tìm cách giành chỗ đứng ở Afghanistan thông qua BRI với khoảng đầu tư 62 tỷ USD sau khi Mỹ rút khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
CPEC chủ yếu bao gồm các dự án liên quan đến đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn năng lượng giữa Pakistan và Trung Quốc. Cảng Gwadar là một tài sản chiến lược quan trọng, cho phép Bắc Kinh khuếch trương sức mạnh của mình ra Ấn Độ Dương.
Bắc Kinh có thể đưa Afghanistan vào CPEC để cung cấp các sáng kiến kinh tế thông qua kết nối trực tiếp với Pakistan trên đất liền. Các dự án cụ thể có thể được xây dựng trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, Dự án Vận tải Đường sắt đặc biệt Trung Quốc- Afghanistan, Dự án Đường sắt 5 Quốc gia và Hành lang Hàng không Kabul – Urumqi”.
Các thành viên của Quân đội Quốc gia Afghanistan rà phá bom mìn. Ảnh: Wikimedia
Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Afghanistan (1,19 tỷ USD), nhưng nước này có thể tăng đáng kể khối lượng thương mại thông qua kết nối đường bộ trực tiếp với Pakistan. Các cuộc đàm phán về việc xây dựng một con đường chính giữa Afghanistan và thành phố Peshawar ở Tây Bắc Pakistan cho thấy đây có thể là dự án lớn đầu tiên của CPEC trong tương lai gần.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ với tất cả các bên liên quan ở Afghanistan và nếu cần, sẽ dàn xếp để Taliban không ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Dựa trên khái niệm về “ba thế lực tà ác” là chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai, Trung Quốc quyết tâm trấn áp bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ biến Tân Cương thành một điểm nóng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, bao gồm cả Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan.
Bắc Kinh có khả năng đưa ra các ưu đãi kinh tế cho Taliban để đảm bảo nhận được sự hỗ trợ của họ đối với BRI ở Pakistan và Afghanistan.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía Bắc Afghanistan là một mối quan tâm khác. Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để ngăn chặn IS làm mất ổn định Trung Á, một mục tiêu địa chính trị chung được cả Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc lãnh đạo chia sẻ.
Cuối cùng, các khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc vào Afghanistan có khả năng sẽ gia tăng khi Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các nguồn dự trữ đồng, than, sắt, khí đốt, coban, thủy ngân, vàng, lithium và thorium chưa được khai thác ở đây.
Theo một nghiên cứu địa chất, Afghanistan có trữ lượng đất hiếm và khoáng sản ước tính lên tới 3 nghìn tỷ USD. Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh có thể có tới 60 triệu tấn đồng, 2,2 tỷ tấn quặng sắt, 1,4 triệu tấn đất hiếm (lantan, xeri và neodymium), và các mỏ nhôm, vàng, bạc, kẽm, thủy ngân và liti.
Vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng quan hệ thương mại với khu vực này. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách đảm bảo và bảo vệ các khoản đầu tư cũng như các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong tương lai.
Mỹ đang có kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 11 tháng 9. Ảnh: AFP
CÁC LỢI ÍCH ĐỊA CHÍNH TRỊ Ở AFGHANISTAN
Tất cả các bên liên quan – Moscow, Bắc Kinh, Washington, và ở mức độ thấp hơn là Brussels – đều quan tâm đến việc hội nhập với Nam và Trung Á thông qua các hành lang kết nối, giao thông và thương mại khác nhau. Trong khi đó, họ cũng đang cạnh tranh ảnh hưởng và gia tăng hiện diện ở các nước láng giềng Trung Á của Afghanistan.
Đối với Nga, mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Á trực tiếp của Afghanistan là sự tiếp nối hợp lý của quá trình hội nhập trong Liên minh Kinh tế Á – Âu và đối với Trung Quốc là các dự án BRI và CPEC của họ. Moscow muốn thúc đẩy một không gian địa kinh tế giữa các cảng phía Nam của Iran và Ấn Độ, và các thành phố phía Bắc của Nga và EU.
Tuy nhiên, trong khi Nga coi sự xuất hiện của Mỹ và các căn cứ ở “vùng dưới thắt lưng”’ là điều không mong muốn, thì Washington sẽ vẫn tìm cách giành giật chỗ đứng ở khu vực Trung Á sau khi rút quân khỏi Afghanistan.
Do đó, các hành động và biện pháp phối hợp giữa Bắc Kinh và Moscow liên quan đến Afghanistan và Trung Á rất có thể xảy ra trong tương lai, nhiều khả năng trong khuôn khổ CSTO và SCO hoặc song phương.
Nga vẫn cảnh giác với những rủi ro và mối đe dọa tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng các căn cứ quân sự và tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Afghanistan cũng như những nỗ lực nhằm khôi phục sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á.
Nam Á sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ để giành giật “trái tim và khối óc” của các nước láng giềng trực tiếp, trong đó có cả Afghanistan.
Pakistan đang chuẩn bị cho khoảng trống an ninh ở Afghanistan, vì Islamabad hy vọng khoảng trống này sẽ được Trung Quốc lấp đầy với sự giúp đỡ của Nga. Xét tới việc tất cả các bên trong khu vực đều có mối quan hệ kém với Taliban, Pakistan đang tìm cách tận dụng mối quan hệ tốt đẹp của mình với lực lượng này dưới tư cách một bên hòa giải.
Nhưng Islamabad cũng lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến mới ở Afghanistan hoặc đất nước này bị Taliban tiếp quản, đó là lý do tại sao họ sẽ hợp tác với các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thậm chí Mỹ để ổn định Afghanistan.
Sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và “ngoại giao bẫy nợ: đối với Pakistan sẽ khiến Islamabad nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa các mối quan hệ của mình trong khu vực. Thậm chí có thể có những nỗ lực ngoại giao hướng tới bình thường hóa quan hệ thương mại giữa New Delhi và Islamabad trong tương lai.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan, cũng như sự phối hợp giữa Trung Quốc và Nga, là những ví dụ chính về sự hình thành khu vực linh hoạt có thể giúp Trung Quốc quản lý Afghanistan và sẽ có tác động lớn đến Ấn Độ.
Quân đội Trung Quốc dường như đang sẵn sàng hoạt động ở Afghanistan. Ảnh: MT
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là hai cường quốc của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nên mối quan hệ của họ sẽ ngày càng được định hình bởi sự cạnh tranh và đối đầu trong không gian địa chính trị chung này.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc – Nga và Trung Quốc – Pakistan hiện nay đã tạo ra sự mất cân bằng địa chính trị đáng kể ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, gây bất lợi cho lợi ích của Ấn Độ.
Ấn Độ đang đối mặt với căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) và đang xây dựng đối trọng địa kinh tế với Con đường tơ lụa thông qua một hành lang trên bộ xuyên Iran và Trung Á tới Nga và châu Âu (Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế).
Cảng Chabahar do Ấn Độ hậu thuẫn nằm trên Vịnh Oman ở miền nam Iran, kết nối Ấn Độ với Afghanistan và các nước Trung Á khác không qua Pakistan. New Delhi vẫn là nhà tài trợ tái thiết lớn nhất của Afghanistan và tìm cách phối hợp với các đối tác cùng chí hướng khác thông qua các kênh song phương và đa phương liên quan đến tình hình biến động ở nước này.
Về mặt logic, Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác đáng tin cậy để tạo ra đối trọng với sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á. Những diễn biến hiện tại, chẳng hạn như sự xuất hiện của Bộ Tứ, (The Quad) ngày càng được coi là nỗ lực đối trọng do Mỹ dẫn đầu chống lại các dự án địa kinh tế của Trung Quốc như BRI, CPEC và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Phương Tây có những tính toán riêng liên quan đến tình hình ngày càng tồi tệ ở Afghanistan. Với sự tập trung ngày càng tăng của Bộ Tứ vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không thành viên nào trong số 4 nước – Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – có thể để xảy ra “một điểm mù” ở Afghanistan, nhất là các mối đe dọa địa chính trị và khủng bố.
Trong khi đó, Washington đã khởi động một đội hình Quad khác với Afghanistan, Uzbekistan và Pakistan để tăng cường kết nối khu vực.
Các mô hình tứ giác do Mỹ dẫn đầu này không chỉ nhằm mục đích kiềm chế sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc mà còn can dự vào Afghanistan và Trung Á trong một loạt các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, từ chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo đến các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư tái thiết.
Liên minh châu Âu, xuất phát từ lo ngại xảy ra một làn sóng tị nạn lớn do khoảng trống an ninh để lại, cũng mong muốn thúc đẩy ổn định kinh tế và quan hệ thương mại với các nước Trung và Nam Á.
CÁI BẪY MỸ GIĂNG SẴN ĐÓN CHỜ TRUNG QUỐC?
Trung Quốc sẽ phải quyết định xem có nên quản lý Afghanistan thông qua nước ủy nhiệm hiện nay là Pakistan hay bằng cách đối đầu trực tiếp với Taliban. Về mặt này, Bắc Kinh khó có thể phạm phải những sai lầm như Mỹ và trước đó là Liên Xô.
Thay vì loại bỏ hoặc trục xuất Taliban, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ dung túng cho Taliban tận dụng những nguồn lực của đất nước và kích hoạt các mạng lưới cần thiết trong BRI và hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan – Afghanistan.
Nga sẽ giữ vị trí trung tâm trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ổn định vùng đất Trung Á và lôi kéo Afghanistan vào các kế hoạch giao thông, cơ sở hạ tầng và kết nối của họ trong tương lai.
Afghanistan có khả năng trở thành vũng lầy địa chính trị tiếp theo sau Syria. Sẽ rất thú vị khi theo dõi xem Trung Quốc sẽ điều hướng sân chơi này như thế nào, vì Bắc Kinh có khả năng là cường quốc tiếp theo cố gắng lấp đầy khoảng trống ở đây.
Đó có lẽ chính xác là lý do tại sao Mỹ đang rút lui – động thái này có thể trở thành một cái bẫy của Mỹ nếu Trung Quốc dấn bước vào vũng lầy Afghanistan và thất bại như Liên Xô đã từng mắc phải từ năm 1979 – 1989.
Washington dường như đã lập sẵn kế hoạch gây rắc rối cho cường quốc mới nổi là Trung Quốc. Afghanistan sẽ là một thử nghiệm địa chính trị quan trọng đối với Bắc Kinh. Trung Quốc liệu có thành công khi mà tất cả các cường quốc khác, cho đến nay, đều đã thất bại?
Nguồn Tin nóng